Giao thông đất Chín Rồng 'vươn mình' vào kỷ nguyên mới - Bài 1: Những công trình kết nối bờ vui

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, những tuyến đường kết nối liên vùng đã thành hình, những cây cầu dây văng hoành tráng, cùng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang ngày đêm được đẩy nhanh tiến độ thi công, đã và đang là động lực đưa vùng đất Chín Rồng 'vươn mình' cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Đoạn đầu tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ nối với cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Đoạn đầu tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ nối với cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Với sự quan tâm Đảng, Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách mang tính đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực, cả một vùng sông nước kênh rạch chằng chịt giờ đây trở nên thông suốt, thuận tiện, khiến thời gian di chuyển giữa Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng kinh tế khác và với cả nước ngày càng được rút ngắn.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước hướng tới kỷ niệm tròn nửa thế kỷ Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), cùng ngược dòng thời gian tìm về với quá khứ đã qua, so với hiện tại, định hướng tương lai,… để thấy được những câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển của hạ tầng giao thông trên vùng sông nước Cửu Long.

Bài 1: Những công trình kết nối bờ vui

Từ điểm đầu Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), đường Hồ Chí Minh nhiều năm qua có thể đưa bất kỳ người con nào trên dải đất hình chữ S đến tận cùng phía Nam Tổ quốc là mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Giao thông đường bộ được thông suốt, người dân Đồng bằng sông Cửu Long đều không khỏi tự hào về quê hương sông nước nghĩa tình của mình khi những cây cầu lịch sử, những con đường huyết mạch đã lần lượt được hình thành và nối nhịp những bờ vui trong suốt hàng thập kỷ qua.

Ước vọng bao đời đã thành hiện thực

Ngọc Hiển là huyện ở cuối trời Nam Tổ quốc đã vươn mình mạnh mẽ với bước ngoặt là thời điểm tuyến đường Hồ Chí Minh được hoàn thành nối liền mũi Cà Mau với các địa phương bằng đường bộ. Xóa thế cách trở chính là mấu chốt để phát triển, là ước vọng bao đời của đất và người xứ rừng biển này; trong đó, cầu Năm Căn được khánh thành tháng 2/2015 nối liền hai bờ sông Cửa Lớn, là mảnh ghép cuối cùng nối liền vùng đất địa đầu cực Nam.

Đứng ở mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh Km 2436 ngay sát mũi Cà Mau lộng gió biển khơi, ông Nguyễn Trường Giang, nguyên Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển, kể lại, lúc chia tách, Ngọc Hiển đi lên từ gian khó. Khó về hạ tầng cơ sở, kể cả trụ sở làm việc của địa phương cũng phải trưng dụng Lâm Ngư trường Kiến Vàng. Khó của huyện địa đầu cực Nam còn bị cô lập về đường bộ, cách trở đò giang. Các công trình văn hóa - xã hội vừa thiếu, vừa xuống cấp. Ðời sống nhân dân muôn vàn khó khăn, cơ cấu và quy mô kinh tế vừa nhỏ, vừa dễ tổn thương.

Thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Ngọc Hiển đã tận dụng cơ hội, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ làm ngời sáng diện mạo quê hương. Đáng chú ý là việc thu hút nhiều dự án đầu tư vào các thế mạnh như du lịch, điện gió; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện. Đến nay, 100% đường ô tô đến trung tâm xã, tổng chiều dài 91,3 km; gần 500 km lộ nông thôn.

Huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), do trụ sở làm việc ở thành phố Cao Lãnh, nên trong suốt nhiều năm, anh Nguyễn Tấn Tài phải vượt sông Tiền để đến chỗ làm. Anh Tài cho biết, khi chưa có cầu Cao Lãnh, mỗi ngày, anh phải tranh thủ thức dậy sớm, đến phà Cao Lãnh để qua sông Tiền với giá vé 6.000 đồng/lượt (đối với xe gắn máy) và có khi phải mất thời gian chờ phà vì vào giờ cao điểm, lượng người và phương tiện qua phà rất đông. Bây giờ, chuyện đi phà chỉ còn là quá khứ, sông Tiền giờ đây đã không còn là nỗi niềm cách trở đối với anh Tài cũng như nhiều người dân bởi cầu Cao Lãnh (nối đôi bờ huyện Lấp Vò và thành phố Cao Lãnh) đã được khánh thành từ giữa năm 2018.

Làm nghề kinh doanh dịch vụ xe khách nhiều năm qua, anh Lê Văn Khang ở huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) hồ hởi, từ khi cầu Cao Lãnh và Vàm Cống được thông xe là dấu mốc quan trọng trong nghề tài xế của anh và cả rất nhiều bạn đồng nghiệp. Hai cây cầu bắc qua hai con sông lớn đã xóa cảnh ngăn sông cách phà từ bao đời qua. Hiện tại, người dân vừa không tốn phí qua phà, vừa tiết kiệm thời gian di chuyển vì đã có cầu.

