Giáo sư Phan Mạnh Hưởng chia sẻ mô hình đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn của Mỹ

GS.TS Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) chỉ ra những cách người Mỹ tiếp cận để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian ngắn cũng như lâu dài.

Trong cuộc trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân liên quan đến vấn đề xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, GS.TS Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) đã nhấn mạnh các khâu mà Việt Nam có thể làm chủ ngay trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn.

Đồng thời, nêu những mô hình đào tạo mà Việt Nam có thể áp dụng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Việt Nam nên làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn?

- Thưa GS.TS Phan Mạnh Hưởng, mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình. Theo giáo sư, Việt Nam nên làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn?

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Đây là câu hỏi rất hay và cũng là câu hỏi chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Các nhà khoa học, nhà quản lý cũng đang thảo luận về vấn đề này.

Chúng ta đã biết tập đoàn Intel, Mỹ (một trong những nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới - PV) vào Việt Nam đến nay đã 20 năm và làm rất nhiều về lắp ráp, đóng gói, thậm chí kiểm thử. 20 năm Intel ở Việt Nam cũng là 20 năm chúng ta có một lực lượng người Việt tham gia vào trong chuỗi đó và làm rất tốt. Tôi nghĩ chúng ta nên phát huy những gì đang làm tốt.

Khi các tập đoàn vào Việt Nam, họ có nhiều nhu cầu khác nhau, trong đó các nhu cầu liên quan đến đóng gói, kiểm thử ngày càng tăng. Đây là những công đoạn chúng ta phải tập trung làm tốt và thậm chí phải mở rộng để thu hút nhiều hơn nữa các tập đoàn vào Việt Nam. Theo tôi, những người Việt làm trong tập đoàn Intel về đóng gói, kiểm thử có thể đào tạo tại chỗ cho những người Việt khác tham gia vào chuỗi đó, khi các tập đoàn vào Việt Nam và có nhu cầu tương tự.

Bên cạnh đó, gần đây, các viện và các trường đại học cũng rất tập trung vào mảng thiết kế chip, mở rộng chương trình đào tạo về thiết kế vi mạch. Tôi nghĩ đây là một trong những hướng mà chúng ta cũng sẽ phát triển.

Người Việt vốn rất thông minh, nếu chúng ta có được chính sách, có sự định hướng, chương trình đào tạo phù hợp, chắc chắn sẽ phát huy được lực lượng trẻ thông minh đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, bởi nếu mở ra chương trình đào tạo mà không có sự kết nối với các tập đoàn, có nghĩa không có “đầu ra” sẽ dẫn đến tình trạng lực lượng lao động không được sử dụng một cách hiệu quả.

 GS.TS Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ (Ảnh: Duy Thông)

GS.TS Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ (Ảnh: Duy Thông)

Với việc các tập đoàn vào Việt Nam, có nhu cầu về kỹ sư liên quan đến thiết kế, chúng ta phải xem tập đoàn đó nhu cầu cụ thể như thế nào.

Khi nói đến thiết kế chip, người ta thường nghĩ là thiết kế những con chip liên quan đến máy tính, tức là con chip hiện đại. Tuy nhiên, không riêng Mỹ mà cả Trung Quốc, Ấn Độ (những nước mạnh về thiết kế chip nhất), họ cũng có các phân đoạn liên quan đến thiết kế chip: thiết kế những con chip hiện đại, những con chip ở tầng trung và những con chip ở tầng cơ sở.

Như vậy, Việt Nam nên nhìn nhận xem chúng ta làm được gì trong chuỗi đó. Chúng ta đào tạo ra kỹ sư thiết kế, nhưng không phải là kỹ sư có thể thiết kế được tất cả con chip, mà nên lựa chọn phân đoạn nào, con chip ở hạng mục nào. Tất nhiên, trong chương trình về đào tạo thiết kế, sinh viên phải nắm bắt được các kiến thức nền tảng chung, nhưng tôi nghĩ các cơ sở giáo dục Việt Nam cần kết hợp với doanh nghiệp có nhu cầu về thiết kế chip thì mới có thể tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Học hỏi từ mô hình đào tạo nhân lực lĩnh vực bán dẫn của Mỹ

- Theo giáo sư, các trường đại học khi xây dựng chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn cần các vấn đề cốt lõi nào để kỹ sư ra trường có thể tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế? Có những mô hình đào tạo nào mà chúng ta có thể áp dụng?

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Khi xây dựng chương trình đào tạo, chúng ta phải nắm bắt được nhu cầu của các tập đoàn và phải có một lộ trình đào tạo, trong đó đảm bảo được phần cơ bản và đào tạo chuyên sâu. Ví dụ, chương trình học của sinh viên là 4 năm thì trong 3 năm đầu phải đào tạo các kiến thức nền tảng và năm cuối đào tạo chuyên sâu.

Ở Mỹ có một mô hình rất hay. Đó là lý do tại sao tôi mời phái đoàn của Đại học Arizona (Mỹ) đến Việt Nam và làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Đại học Bách khoa Hà Nội, để xây dựng một mô hình tương tự như vậy tại Việt Nam.

