Giao tiếp và văn hóa ứng xử trong gia đình
Nếu mỗi người biết sống có trách nhiệm, yêu thương và trân trọng những khoảnh khắc bên nhau, thì gia đình sẽ trở thành nơi nương tựa vững chắc, nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp cho thế hệ mai sau.
Xã hội ngày càng phát triển, không ít trường hợp chú trọng giao tiếp ngoài xã hội, mà quên rằng trong gia đình cũng cần ứng xử với nhau một cách có văn hóa.
Trong gia đình, bố mẹ - con cái, vợ - chồng, ông, bà - cháu, anh - chị - em... đều rất gần gũi, gắn bó. Tuy nhiên, không phải ai cũng để ý tới những mối quan hệ này. Vì thế, mặc dù cùng ăn, cùng ở nhưng nhiều gia đình không thật sự gắn bó, không thể chia sẻ cùng nhau, nhất là trong thời buổi công việc bận rộn, nhiều mối quan hệ xã hội cần chăm sóc hơn. Càng ngày, các thành viên gia đình có xu hướng ít dành thời gian cho nhau hơn so với trước. Những cuộc trò chuyện… cũng chỉ thoáng qua.

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Tôi có quen cặp vợ chồng trẻ, khi cưới nhau được vài năm cả hai ở cùng bố mẹ. Hai vợ chồng làm công nhân, thường xuyên tăng ca, nên ít có thời gian trò chuyện cùng bố mẹ. Cả nhà có bữa cơm thì cũng phải chia thành hai lần ăn, vì vợ chồng anh thường xuyên về muộn, bố mẹ ăn trước để phần các con về ăn sau. Cứ thế, số lần cả nhà trò chuyện, chia sẻ cùng nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm nữa, chị vợ cũng là người ít nói, nên quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không mấy gắn bó.
"Công việc bận rộn, mình cứ bị cuốn theo nên khó dành nhiều thời gian cho gia đình. Tôi và bố cũng không hay nói chuyện, nên nhiều lúc vừa nói được vài ba câu là lại to tiếng, vì thực sự hai bố con không hiểu nhau", anh bạn tôi thẳng thắn thừa nhận. Không riêng anh bạn tôi, rất nhiều người trẻ khó mở lòng, chia sẻ với chính những người thân trong gia đình.
Có lần chứng kiến một cô bé 13 tuổi, dù kết quả học tập tốt, nhưng ứng xử, phép tắc trong gia đình lại rất kém. Tôi là một trong những vị khách được bố mẹ cháu mời tới ăn bữa cơm gia đình. Khi tất cả mọi người đã ngồi vào mâm, cháu bắt đầu mới từ phòng riêng đi xuống. Sau khi chào hỏi mọi người qua loa, cháu ngồi cạnh mẹ, cùng mâm với tôi. Cả một mâm cơm rất ngon với nhiều món đặc sản, mẹ cháu phải mất cả chiều để chuẩn bị, nhưng cháu chỉ buông một câu "không có gì để ăn cả". Theo như lời giải thích của mẹ cháu, cháu không thích ăn những món này, vậy là mẹ cháu lại đứng dậy làm món cơm rang. Mọi tật xấu của cô bé này bắt đầu bộc lộ khi dùng bữa cùng mọi người. Cháu không có thói quen mời người lớn trước khi ăn. Khi ăn thì dùng đũa xới tung cả đĩa thức ăn để tìm miếng mình thích, vừa ăn vừa xem ti vi, miệng nhai nhồm nhoàm và cũng không để ý tới người xung quanh. Cách cháu nói chuyện với mẹ cũng rất khó nghe. Trong khi mẹ nói như cưng nựng, nịnh nọt, còn con gái thì luôn trả lời trống không và tỏ rõ thái độ...

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Người xưa rất coi trọng việc giáo dục lễ nghi, dạy dỗ trẻ con biết “kính trên, nhường dưới”, thì ngày nay nhiều gia đình lại coi là việc nhỏ nên xem nhẹ. Thậm chí, nhiều người chưa quan tâm giáo dục con cái. Chỉ đơn giản là việc giao tiếp, ứng xử với mọi người trong bữa ăn hằng ngày, nhiều gia đình cũng không mấy để ý dạy dỗ con trẻ.
