Giao thương Trung Quốc-Hàn Quốc và bước ngoặt quan trọng
Là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, nhu cầu của thị trường Trung Quốc đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy nền kinh tế Đông Á.
Theo tờ Global Times, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt đến một bước ngoặt quan trọng, dưới áp lực địa chính trị phức tạp. Trọng tâm của vấn đề là nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một cầu nối giao tiếp hiệu quả giữa hai bên, hứa hẹn sẽ trở thành nền tảng của một cơ chế hợp tác thực tế. Nỗ lực này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng như chất bán dẫn (chip).
Số liệu do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố cho thấy xuất khẩu của nước này trong năm 2024 tăng 8,2% so với năm 2023, lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn. Tính theo điểm đến, xuất khẩu sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc - tăng 6,6% lên 133 tỷ USD, trong đó dẫn đầu là xuất khẩu chip, sản phẩm hóa dầu và thiết bị di động.
Những con số này không chỉ nhấn mạnh mức độ mật thiết của quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-Hàn Quốc, mà còn nêu bật tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa hai nước.
Sự phát triển bền vững và lành mạnh của quan hệ kinh tế - thương mại Trung Quốc và Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với hai nước. Là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, nhu cầu của thị trường Trung Quốc đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy nền kinh tế Đông Á.
Trong khi đó, lợi thế công nghệ và khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, hóa dầu và thiết bị di động đã cung cấp nguồn cung chất lượng cao cho thị trường Trung Quốc. Bởi vậy, làm sâu sắc hợp tác kinh tế - thương mại Trung Quốc - Hàn Quốc không những giúp Hàn Quốc ứng phó với áp lực kinh tế đi xuống, mà còn là con đường quan trọng thúc đẩy phồn thịnh của khu vực.
Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và thay đổi hiện nay, thương mại Trung-Hàn phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đặc biệt, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và phong tỏa công nghệ đối với các loại chip cao cấp cho các mục đích chiến lược, tạo ra một trở ngại đáng kể cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.
Ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là một trong những trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc, mà còn là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu và có tác động quan trọng đến hiệu suất chung của nền kinh tế nước này. Xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc vào năm 2024 đã tăng 43,9% so với năm 2023 lên 141,9 tỷ USD, vượt qua kỷ lục 129,2 tỷ USD được thiết lập vào năm 2022.
Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong một số lĩnh vực đã phần nào cản trở hợp tác thương mại và công nghệ song phương. Làm thế nào để tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2025, nhất là trong chuỗi công nghiệp bán dẫn? Câu trả lời là đặc biệt quan trọng đối với các mối quan hệ kinh tế giữa hai bên. Điều này không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế hiện tại của hai nước, mà còn đại diện cho một bố cục chiến lược phát triển dài hạn trong tương lai.
Trong bối cảnh này, điều quan trọng hơn là Trung Quốc và Hàn Quốc cần tăng cường phối hợp và trao đổi, thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn để khám phá các mô hình hợp tác đa dạng, tăng cường khả năng phục hồi và sức cạnh tranh của chuỗi công nghiệp bán dẫn.
Giữa môi trường đầy thách thức như vậy, vai trò của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trở nên đặc biệt rõ ràng. Thỏa thuận này có thể cung cấp cho Trung Quốc và Hàn Quốc một nền tảng khả thi. Trong khuôn khổ của RCEP, hai nước có thể thiết lập các cơ chế trao đổi chính sách chặt chẽ hơn, khám phá các chính sách thương mại cởi mở hơn, tăng tính minh bạch của các thủ tục phê duyệt xuất khẩu công nghệ và giảm tác động của các rào cản phi thuế quan đối với hợp tác kỹ thuật.
Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực bán dẫn, lĩnh vực mà cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều có tiềm năng to lớn và nhu cầu hợp tác cấp bách. Bằng cách tích hợp các thế mạnh tương ứng, hai nước có thể đạt được đột phá công nghệ và giảm chi phí thông qua hợp tác, từ đó nâng cao trình độ xử lý tổng thể của ngành bán dẫn và thiết lập mô hình hợp tác chuỗi công nghiệp ổn định và hiệu quả.
Khi đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực quan trọng này, tác động tích cực sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác, tạo động lực cho hợp tác kinh tế và thương mại rộng lớn hơn giữa hai nước.