Thực tế, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống là hai cây cầu trọng điểm nằm trong dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược nằm trong trục giao thông huyết mạch của cả vùng. Khi hai cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối thông suốt trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng miền trong cả nước.

Bước ngoặt lịch sử

Ngày 21/5/2000, thời điểm cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, được khánh thành trong niềm hân hoan, hạnh phúc đến nghẹn ngào của hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Bà Nguyễn Thị Lê (phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) bồi hồi nhớ lại: “Mừng lắm chú ơi. Không có dám nghĩ tới ngày mình được đi trên cây cầu xây lớn mà đẹp như vậy! Hồi trước từ Sóc Trăng muốn lên Thành phố Hồ Chí Minh, hết đi xe rồi xuống phà, rồi lên xe, rồi lại qua phà, liên tiếp mấy bận, cực dữ lắm!”.

Từ bao đời, đặc thù địa hình sông nước với hàng trăm con sông lớn nhỏ, kênh rạch chằng chịt đã chia cắt vùng đất Chín Rồng khiến việc lưu thông, đi lại hết sức khó khăn. “Qua sông lụy đò” là tình cảnh mà người dân nơi đây đã sống quen hàng mấy trăm năm qua. Đến tận những năm cuối thế kỷ trước, dân miền Đồng bằng sông Cửu Long vẫn “lụy phà” và luôn khát khao, mong mỏi những cây cầu nối liền đôi bờ sông Tiền, sông Hậu để đi lại thuận tiện, rút ngắn thời gian đưa hàng hóa, nông sản đi các nơi, giúp cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, để đi các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang,… phải qua lần lượt các phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ, phà Cao Lãnh, phà Vàm Cống; đi Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh phải qua phà Rạch Miễu, phà Đình Khao, phà Cổ Chiên. Quãng đường chỉ hơn trăm km, đến khoảng ba trăm km mà phải mất ít nhất 5 - 7 tiếng đồng hồ, nhiều thì cả ngày chỉ để ngồi xe, chờ phà. Có khi đi từ sáng tới khuya mới đến được tới nhà.

Cầu Mỹ Thuận được khởi công từ tháng 7/1997 trong sự kỳ vọng, khấp khởi mong chờ của hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân cả nước cũng mừng vì sự kiện trọng đại này. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng; trong đó, chương trình AusAid của Chính phủ Australia tài trợ 66% và Chính phủ Việt Nam đối ứng 34%. Cây cầu với thiết kế hiện đại, đẹp mắt, nằm vắt mình qua sông Tiền, dài hơn 1,5 km, rộng gần 24 m, với 4 làn xe cơ giới lưu thông, được thông xe gần ba năm sau đó không chỉ đem lại những giá trị to lớn về mặt giao thông và kinh tế - xã hội, mà còn thỏa mong ước từ bao đời của người dân miền sông nước Cửu Long.

Cầu Mỹ Thuận cũng là công trình lớn đầu tiên, là bước ngoặt lịch sử giúp giao thông Đồng bằng sông Cửu Long chuyển mình mạnh mẽ từ đầu những năm 2000. Ngay sau đó, hàng loạt công trình cầu đường quy mô cấp vùng tiếp theo lần lượt được khởi công; trong đó có dự án cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang với Bến Tre. Khởi công năm 2002 với vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, cầu Rạch Miễu hoàn thành vào năm 2009 đã phá vỡ thế cô lập của tỉnh Bến Tre - vùng đất cù lao được bao bọc bởi các con sông, vốn trước đó, phà Rạch Miễu là phương tiện di chuyển duy nhất nối quê hương xứ dừa với Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành trong khu vực và ngược lại.

Theo đánh giá, cầu Rạch Miễu đã tạo ra trục tam giác liên hoàn, nối tỉnh Bến Tre với các tỉnh ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long, đưa Bến Tre xích lại gần hơn với Thành phố Hồ Chí Minh, là đòn bẩy cho quê hương xứ dừa phát triển. Đây cũng là công trình tiêu biểu do Việt Nam tự đầu tư, thiết kế và thi công.

Không chỉ là bước ngoặt, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận còn là những công trình “mở đường”, thổi luồng sinh khí mới vào công cuộc phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, để theo thời gian lại thêm nhiều cây cầu mới hình thành bắc qua sông Tiền, sông Hậu, nối tiếp những tuyến đường thênh thang, rộng mở,…

Bài 2: Diện mạo mới hạ tầng giao thông

Hoàng Liên Sơn - Hồng Đạt - Huỳnh Anh - Nhựt An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giao-thong-dat-chin-rong-vuon-minh-vao-ky-nguyen-moi-bai-1-nhung-cong-trinh-ket-noi-bo-vui-20250405111127978.htm
Zalo