Những quy tắc bất thành văn trong bữa cơm như trước khi ăn phải mời người lớn theo thứ tự; không gõ bát; khi ăn cơm không chóp chép, không bới đồ ăn..., đã bị người lớn bỏ qua, “quên” dạy dỗ trẻ nhỏ.
Đây chỉ là những phép tắc cơ bản, nhưng góp phần đánh giá đứa trẻ ấy lớn lên trong gia đình có nền nếp, gia phong hay không.
Cuộc sống hiện đại làm cho văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình ít nhiều thay đổi, để phù hợp và thích nghi, nhưng khuôn phép, gia phong thì không thể thiếu. Bận “trăm công, nghìn việc” (?!), các thành viên trong gia đình không còn nhiều thời gian dành cho nhau. Mọi người đều mải mê với công việc riêng, ít gian chăm chút gia đình. Vô hình tác động, dẫn tới việc hình thành lối sống, văn hóa ứng xử không tốt của các thành viên trong gia đình.
Để con cái thực hiện nền nếp, gia phong, có thái độ ứng xử đúng đắn với các thành viên trong gia đình, trước hết bố mẹ, người lớn trong gia đình phải làm gương. Bố mẹ cần phải giữ chuẩn mực trong ứng xử với mọi người trong gia đình, dành nhiều thời gian cho các con.
Trong đạo Phật, gia đình không chỉ là nơi nuôi dưỡng thể chất mà còn là môi trường quan trọng để rèn luyện đạo đức, nhân cách. Đức Phật dạy rằng, mỗi người đều có bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình. Đối với cha mẹ, trách nhiệm lớn nhất là nuôi dưỡng con cái không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần, giúp con trưởng thành với lòng hiếu thảo, nhân ái, biết kính trên nhường dưới.
Bát Chính Đạo, con đường dẫn đến sự an lạc và giải thoát, cũng có thể ứng dụng trong quan hệ gia đình. Chính Ngữ giúp các thành viên giao tiếp với nhau bằng lời nói chân thật, yêu thương, tránh những lời cay nghiệt gây tổn thương. Chính Mạng nhắc nhở về việc cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình, không nên quá mải mê kiếm sống mà quên đi việc vun đắp tình cảm thân thuộc.
Kinh Thiện Sinh, một bài kinh quan trọng về đạo đức gia đình, dạy rằng cha mẹ phải làm gương cho con cái, nuôi dạy con bằng tình thương và trách nhiệm, còn con cái phải hiếu thuận, tôn kính cha mẹ. Trong bối cảnh hiện đại, dù công việc bận rộn, nhưng nếu thiếu đi sự gắn kết giữa các thành viên, gia đình sẽ trở nên lỏng lẻo, dễ xa cách.
Người phật tử có thể quán chiếu rằng, một bữa cơm gia đình không chỉ đơn thuần là ăn uống mà còn là cơ hội để thể hiện sự quan tâm, kết nối tình thân. Khi ăn trong chính niệm, tức là trân trọng thực phẩm, biết ơn người nấu và ăn trong sự tôn trọng lẫn nhau, gia đình sẽ có thêm sự hòa hợp, tránh được những lời nói, hành động vô tâm có thể làm tổn thương nhau.
Gia đình chính là nền tảng của xã hội. Nếu mỗi người biết sống có trách nhiệm, yêu thương và trân trọng những khoảnh khắc bên nhau, thì gia đình sẽ trở thành nơi nương tựa vững chắc, nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp cho thế hệ mai sau.
Môi trường gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tính cách mai sau của trẻ. Trẻ em thường có xu hướng bắt chước người lớn trong mọi việc, từ lời nói đến hành động... Vì thế, người lớn cần gương mẫu để trẻ học những đức tính tốt. Mỗi thành viên nên dành thời gian cho gia đình; biết lắng nghe, chia sẻ, bao dung, không áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên người khác.
Người lớn cần được tôn trọng, thì trẻ con cũng mong muốn điều đó. Trong mọi chuyện, cần đặt mình vào vị trí của người khác để có cái nhìn thấu đáo. Khi con trẻ mắc lỗi, thay vì đòn roi, bố mẹ cần bình tĩnh phân tích, chia sẻ để con hiểu, từ đó hành xử đúng mực hơn.
Tác giả: Nguyễn Thị Hải - Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội