Giao thông 'mở lối' tạo đột phá du lịch ở miền non nước
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bắc Kạn đẩy mạnh tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc trên địa bàn. Không chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi, trải nghiệm của du khách, các hoạt động được kỳ vọng trở thành 'cú hích' để du lịch Bắc Kạn tăng tốc.
Hạ tầng giao thông dẫn lối du lịch
Cách Hà Nội 160km, lại có tuyến quốc lộ 3 và đường Thái Nguyên - Chợ Mới được cải thiện thuận tiện rõ rệt, Bắc Kạn đang có lợi thế lớn trong việc thu hút khách từ các đô thị lớn.
Giao thông thuận lợi không chỉ tạo điều kiện để du khách di chuyển dễ dàng mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành khai thác sâu các tuyến, điểm du lịch gắn với sinh thái, văn hóa và cộng đồng.

Toàn cảnh thành phố Bắc Kạn nhìn từ trên cao.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: "Xác định du lịch không thể phát triển nếu thiếu nền tảng giao thông, các hoạt động lễ hội năm nay đều gắn chặt với hệ thống hạ tầng đã được cải thiện, nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận, đồng thời nâng cao các trải nghiệm".
Tại trung tâm thành phố, các giải thể thao phong trào và biểu diễn nghệ thuật dân tộc - hiện đại đan xen thu hút sự quan tâm lớn của du khách. Ở các địa phương như Ba Bể, Chợ Đồn, Na Rì… hàng loạt lễ hội truyền thống, chợ phiên, trình diễn nghề thủ công, hát then - đàn tính được phục dựng sống động, mang đến không gian văn hóa bản địa giàu bản sắc.

Tại huyện Na Rì các cô gái, chàng trai trong sắc áo chàm Tày, Nùng, những âm thanh, tiếng tính, câu sli vang vọng đến "Chợ tình Xuân Dương".
Du khách Nguyễn Quỳnh Anh (Hà Nội) chia sẻ: "Không khí lễ hội ở Bắc Kạn rất gần gũi, chân thực. Mỗi tiết mục hay món ăn đều thể hiện sự chăm chút tỉ mỉ. Đây thực sự là kỳ nghỉ đáng nhớ với gia đình tôi".
Quỳnh Anh cho biết thêm: "Từ Hà Nội lên đây khá thuận tiện, nhất là khi tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đã được cải thiện, chỉ mất khoảng 2,5 - 3 tiếng là tới nơi. Cảnh quan trên đường rất đẹp, vừa đi vừa ngắm núi non cũng là một trải nghiệm thú vị".

Các cô gái trong trang phục dân tộc Tày khiêng rượu cần trong lễ hội.
Còn anh Nguyễn Văn Minh (Thái Nguyên) cho biết: "Phong cảnh thiên nhiên kết hợp với văn hóa bản địa khiến nơi này có sức hút rất riêng. Mình sẽ còn quay lại nếu môi trường và không gian vẫn được gìn giữ như hiện nay".
Anh Minh cũng đánh giá cao sự thuận tiện khi di chuyển: "Từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn giờ chỉ khoảng hơn một giờ. Đường sá đi lại dễ dàng, xe khách hay xe cá nhân đều rất thuận tiện. Nhờ giao thông được đầu tư, Bắc Kạn trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn trước rất nhiều".
Du lịch xanh - sạch - bản sắc
Một trong những điểm cộng lớn dịp lễ này là sự chuẩn bị đồng bộ về vệ sinh môi trường, giá cả và chất lượng dịch vụ. Các cơ sở lưu trú đã được rà soát, yêu cầu niêm yết giá công khai, cam kết không tăng giá bất hợp lý.
Tại các điểm du lịch, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự.

Một góc hồ Ba Bể du khách trải nghiệm đi thuyền trên hồ.
Đặc biệt, Bắc Kạn tiếp tục phát huy lợi thế ẩm thực vùng cao, coi đó là một sản phẩm du lịch đặc trưng. Lợn quay lá mắc mật, xôi ngũ sắc, măng rừng, rượu men lá… không chỉ mang giá trị ẩm thực mà còn là "chất keo" gắn kết du khách với văn hóa địa phương.
Cùng với đó, chương trình phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch giúp các làng nghề, nông sản bản địa như miến dong, nấm hương, mật ong rừng… có thêm giá trị và cơ hội tiêu thụ.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn và khai thác hợp lý các giá trị tự nhiên - văn hóa, hướng đến xây dựng hình ảnh điểm đến xanh - sạch - an toàn - bản sắc, thay vì chạy theo xu hướng đại trà.