Giao thông xanh là nền tảng phát triển kinh tế xanh
Đây là thông tin được Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng khẳng định tại Diễn đàn 'Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững' diễn ra tại Hà Nội vào hôm nay (12/12).
18% lượng phát thải khí nhà kính
Tại Diễn đàn: "Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững" diễn ra ở Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay, nhu cầu năng lượng phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch, chiếm trên 95% nhu cầu. Trong đó, ngành GTVT đứng vị trí thứ 2, chiếm 16,5% trong các ngành tiêu thụ năng lượng, chỉ sau công nghiệp (54,1%).
Về phát thải khí nhà kính, ngành GTVT chiếm khoảng 18% của toàn ngành năng lượng và vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,77% từ năm 2014 - 2021.
Theo thống kê, năm 2023 có khoảng 247.000*km triệu hành khách, 489.700 triệu tấn *km. Trong đó, đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách và hàng hóa với hơn 85% và vẫn tiếp tục tăng trưởng bình quân 9,6% trong giai đoạn 2014 - 2023.
Đáng chú ý, ông Khuất Việt Hùng, trong lĩnh vực đường bộ, xu hướng sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng. Hiện nước ta có khoảng 6,3 triệu xe ô tô (tăng 10,01%/năm), 74,3 triệu xe máy (tăng 4,76%/năm). Trong khi đó chỉ có khoảng 2 triệu xe máy điện.
Với lĩnh vực đường sắt hiện có 426 đầu máy, 6244 toa xe. Hàng không có khoảng 250 - 300 tàu bay chở khách và 44 tàu bay chuyên dùng.
Cách nào để phát thải ròng về "0" vào năm 2050?
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050, ông Khuất Việt Hùng cho rằng cần áp dụng đồng thời nhiều nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó phát triển hệ thống GTVT xanh, giao thông bền vững là nền tảng thiết yếu.
Ứng dụng và phát triển công nghệ là một trong những nhóm giải pháp quan trọng nhất hướng tới xây dựng mạng lưới GTVT xanh.Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh; Thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư và ưu đãi đầu tư; Tăng cường quản lý giám sát, phân tích, dự báo và cảnh báo nguy cơ phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
Cùng đó, cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện sử dụng điện và năng lượng thay thế. Mạng lưới đường sắt quốc gia cần chuyển đổi và thay thế các đầu máy, nâng cấp tuyến hiện hữu. Đồng thời xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao: Hà Nội - Hồ Chí Minh và các tuyến đường sắt tiêu chuẩn: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn; Hồ Chí Minh - Cần Thơ … và mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 TP lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
"Đường sắt sẽ là động lực để chuyển đổi xanh cho giao thông, từ đó giảm mức độ phụ thuộc của vận tải từ đường bộ sang các loại hình ít phát thải hơn như đường sắt, đường thủy.
Việc tối ưu hóa hiệu quả hoạt động vận tải, logistics hướng tới giảm thiểu phát thải qua việc sử dụng hiệu quả năng lượng. Đồng thời, giới hạn mức tiêu thụ năng lượng đối với xe máy và xe ô tô con, tăng hệ số chất tải", ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh và cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến giải pháp hạ tầng và chính sách cho giao thông phi cơ giới, đồng thời thiết lập khu vực và vùng phát thải thấp.
Quá trình chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng và chuyển đổi năng lượng sang sử dung nhiên liệu sinh học, điện và nhiên liệu thay thế tiềm năng cần triển khai đồng thời để phát huy tối đa hiệu quả.
Về lâu dài, theo Viện Chiến lược và Phát triển, nhiên liệu sinh học là giải pháp hữu hiệu cho chuyển đổi xanh. Trong khi đó, đường bộ vẫn là phương thức giao thông cơ bản của nước ta. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, từ đó có kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông điện quốc gia.
Nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện xanh, cần bổ sung quy định về số vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng trong trạm dừng nghỉ. Đồng thời đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, phí, đầu tư sản xuất, phát triển trạm sạc điện để thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện.
Hiện, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có hỗ trợ 50% mức lãi suất vay/năm đối với khoản vay đầu tư xe buýt sử dụng điện/năng lượng xanh và hạ tầng trạm sạc.
Về dài hạn, theo ông Hùng, nước ta cần quy hoạch phát triển GTVT ở quy mô toàn quốc. Đồng thời, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ số trong lĩnh vực GTVT tạo nền tảng và động lực thúc đẩy năng lực giám sát, phân tích dự báo, cảnh báo và kiểm kê khí nhà kính. Tiếp tục nghiên cứu đánh giá các mô hình đầu tư phát triển giao thông xanh.
Đồng quan điểm, ông Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ, phát triển xanh, phát triển đô thị xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đô thị xanh không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, nâng cao chất lượng sống.
Đây là nền tảng để xây dựng những cộng đồng thịnh vượng, bền vững, nơi mà tăng trưởng không còn phụ thuộc vào sự khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả của chính quyền và sự đoàn kết chung tay của cả xã hội, quyết định đến sự thành công.