Giáo sư hàng đầu kể về lộ trình phục hồi chức năng của Nguyễn Xuân Son

Sau ca mổ thành công do GS. Trần Trung Dũng - một trong những chuyên gia hàng đầu về chấn thương chỉnh hình thực hiện, tuyển thủ Nguyễn Xuân Son bắt đầu lộ trình phục hồi chức năng khoảng 6-8 tiếng/ngày, từ hôm nay.

 GS Trần Trung Dũng và Xuân Son sau ca mổ

GS Trần Trung Dũng và Xuân Son sau ca mổ

Xuân Son hồi phục tốt sau mổ

Trao đổi với VietTimes ngày 8/1, GS Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (Hệ thống y tế Vinmec) - người trực tiếp thực hiện ca mổ cho tuyển thủ Nguyễn Xuân Sơn cho biết sức khỏe của cầu thủ mang áo số 12 hồi phục tốt sau ca mổ diễn ra 2 ngày trước.

“Cho đến sáng nay, phần phẫu thuật đã ổn định. Xuân Son bắt đầu bước vào lộ trình phục hồi chức năng với những tính toán chi tiết về lượng vận động cho phần chân phẫu thuật, cũng như các phần cơ thể khác, đảm bảo dinh dưỡng đủ với lượng vận động theo từng giai đoạn, nhưng kiểm soát được cân nặng”, GS. Dũng thông tin.

Theo GS Trần Trung Dũng, ca mổ không quá phức tạp và các bác sĩ trẻ cũng có thể làm tốt. Việc khó nhất là phương án tiếp theo cho sự hồi phục của Xuân Son. 90% khối lượng công việc bây giờ mới bắt đầu, ca mổ thành công mới là 10% của chặng đường để Nguyễn Xuân Son trở lại thể thao đỉnh cao.

Sẽ có một đội ngũ hỗ trợ cho Xuân Son về dinh dưỡng, trị liệu, tập. Chịu trách nhiệm trực tiếp trước GS Trần Trung Dũng là các bác sĩ và kỹ thuật viên trưởng vừa tốt nghiệp Master of Sports Science từ Anh về. Xuân Son sẽ được hướng dẫn tập như thế nào, cần bao nhiêu kcal, kiểm soát cân nặng, duy trì sức cơ, khả năng vận động…

Tin mừng với người hâm mộ - nếu quá trình phục hồi tốt và bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn, Xuân Son hoàn toàn có thể trở lại phong độ 100% trong vòng 8-9 tháng.

 GS Trần Trung Dũng trong ca phẫu thuật cho Xuân Son. Ảnh: Vinmec.

GS Trần Trung Dũng trong ca phẫu thuật cho Xuân Son. Ảnh: Vinmec.

Người phẫu thuật cho tuyển thủ Xuân Son là ai?

Chấn thương xảy ra với tuyển thủ xuất sắc trong trận chung kết Việt Nam - Thái Lan, khiến người hâm mộ đặc biệt quan tâm.

Dù với giới chuyên môn, chấn thương của Xuân Son không phải quá khó, nhưng người thực hiện ca phẫu thuật chắc chắn sẽ chịu áp lực rất lớn. Có lẽ vì thế, khi bệnh nhân được đưa về Vinmec, người được giao thực hiện ca mổ cho Xuân Son chính là GS Trần Trung Dũng, người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

GS Trần Trung Dũng - vị bác sĩ từng là nhân vật tâm điểm của báo chí vào đầu năm 2000, khi ông thực hiện ca đại phẫu đầu tiên ở Việt Nam thay toàn bộ xương đùi, gồm cả khớp háng và khớp gối toàn phần, bằng kim loại cho bệnh nhân.

Khi đó, cô gái Lê Thị Hòa (sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính- Viễn thông) bị ung thư xương ác tính, lan ra toàn bộ xương đùi, với nguy cơ phải tháo khớp, cắt cụt toàn bộ chân phải. GS Trần Trung Dũng đã đưa ra phương án cắt toàn bộ khối xương đùi bị ung thư và thay thế bằng xương đùi kim loại cho bệnh nhân. Sau ca mổ kéo dài ba tiếng, GS Dũng đã lấy ra toàn bộ xương đùi ung thư của cô gái và thay bằng dụng cụ kim loại, đồng thời tiến hành thay khớp háng và khớp gối toàn phần.

 Vợ chồng GS Trần Trung Dũng (bên phải) và gia đình chị Lê Thị Hòa.

Vợ chồng GS Trần Trung Dũng (bên phải) và gia đình chị Lê Thị Hòa.

Điều kỳ diệu chưa dừng lại ở đấy, từ khi tiến hành ca mổ, GS. Dũng luôn theo sát từng diễn biến sức khỏe của Lê Thị Hòa. GS Dũng còn tạo điều kiện để cô có một công việc làm ổn định tại Bệnh viện Vinmec, nơi ông làm việc. Ngày cô lên xe hoa, vợ chồng GS Dũng đã có mặt, và gần một năm trước, khi Hòa làm mẹ, vị GS cũng đến để đón “cháu ngoại nuôi” tại bệnh viện.

Gần 5 năm sau ca mổ lịch sử Lê Thị Hòa hoàn toàn khỏe mạnh, có một cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi sáng.

Những dấu ấn tự hào

Được đào tạo bài bản và thực hành tại nhiều nước có nền y khoa tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Brazil, HongKong, Singapore, Trung Quốc … GS Trần Trung Dũng đã trở thành giảng viên lâu năm của Trường Đại học Y Hà Nội, với nhiều thành tựu nổi bật trong phẫu thuật bảo tồn trong điều trị ung thư xương tích hợp công nghệ 3D cá thể hóa tại Việt Nam.

Ông cũng tạo bước ngoặt khi là người tiên phong ở Đông Nam Á đưa ra giải pháp tái tạo khuyết hổng thành ngực cho bệnh nhân sau triệt căn u ác tính; nghiên cứu thành công đề tài sử dụng mảnh ghép gân đồng loại tạo hình dây chằng chéo trước khớp gối qua nội soi.

 GS Trần Trung Dũng (áo đen) bên bệnh nhân Lê Thị Hòa sau ca mổ cho cô gái “Iron woman” của Việt Nam

GS Trần Trung Dũng (áo đen) bên bệnh nhân Lê Thị Hòa sau ca mổ cho cô gái “Iron woman” của Việt Nam

GS Trần Trung Dũng còn là chủ nhiệm nhiều dự án hợp tác đào tạo quốc tế với trường đại học y hàng đầu trên thế giới tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Australia.

Với trình độ và chuyên môn sâu cùng những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, GS Dũng đã trở thành thành viên của Hiệp hội Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ, Hiệp hội Nội soi khớp Bắc Mỹ, Hiệp hội Nội soi khớp Quốc tế, Hiệp hội Phẫu thuật Khớp gối và Y học Thể thao Thế giới, Hiệp hội Chấn thương Chỉnh hình Châu Á Thái Bình Dương, Hiệp hội Phẫu thuật Khớp gối, Nội soi khớp và Y học Thể thao châu Á -Thái Bình Dương, cùng với Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam.

Trước khi trở thành Giám đốc chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và cơ xương khớp (Vinmec), GS Dũng từng là Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Thần kinh Cột sống của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn …

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/giao-su-hang-dau-ke-ve-lo-trinh-phuc-hoi-chuc-nang-cua-nguyen-xuan-son-post181731.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo