Năm rắn nói về võ rắn
Các hoạt động của loài rắn, cũng như nhiều con vật khác: rồng, hổ, khỉ, gà… được lấy làm hình tượng sáng tạo nên những thế, đòn, bài quyền trong võ cổ truyền Việt Nam.
Với đặc tính của loài rắn uyển chuyển, nhanh nhẹn, linh hoạt nên các đòn, thế của rắn trong di chuyển, né tránh, chống đỡ, phản công, ẩn, phục… rất tinh tế.
Đòn, thế rắn đối địch
Các đòn, thế trong võ thuật được ông cha đúc kết, sáng tạo, quan sát từ trong lao động, chiến đấu và cả hoạt động của các loài động vật. Võ rắn (xà quyền) cũng vậy. Từ quan sát, mô phỏng, vận dụng các hoạt động của rắn trong di chuyển, chuyển động, bắt mồi, đối địch, thoát thân… hình thành nên những thế, đòn xà quyền độc đáo, lưu truyền cho đến tận hôm nay.
Võ sư Nguyễn Hải Đăng (võ đường Tây Sơn Bình Định tại khu phố 5, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) cho biết, môn phái của ông có rất nhiều bài võ (quyền) lấy hình tượng các loài vật như: rồng, hổ, gà…, đặc biệt là loài rắn với bài xà quyền.
Bài quyền này gồm 32 chiêu thức (thế, đòn) như: xà vương xuất động (bàn tay chụm lại, ngón trỏ và ngón giữa thành hình lưỡi rắn chĩa ra phía trước, các ngón kia khép lại). Đòn này nhắm vào các điểm nhược của cơ thể như mắt, cổ họng. Thanh xà tọa thủ (xếp các ngón tay lại như đầu một con rắn hổ đang uốn khúc vươn lên. Cùi chỏ uốn cong cho cánh tay vươn thẳng ra phía trước như một con rắn sẵn sàng lao tới, nhắm vào mắt, cuống họng). Thủy xà thượng điêu (kích 5 đầu ngón tay vào cổ họng, nách đối phương…).
“Xà quyền là những đòn tay mổ chọc vào đối phương bằng các ngón tay, giống như động tác mổ của loài rắn. Đặc điểm kỹ thuật của xà quyền là trong nhu có cương, trong tĩnh có động, thân pháp linh hoạt, nhanh nhẹn, biến hóa, mắt sắc tay nhanh, công thủ nhất loạt” - võ sư Nguyễn Hải Đăng bộc bạch.
Trong làng võ cổ truyền tỉnh Đồng Nai, ngoài môn phái Tây Sơn - Bình Định, có rất nhiều môn phái khác cũng có các thế, đòn xà quyền độc đáo của riêng mình.
Võ sư cao cấp Mã Thanh Hiền, Trưởng môn phái Hồng Mi Đạo Nhơn Mã Thanh Hoàng thành phố Biên Hòa, bày tỏ trong các bài quyền của môn phái Hồng Mi Đạo Nhơn, ngoài các thế, đòn rồng, hạc, hổ… dũng mãnh cũng có những thế, đòn bắt xà đầu (xà quyền) như: chộp, siết. Chẳng hạn, trong bài Tọa bàn phương phi có 8 thế bắt xà đầu; bài Long hổ có 3 thế bắt xà đầu. Khi thi triển các thế bắt xà đầu tay ngay lập tức khóa, siết, cuộn, chặn các đòn tấn công của đối phương rồi phản đòn.
Võ sư NGUYỄN HẢI ĐĂNG, võ đường Tây Sơn Bình Định tại khu phố 5, phường Hố Nai (thành phố Biên Hòa), bày tỏ tính năng tinh diệu của rắn chính là khả năng phóng xa, trườn nhanh, quất mạnh, uốn lượn, cuốn, siết, cắn, mổ, chuyển hóa linh diệu, thoắt ẩn, thoắt hiện, khi mềm dẻo, khi cứng rắn, cường mãnh…
Thân pháp của loài rắn
Rắn là loài bò sát không chân, di chuyển nhanh nhờ hệ cơ, các vảy rất khỏe. Nó di chuyển về phía trước dưới dạng vặn uốn thân hình qua lại thành nhiều đường cong gợn sóng. Khi phục mồi, rắn thường nằm cuộn mình, gặp địch thủ thì vươn thẳng đầu phóng tới nhanh như ánh chớp. Rắn thường dùng đầu mổ, lưỡi quấn, răng cắn, thân vặn, đuôi móc. Dựa vào những đặc tính đó, võ học đã mô phỏng động tác của loài rắn và biến nó thành những đòn, thế đầy nội công, ngoại lực, cương nhu uyển chuyển.
