Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Miễn viện phí cần lộ trình bài bản nhưng có thể thực hiện ngay với nhóm ưu tiên
Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, trong y tế, nhu cầu khám chữa bệnh tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó thể dự đoán trước. Do đó, việc triển khai miễn viện phí toàn dân sẽ phức tạp, khó khăn hơn so với chính sách miễn học phí trong giáo dục nhưng có thể thực hiện ngay từ năm 2026 với nhóm đối tượng ưu tiên.
Tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035. Dự kiến, kinh phí triển khai ngân sách vào khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Về định hướng một số chủ trương cụ thể thực hiện ngay, Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho Nhân dân ít nhất mỗi năm một lần.
Tiềm ẩn nhiều biến tố khó lường
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Anh Trí cho biết, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiến tới miễn viện phí toàn dân không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài mà là mục tiêu toàn ngành Y tế quyết tâm thực hiện.
Đây là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân, giàu tính nhân văn và cụ thể hóa quan điểm “dân thụ hưởng” trên nền tảng ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Anh Trí
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, hiện nay, Việt Nam đã hội tụ được đầy đủ các điều kiện để triển khai chủ trương miễn viện phí. Nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn “đói nghèo”, đang trên đà phát triển. Mức thu nhập GDP và bình quân đầu người đều đã tăng khá cao so với trước.
Bên cạnh đó, đất nước không còn phải đối mặt với chiến tranh hay giặc ngoại xâm. Dẫu thiên tai, dịch bệnh còn tồn tại, nhưng với tiềm lực kinh tế hiện nay, Việt Nam đủ khả năng ứng phó để kiểm soát, khắc phục hiệu quả.
Khi đất nước bước vào quá trình đổi mới, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cũng tăng lên. Điều kiện cơ sở vật chất và trình độ khoa học công nghệ trong ngành Y tế được nâng cao. Các chính sách, hệ thống pháp luật liên quan cũng đang được điều chỉnh, hoàn thiện từng ngày.
Có thể khẳng định, các thay đổi này là tiền đề vững chắc để Việt Nam thực hiện hiệu quả mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhìn nhận, việc miễn viện phí toàn dân tiếp nối chính sách miễn học phí cho học sinh công lập từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông, tạo dấu ấn tích cực trong an sinh xã hội. Tuy vậy, tính chất hai chính sách này có nhiều điểm khác nhau.
Đối với giáo dục, nhờ vào hệ thống dữ liệu dân số và kế hoạch đào tạo, có thể dự báo tương đối chính xác số lượng học sinh sẽ nhập học trong vòng 5 đến 10 năm tới. Dù có biến động, nhưng các biến số này thường nằm trong tầm kiểm soát. Ngược lại, trong Y tế, nhu cầu khám chữa bệnh lại tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó thể dự đoán trước.
"Tình trạng sức khỏe của con người khó lường, có thể xảy ra đau ốm bất cứ lúc nào, đặc biệt với các bệnh nguy hiểm như ung thư. Tiếp đó, là các loại bệnh mà người dân mắc phải. Những trường hợp mắc bệnh nặng, mãn tính hoặc khó chữa như ung thư, suy tủy xương, bệnh lý miễn dịch,... đều đòi hỏi quá trình điều trị kéo dài, thường tiêu tốn chi phí rất lớn", ông Trí chỉ rõ.
Yếu tố tiếp theo là mức độ nghiêm trọng của mỗi loại bệnh. Trong trường hợp mắc cùng một loại bệnh, chi phí điều trị giữa các bệnh nhân vẫn có thể chênh lệch rất lớn, tùy thuộc vào diễn tiến bệnh lý, phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng của người bệnh.
Giáo sư Trí lấy ví dụ với bệnh viêm ruột thừa, nếu có người chỉ cần chi khoảng 3 triệu đồng để điều trị khỏi, nhưng có ca bệnh phải tốn đến 30-40 triệu đồng mà bệnh vẫn chưa dứt. Hay với các bệnh lý nặng như tan máu bẩm sinh, ung thư giai đoạn cuối, để kéo dài sự sống dù chỉ vài tháng có thể tốn đến hàng trăm triệu đồng.
Một yếu tố khác là sự phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và công nghệ y tế. Những ca bệnh phức tạp cần đội ngũ y bác sĩ có trình độ cao, công nghệ hiện đại sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn. Đơn cử với kỹ thuật ghép tế bào gốc, chi phí có thể dao động từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng, thậm chí lên tới 10 tỷ đồng, tùy theo công nghệ được sử dụng. Mỗi cấp độ công nghệ mang lại hiệu quả điều trị khác nhau, nhưng đều đặt ra áp lực tài chính không nhỏ với hệ thống y tế và ngân sách bảo hiểm.