Mô hình của họ rất thành công trong việc thu hút sinh viên tham gia vào các chương trình đào tạo liên quan đến ngành bán dẫn.

Theo đó, họ xây dựng chương trình đào tạo giúp sinh viên thấy rằng học về công nghệ bán dẫn sẽ có các công đoạn. Khi các em học xong kiến thức cơ bản sẽ được tiếp cận với khái niệm, với các quá trình tạo ra một con chip và các sản phẩm điện tử thông qua phòng thí nghiệm đầu tiên, gọi là phòng thí nghiệm ảo. Bước vào phòng thí nghiệm ảo này, các em sẽ hình dung được cả quá trình, từ việc con chip được tạo ra như thế nào đến việc đưa con chip vào các thiết bị điện tử ứng dụng ra sao.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tại phòng thí nghiệm ảo đầu tiên, sinh viên sẽ được đến phòng thứ hai, gọi là phòng trung chuyển. Ở phòng này, người ta sẽ mua những trang thiết bị tầm trung, hoặc trang thiết bị dùng rồi để sinh viên có điều kiện làm việc trực tiếp trên máy móc, có cảm giác được động chạm vào máy móc, thậm chí các em có thể làm hỏng những phần nhỏ của các trang thiết bị này cũng không sao.

Đây là cách các em được học, tiếp cận với một lĩnh vực công nghệ mới. Khi sinh viên đã thành thục, đã được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học ở phòng thí nghiệm thứ hai, các em sẽ được vào phòng cuối cùng là phòng sạch.

Khi vào phòng sạch, sinh viên đã có thể làm chủ được kiến thức và các kỹ năng thực nghiệm. Các em tiếp tục được đào tạo chuyên sâu trong phòng sạch. Như vậy, khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn.

 Ngày 1.8, Đại học Bách khoa Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Arizona (Hoa Kỳ) nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM (Ảnh: HUST)

Ngày 1.8, Đại học Bách khoa Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Arizona (Hoa Kỳ) nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM (Ảnh: HUST)

Một câu hỏi đặt ra là nếu chúng ta đào tạo như vậy thì làm sao đáp ứng được một số lượng lớn nhân lực?

Hiện nay, Mỹ có một chương trình rất hay là đào tạo để lấy chứng chỉ. Có nghĩa sinh viên đã tốt nghiệp, thậm chí sắp tốt nghiệp các trường đại học khác có nhu cầu làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn có thể tham gia vào khóa đào tạo 6 tháng hoặc 1 năm. Bởi các em đã học đại học rồi, đã có kiến thức nền tảng nên chỉ cần bổ sung và được đào tạo một cách chuyên sâu.

Khi đào tạo chuyên sâu như vậy, vượt qua được tất cả các kỳ sát hạch và có được chứng chỉ, các em đã có “tấm vé thông hành” để vào các trung tâm, tập đoàn, nhà máy. Vì các khóa huấn luyện đều được các tập đoàn cùng tham gia xây dựng chương trình nên những người được đào tạo, đã qua các kỳ sát hạch, có chứng chỉ đều đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy. Như vậy, chúng ta phát huy được nguồn nhân lực không chỉ từ những ngành liên quan trực tiếp mà cả những ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Đó là những cách người Mỹ tiếp cận để đào tạo ra nguồn nhân lực trong thời gian ngắn, cũng như tạo ra nguồn nhân lực lâu dài, đáp ứng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Xây dựng mô hình song lab” giữa trường đại học tại Mỹ và Việt Nam

- Để xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao, theo giáo sư, chúng ta cần điều kiện cơ chế, chính sách đầu tư như thế nào?

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Tôi cho rằng để có thể đào tạo ra nguồn nhân lực lớn trong ngành công nghệ cao (công nghệ bán dẫn hoặc liên quan đến kỹ thuật số, AI,...), lưu ý đầu tiên phải là yếu tố con người, sau đó là những yếu tố liên quan đến chính sách, cơ sở hạ tầng. Khi đã có yếu tố con người, chúng ta phải đầu tư về trang thiết bị. Hiện nay, tại Mỹ, họ đầu tư rất nhiều cho các trường đại học.

Theo tôi, Việt Nam không nên đầu tư dàn trải, mà nên đầu tư cho những trường đại học đủ năng lực, những trung tâm có lực lượng tốt về nguồn nhân lực, trước hết là đầu tư về trang thiết bị. Việc đầu tư cũng phải có sự liên kết. Thay vì để các cơ sở giáo dục đại học cùng đào tạo theo một cách thức, có sự chồng chéo, nên nghĩ đến phương án đào tạo kết hợp, để sinh viên các nơi đều có cơ hội được trải nghiệm.

