Phát triển Đảng vùng dân tộc thiểu số, phát huy sức mạnh cộng đồng

Tỉnh Đắk Lắk luôn xác định công tác phát triển Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Mỗi đảng viên phải là một hạt nhân nòng cốt, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Anh Y Quân Hdok, dân tộc Ê Đê ở buôn Alê A, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa được kết nạp đảng đầu năm 2025. Anh Y Quân tâm sự, thấy các đảng viên trong buôn là những người gương mẫu, uy tín được bà con tin yêu nên anh quyết tâm phấn đấu trở thành đảng viên. Cùng với việc làm tốt vai trò của một nhân viên công tác tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk, anh Y Quân còn tích cực tham gia các phòng trào đoàn thể địa phương. Anh cùng thanh niên trong buôn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, vận động bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Anh Y Quân chia sẻ: “Bản thân tôi rất vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi sẽ luôn luôn cố gắng ra sức học tập, rèn luyện để xứng đáng là người đảng viên”.

Đắk Lắk luôn quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên từ thế hệ trẻ dân tộc thiểu số.

Đắk Lắk luôn quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên từ thế hệ trẻ dân tộc thiểu số.

Ông Lê Văn Nhuần, Bí thư Chi bộ buôn Alê A, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác phát triển đảng là nhiệm vụ chính trị được địa phương ưu tiên hàng đầu. Do địa bàn có hơn 90% dân số là người Ê Đê, nhiều bà con phải đi làm ăn xa nên nguồn phát triển Đảng viên gặp không ít trở ngại. Mặc dù vậy, năm 2024 Chi bộ vẫn kết nạp được 2 đảng viên mới. Đến nay, toàn chi bộ đã có 76 đảng viên. Các đảng viên đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là đã tuyên truyền, vận động bà con trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

“Kể cả đảng viên đang sinh hoạt ở đây, hay đảng viên sinh hoạt nơi cư trú đều tham gia tốt các phong trào thi đua của địa phương. Đặc biệt là các đồng chí đảng viên nơi cư trú đóng góp rất đáng kể cả về vật chất, tinh thần và ý kiến để xây dựng địa phương. Cho nên địa phương chúng tôi năm nào cũng được cấp trên đánh giá tốt, nhất là các phong trào quần chúng”, ông Lê Văn Nhuần nói.

Với những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc phát hiện bồi dưỡng, phát triển đảng viên không chỉ đơn thuần là tuyển chọn cá nhân tiêu biểu, mà còn là quá trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị và khơi dậy tiềm năng của cộng đồng. Điển hình tại xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, nơi có đến 95% dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng với quyết tâm “xây dựng, phát triển chi bộ vững mạnh” mỗi tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng kế hoạch, đề ra Nghị quyết về chỉ tiêu phát triển đảng viên hàng năm. Cùng với đó, các đảng viên trong từng chi bộ, tích cực gương mẫu đi đầu, biến thách thức thành cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Y Wu Sruk, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao, huyện Lắk cho biết: “Mình hiểu được phong tục tập quán nơi đây, đặc biệt là trong sử dụng ngôn ngữ giao tiếp mình dễ chia sẻ với bà con. Rồi biết được nếp sống của bà con, mình hiểu được khó khăn của bà con. Trên cơ sở hiểu biết đó thì mình áp dụng, đưa các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với bà con để bà con hiểu được và vận dụng trong cuộc sống”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng viên, đặc biệt là những đảng viên dân tộc thiểu số tham gia vào hàng ngũ của đảng. Cùng với đó, có các chính sách hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng lý luận, tạo môi trường thuận lợi cho sinh hoạt đảng ở vùng sâu, vùng xa đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền.

Ông Lê Nam Cao, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: “Cấp ủy các cấp đã chú ý công tác tạo nguồn là lựa chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số để rồi gửi vào các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và cấp tỉnh. Thứ hai, thực hiện chính sách cử tuyển, đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tuyển dụng bố trí vào các cơ quan. Từ việc bố trí này sẽ là nguồn hết sức quan trọng để quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp”.

Với đặc thù kinh tế xã hội, đặc điểm dân cư của Đắk Lắk, việc tăng cường phát triển đảng viên trong vùng dân tộc thiểu số không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn góp phần thúc đẩy sự chuyển biến toàn diện ở địa phương. Chính các đảng viên dân tộc thiểu số đang là “cầu nối” tích cực đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với nhân dân, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng; là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng nếp sống văn minh; giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phat-trien-dang-vung-dan-toc-thieu-so-phat-huy-suc-manh-cong-dong-post1188799.vov
Zalo