Môn phái Hồng Mi Đạo Nhơn của võ sư Mã Thanh Hoàng có nhiều võ sư, võ sinh đẳng cấp cao đang công tác, truyền dạy võ thuật không chỉ ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, mà còn cả trong và ngoài nước. Võ sư Mã Thanh Hoàng dẫn giải, người luyện xà quyền phải bình thản, trầm tĩnh, triển khai giác quan để cảm nhận các thế đánh của đối thủ, chỉ chờ cơ hội là xuất kích. Lúc ấy, khí lực sẽ lưu thông từ sống lưng qua cánh tay tới tận đầu ngón tay để khi ra đòn, phản đòn sức mạnh của khí lực nội tại tạo nên một uy lực rất lớn làm cho đối phương đau đớn, tê liệt, mất phản kháng.
“Xà quyền sử dụng ức bàn tay và đầu ngón tay, chú trọng nội lực để tung đòn hạ thủ vào yếu huyệt của đối phương. Kỹ thuật xà quyền muốn hoàn hảo phải khổ luyện để thân pháp linh hoạt, nhanh nhẹn, biến hóa, mắt sắc, tay nhanh, công thủ nhất loạt” - võ sư Mã Thanh Hoàng bày tỏ.
Theo các bậc võ sư võ cổ truyền tỉnh Đồng Nai, hiện làng võ cổ truyền trong và ngoài tỉnh vẫn còn lưu giữ nhiều bài, thế, đòn xà quyền nổi tiếng như: Xà quyền luyện nguyệt (rắn thần luyện trăng); Kim xà lục khởi (rắn vàng dưới đất nhô lên); Xà phiên thiên chân (rắn quật động trời); Bạch xà phẫn mạt (rắn trắng phun bọt); Xà đằng tẩu lộ (rắn lăn lướt sương); Giác xà ứng vĩ (rắn sừng vẫy đuôi); Bạch xà thổ tín (rắn trắng lè nọc); Xà vương xuất động (vua rắn rời động)…
Mỗi môn võ, thế, đòn được ông cha sáng tạo, truyền dạy đều có sự tinh hoa riêng của nó. Chính vì vậy, người học võ, truyền dạy võ học không được chủ quan phán xét, đánh giá môn phái này, bài võ kia là hàng đầu, dũng mãnh, còn môn phái, bài quyền khác là yếu đuối, nhu nhược… Xà quyền cũng vậy, không thể nhìn hình dạng của rắn là đánh giá yếu đuối, dễ dàng bị bắt nạt.
Nhiều năm luyện tập bài xà quyền của môn phái, võ sư Nguyễn Hải Đăng tâm niệm, xà quyền giúp cho người luyện tập đôi tay uyển chuyển, linh hoạt nhưng đầy dũng lực. Đồng thời, luyện tập xà quyền còn mang lại lợi ích về sức khỏe, kỹ thuật tự vệ chiến đấu, rèn luyện những tính năng cần thiết như: điềm tĩnh, dũng cảm, kiên trì, thân pháp nhẹ nhàng, linh hoạt, ứng phó chủ động trong mọi tình huống, hoàn cảnh.
“Năm rắn nói về võ rắn cũng là dịp để tôn vinh, ghi nhận những thế, đòn xà quyền mà cha ông đã sáng tạo, đóng góp vào kho tàng võ học cổ truyền Việt Nam thêm phong phú. Đồng thời, đây cũng là dịp để sư thầy, huynh đệ, võ sinh trong từng môn phái trao đổi, trau dồi, luyện tập xà quyền khi Xuân về, Tết đến”.