Phát sóng nhiều phim có NSƯT Bắc Sơn, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Cố nghệ sĩ Bắc Sơn là người nghệ sĩ thầm lặng cống hiến cho điện ảnh Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị.

Ca sĩ Bích Thủy bền bỉ quảng bá tác phẩm của cố nhạc sĩ NSƯT Bắc Sơn đến với khán giả trẻ
Những ngày qua, hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975-30-4-2025), các đài truyền hình trên cả nước đã phát sóng nhiều tác phẩm điện ảnh cách mạng, trong đó khán giả bồi hồi, xúc động gặp lại cố NSƯT – nhạc sĩ Bắc Sơn.
Các đài VTV, HTV, Bình Dương, Hải Phòng, Sơn La, Lâm Đồng...đều đã và đang phát những bộ phim về đề tài cách mạng, trong đó có gương mặt hiền lành, phúc hậu, râu tóc trắng phau của cố NSƯT Bắc Sơn.

Cố nhạc sĩ NSƯT Bắc Sơn trong phim "Trận đấu cuối cùng"
Niềm tự hài của gia đình
Ca sĩ Bích Thủy, con gái của cố NSƯT – nhạc sĩ Bắc Sơn, nói: "VTV phát sóng bộ phim "Trận đấu cuối cùng" của Hãng phim Giải phóng, cả nhà tôi xem và xúc động vì nhớ ba tôi thật nhiều.Ô3
Ông gần như rất hiếm khi ở nhà vì cứ rong ruổi theo các đoàn làm phim, những năm cuối đời mỗi lần đến dịp lễ 30-4 là ông lại nhắc về những vai diễn được quay nhằm chào đón ngày trọng đại của tổ quốc.
Tôi luôn thấy ba tôi hiện diện trong cuộc sống, trong công việc, trong cả di nguyện đưa âm nhạc đến học đường, làm tốt công tác thiện nguyện mà ba tôi đã căn dặn".
Gia đình cố NSƯT – nhạc sĩ Bắc Sơn vẫn giữ vẹn lời hứa, mỗi năm tổ chức trao tặng học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo hiếu học.
Quỹ học bổng cố NSƯT – nhạc sĩ Bắc Sơn đến nay đã tổ chức 12 năm, trao cho hơn 700 em học sinh nghèo con của nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, xiếc…trên cả nước.
Và hiện nay, ca sĩ Bích Thủy đã tổ chức thành công đoàn văn nghệ "Tình ca Bắc Sơn", tiếp tục quảng bá những ca khúc, nhạc kịch do cha mình sáng tác, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Gia đình cũng đã tổ chức thành công hai mùa cuộc thi tuyển chọn ca sĩ chuyên hát nhạc phẩm của Bắc Sơn.

Cố nhạc sĩ NSƯT Bắc Sơn luôn là điểm tựa vững vàng cho thế hệ diễn viên điện ảnh trẻ nối bước
NSND Kim Cương nói: "Có những nghệ sĩ như ngọn đèn giữa đồng quê, âm thầm, mộc mạc nhưng tỏa sáng bằng chính nội lực và tình yêu dành cho con người, đất nước, trong đó phải kể đến cố NSƯT – nhạc sĩ Bắc Sơn.
Ông còn được mệnh danh là người "nông dân" của điện ảnh. Không được học qua trường lớp chính quy, nhưng bằng đam mê và sự quan sát đời sống, ông đã hóa thân thành hơn 60 vai diễn điện ảnh, khắc họa những phận người gần gũi, có khi bình dân, có khi đau đáu triết lý sống, nhưng lúc nào cũng sống động và chân thật. Đặc biệt là những vai phim cách mạng, truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược".
NSƯT Bắc Sơn tên thật là Trương Văn Khuê (1931–2005), là một người như thế. Ông không đến với nghệ thuật như một cuộc phiêu lưu nổi loạn, mà bước vào như người trở về quê nhà – gần gũi, chân thành và đậm đà bản sắc dân tộc.

Cố nhạc sĩ NSƯT Bắc Sơn diễn xuất tinh tế, nhập vai xuất thần
Sinh ra tại Lái Thiêu, Bình Dương, Bắc Sơn mang theo trong mình chất Nam Bộ thuần hậu và hào sảng. Từ âm nhạc, sân khấu đến điện ảnh, ông đi qua các lĩnh vực nghệ thuật như một người nông dân cần mẫn cày xới từng thửa ruộng tâm hồn – để gieo vào đó những vai diễn, những khúc ca mang hơi thở của đất và người phương Nam.
Những vai diễn để đời – từ cánh đồng đến màn bạc
Không cần phô diễn kỹ xảo, NSƯT Bắc Sơn bước vào điện ảnh bằng chính chất liệu đời sống. Những vai diễn nổi bật như: Năm Ngưu trong "Người đi tìm vàng", Hai Bạc Liêu trong "Vùng gió xoáy", hay Ông Tư trong "Con chó nghèo" đều mang lại những xúc cảm sâu lắng, chạm tới tầng sâu trong tâm hồn người xem.
Cố nhạc sĩ NSƯT Bắc Sơn
Đặc biệt, vai Năm Ngưu đã đưa ông đến giải thưởng Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 9 – một sự ghi nhận xứng đáng cho khả năng hóa thân tinh tế, và là minh chứng cho sức mạnh của diễn xuất chân thật không màu mè.
"Trong ông, mỗi nhân vật đều không phải là một vai diễn, mà là một con người có thật, mang hơi thở, nỗi buồn, niềm vui, và cả số phận. Ông không diễn để nổi bật mình – ông diễn để làm nổi bật nhân vật và đời sống phía sau họ" – Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy – Phó chủ tịch Liêm hiệp các Hội VHNT TP HCM, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM nhận xét.
Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú được Nhà nước trao tặng năm 1997 là một vinh danh xứng đáng, nhưng sự trân quý lớn hơn là sự tồn tại của ông trong lòng khán giả – những người đã từng khóc, từng cười, từng thổn thức với những vai diễn của ông suốt mấy chục năm qua.