Hay biến số khác có thể phát sinh trong công tác khám chữa bệnh là số lượng dịch vụ, kỹ thuật y tế được sử dụng trong điều trị. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ước tính mức kinh phí khám sức khỏe toàn dân là khoảng 250.000 đồng/lần. Nhưng theo nhìn nhận của Giáo sư Trí, mức kinh phí này chỉ đủ đáp ứng các dịch vụ thăm khám cơ bản. Với các trường hợp điều trị bệnh nặng như ung thư, chi phí có thể lên tới 50 – 100 triệu đồng, tùy theo phác đồ và kỹ thuật y tế được áp dụng.
“Có nhiều yếu tố không thể tiên liệu trước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Do đó, việc triển khai miễn viện phí cho Nhân dân sẽ phức tạp, khó khăn hơn so với chính sách miễn học phí trong giáo dục. Để thực hiện hiệu quả, cần có có lộ trình hợp lý, linh hoạt, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và bền vững của chính sách”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Để chủ trương miễn viện phí cho toàn dân được triển khai sớm và hiệu quả, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người dân thông qua bảo hiểm y tế (BHYT).
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, bảo đảm cấp phát thẻ BHYT miễn phí cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế. Nhờ đó, khi đến các cơ sở y tế để điều trị, người bệnh thuộc diện này không cần chi trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào, mà vẫn được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, chất lượng cao.
“Nếu mỗi người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế thì có thể tiếp cận được dịch vụ y tế mà không cần phải lo lắng về chi phí. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu nâng mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm yếu thế, người nghèo, người cận nghèo, người có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ, và nhóm trẻ em dưới 6 tuổi,...”, ông Trí đề xuất.
Ngoài việc phối hợp song hành, chặt chẽ với BHYT, giải pháp thứ 2 được giáo sư Trí kiến nghị là phân nhóm đối tượng để hỗ trợ theo lộ trình hợp lý.
Nhóm đầu tiên cần tập trung hỗ trợ là các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, khó chữa, bệnh phải điều trị dài hạn,.. ở tại các bệnh viện nội, ngoại trú. Đây là nhóm cần được thực hiện hỗ trợ ngay để điều trị bệnh.
Tiếp đó, bao gồm các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong cuộc sống; các gia đình có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ,... Với các nhóm ưu tiên này, có thể nghiên cứu thực hiện ngay từ năm 2026, hoặc năm 2027 chứ không cần chờ đến năm 2030.
Rồi sau đó mở rộng đến tất cả các nhóm còn lại như học sinh, cán bộ nhân viên, người lao động, những người đang có sức khỏe, làm việc bình thường,... Các nhóm này cần bắt đầu thực hiện từ 2028 đến 2030.
“Nếu hỗ trợ cho các nhóm đã kể trên theo lộ trình hợp lý, rõ ràng, chắc chắn và bài bản thì chính sách này sẽ thành công", GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định.

GS.TS Nguyễn Anh Trí: "Cần có lộ trình hợp lý, bài bản để triển khai chính sách miễn viện phí cho toàn dân". Ảnh minh họa
Theo định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm, chính sách miễn viện phí cho toàn dân hướng tới mục tiêu hoàn thành vào năm 2035, bắt đầu từ các cơ sở y tế cơ bản và dần mở rộng lên các cơ sở y tế chuyên sâu.
Giáo sư Trí kiến nghị, để đáp ứng nhiệm vụ, cần tổ chức tốt hệ thống khám, chữa bệnh trên toàn quốc, đặc biệt là y tế cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Đặc biệt, các cơ sở y tế không để thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, trang thiết bị và sinh phẩm để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Nếu không đảm bảo tốt các yếu tố này, việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân khó đạt được hiệu quả như mong đợi.
Một giải pháp quan trọng để tạo nên các quyết sách thiết thực là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tăng cường giám sát việc thực thi chính sách; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp.
“Gợi ý của Tổng Bí thư về việc miễn viện phí cho toàn dân vào năm 2030 là mong ước lớn, không chỉ của người dân mà cả của đội ngũ y bác sĩ. Tôi kỳ vọng định hướng này sẽ là bước tiến lớn hướng tới công bằng và mang ý nghĩa tích cực lâu dài cho xã hội”, GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.