Xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao trong tuần đầu tháng hai
Trong tuần đầu tiên của tháng 2, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiễm mặn sẽ tăng cao trong khoảng 2-3 ngày đầu tuần, sau đó giảm dần vào những ngày cuối tuần. Mức độ xâm nhập cao nhưng không bằng mức cao nhất của tháng 2 năm trước.
Theo ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 1 đến ngày 10-2, mức độ xâm nhập mặn sẽ tăng cao vào các ngày đầu tuần và giảm dần vào cuối tuần, TTXVN đưa tin.
Tại phần lớn các trạm quan trắc, độ mặn cao nhất trong thời gian này dự kiến sẽ thấp hơn so với mức cao nhất của tháng 2-2024. Riêng khu vực Trà Vinh có thể có một số trạm ghi nhận độ mặn vượt trội hơn.
Trong thời gian này, độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu vào các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sâu khoảng 45-50km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại khoảng 40-45km; sông Hàm Luông khoảng 40-50km; sông Cổ Chiên khoảng 45-55km; sông Hậu khoảng 45-55km; sông Cái Lớn khoảng 30-40km.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long có khả năng tập trung vào tháng 2-3/2025, từ ngày 10 đến 16-2 và từ ngày 27-2 đến ngày 4-3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4-2025, từ ngày 10 đến ngày 15-3; từ ngày 29-3 đến ngày 2-4; từ ngày 27-4 đến ngày 1-5.
Nước mặn ở ĐBSCL đang xâm nhập ngày càng sâu hơn, tùy thuộc vào lượng nước từ sông Mekong, thủy triều và có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Các địa phương cần theo dõi thông tin dự báo thời tiết thường xuyên và có kế hoạch ứng phó với nước mặn. Mức độ nguy hiểm do nước mặn gây ra hiện đang ở mức 2.
Các địa phương cũng cần tận dụng tối đa thời điểm triều thấp để tích trữ nước ngọt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, cần có biện pháp hạn chế tưới tiêu để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất.
Người dân cần chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn bằng cách thay đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, trồng cây ngắn ngày chịu mặn, chuyển đổi con giống phù hợp.
Ngoài ra, nông dân cũng cần kiểm tra độ mặn trước khi tưới, lưu trữ và tiết kiệm nước ngọt, lắp đặt hệ thống lọc nước mặn,
Người nuôi cần theo dõi và quan trắc độ mặn của môi trường nuôi thường xuyên, theo dõi thông tin dự báo thời tiết và xâm nhập mặn thường xuyên để có các biện pháp ứng phó.