Bởi như tôi đã đề cập, chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn liên quan đến rất nhiều bước. Nếu đầu tư mua trang thiết bị cho đủ các khâu sẽ là quá lớn, một trường đại học không thể làm được, thậm chí khi được sự đầu tư của Nhà nước cũng không đủ để một trường làm được chuyện này. Thay vào đó, phải phát huy thế mạnh của từng trường.

Lúc này, sinh viên có cơ hội được học tập, huấn luyện tại ngôi trường mình đang theo học, đồng thời ở các trường thành viên. Chúng ta tạo ra một hệ sinh thái trong đào tạo, giúp các bạn sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức để làm việc trong các tập đoàn.

 Theo GS.TS Phan Mạnh Hưởng, chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn liên quan đến rất nhiều bước. Nếu đầu tư mua trang thiết bị cho đủ các khâu sẽ là quá lớn, một trường đại học không thể làm được (Hình minh họa)

Theo GS.TS Phan Mạnh Hưởng, chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn liên quan đến rất nhiều bước. Nếu đầu tư mua trang thiết bị cho đủ các khâu sẽ là quá lớn, một trường đại học không thể làm được (Hình minh họa)

Một câu hỏi nữa cần đặt ra là: Khi đã có nguồn kinh phí, làm thế nào để xây dựng được các trung tâm về đào tạo? Khi thảo luận với các giáo sư bên Mỹ, có một định hướng tôi thấy rất hay.

Tháng 7 vừa qua, tôi đưa phái đoàn của Đại học Arizona đến Việt Nam, trong đó có GS Liesl Folks, Phó Hiệu trưởng phụ trách chiến lược công nghệ bán dẫn của Đại học Arizona. GS Liesl Folks đồng thời là Trưởng ban tư vấn của Chính phủ Mỹ về ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt liên quan đến việc hợp tác quốc tế. Khi phái đoàn đến Việt Nam có trao đổi với các cơ sở giáo dục đại học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng một cơ chế hợp tác.

Họ muốn đưa mô hình mà họ đang làm rất thành công kết hợp với Việt Nam, tạo thành một hệ sinh thái liên kết giữa Mỹ và Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta có rất nhiều lợi thế khi từ tháng 9.2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện và Chính phủ Mỹ đầu tư cho bán dẫn rất nhiều. Chính phủ Mỹ muốn kết hợp với Việt Nam tạo thành một hệ sinh thái về bán dẫn, rất nhiều tập đoàn Mỹ có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt cho chúng ta, do vậy cần xây dựng các cơ sở đào tạo, các trung tâm đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực đó.

Phái đoàn của Đại học Arizona nói rằng, hiện nay, họ hoàn toàn có thể xây dựng mô hình “song lab”, tức là 2 phòng thí nghiệm, để phía Việt Nam và phía Arizona đều có cơ sở hạ tầng tương tự. Đại học Arizona sẽ tư vấn cho Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm đáp ứng nhu cầu về đào tạo, đưa chuyên gia sang Việt Nam đào tạo tại chỗ, đồng thời có thể giúp đào tạo các chuyên gia Việt Nam tại Đại học Arizona.

Một điểm hay nữa mà tôi thấy trong mô hình này là họ đưa ra một chương trình mới mà trước đây chúng ta chưa có thảo luận hoặc định hướng đến. Đó là chương trình đào tạo thông qua mạng lưới học đa kênh.

Cụ thể, khi có phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn của Mỹ ở bang Arizona và phòng thí nghiệm được xây dựng tại Việt Nam, sinh viên học tại Đại học Arizona và sinh viên học tại Việt Nam đều được tiếp xúc với trang thiết bị và giáo trình giống nhau.

Và khi các em được tiếp xúc với giáo trình giống nhau, bản thân các em lại trở thành “đối tác” của nhau, có nghĩa sẽ có kênh học trực tiếp giữa sinh viên với nhau và các em khóa trước có thể đào tạo cho các em khóa sau. Đây là mô hình học đa kênh thông qua mạng lưới sinh viên tham gia vào chương trình bán dẫn của Mỹ và Việt Nam.

Mô hình này cũng giúp sinh viên ở Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực ngoại ngữ. Đây là khả năng rất quan trọng, bởi đơn cử nếu chúng ta đưa người sang Đài Loan để làm việc và học hỏi, trước hết các em phải thông thạo ngoại ngữ, từ đó mới có thể quay trở về và đóng góp cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi xây dựng các trung tâm công nghệ cao và đào tạo, tôi nghĩ chúng ta phải có sự “ngồi lại” của các nhà khoa học - những người làm việc trực tiếp liên quan đến ngành công nghệ, công nghiệp đó tại Việt Nam, cùng các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Tất nhiên, phải có sự đồng hành và chỉ đạo của Chính phủ thì chúng ta mới thực sự xây dựng được những trung tâm đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam và của các tập đoàn sẽ đầu tư vào Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn GS.TS Phan Mạnh Hưởng đã chia sẻ!

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-su-phan-manh-huong-chia-se-mo-hinh-dao-tao-nguon-nhan-luc-cong-nghiep-ban-dan-cua-my-post390397.html
Zalo