Giáo sư Đại học Harvard 'hiến kế' đưa thương hiệu ngân hàng Việt ra quốc tế
Từ góc nhìn toàn cầu, 'phù thủy thương hiệu' thế giới John A. Quelch - Giáo sư của trường Harvard đã gợi mở chiến lược giúp ngân hàng Việt xây dựng thương hiệu mạnh, vượt rào cản nội tại để vươn ra thế giới.
Chia sẻ tại Diễn đàn "Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý cho hệ thống ngân hàng" sáng nay (5/5), Giáo sư John A. Quelch, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard - người được mệnh danh là "phù thủy thương hiệu" đã đưa ra một số gợi ý giúp đưa thương hiệu ngân hàng Việt ra quốc tế.

Diễn đàn "Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý cho hệ thống ngân hàng" do Thời báo Ngân hàng tổ chức tại Hà Nội sáng nay (5/5) với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, các bộ, ngành; chuyên gia quốc tế và trong nước; đại diện tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước.
"Thay đổi hay là chết"
GS. John Quelch chỉ ra các cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó đánh giá cao sự ổn định của môi trường vĩ mô và tính lành mạnh của các ngân hàng Việt.
Theo GS. John Quelch, ngành ngân hàng cần phải hiểu rõ nội tại của nền kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng tốc tiến lên phía trước.
"Các ngân hàng vốn rất thận trọng và luôn chú ý dự phòng rủi ro. Song, hiện nay có nhiều dự án và sáng kiến mà ngân hàng cần thực hiện. Đặc biệt là cần đầu tư vào công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất vận hành, và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế cho những tác vụ thông thường, thúc đẩy năng lực và nâng cao tính cạnh tranh của mình", GS. John Quelch nêu ý kiến.

Giáo sư John A. Quelch, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, hiện là Phó Chủ tịch và giáo sư ưu tú tại Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu - Trung Quốc (CEIBS)
GS. John Quelch đánh giá, thời điểm hiện tại, ngành ngân hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh đa dạng. Hệ thống ngân hàng vận hành và được giám sát tốt, tỷ giá ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Ngân hàng Việt Nam duy trì lành mạnh để hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.
GS. John Quelch là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách uy tín trong lĩnh vực marketing chiến lược và quản trị thương hiệu toàn cầu. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Consumers, Corporations and Public Health; Greater Good: How Good Marketing Makes for Better Democracy; All Business is Local; Building a Culture of Health...
Tuy nhiên, GS. John Quelch cho rằng, vẫn còn khó khăn và thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt bởi mặc dù nhiều ngân hàng có quy mô lớn nhưng cũng nhiều ngân hàng quy mô nhỏ. Ông nhấn mạnh, cần có nhiều hơn nữa các hoạt động mua lại và hợp nhất, cho phép tỷ lệ đầu tư nước ngoài nhiều hơn. "Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tăng tỷ lệ đầu tư ở Việt Nam", GS. John Quelch nói.
Theo GS. John Quelch, ngân hàng muốn duy trì sức khỏe thì cần thêm nguồn vốn, cần mua bán, sáp nhập để tạo ra những ngân hàng đủ lớn và đầu tư thông minh, từ đó vươn tầm ra nước ngoài.
Ngành ngân hàng thường xuyên phát triển và thay đổi. "Thay đổi hay là chết", đó là khẳng định của GS. John Quelch khi đưa ra lời khuyên cho các ngân hàng Việt. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing chiến lược tài chính, ngân hàng, GS. John Quelch đã mang đến góc nhìn sắc bén về tầm quan trọng của việc định vị thương hiệu trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ.
Những luận điểm của GS. John Quelch tại Diễn đàn không chỉ làm rõ các trụ cột quan trọng trong xây dựng thương hiệu mà còn đưa ra những hướng tiếp cận hiệu quả đối với thị trường quốc tế mà ngân hàng Việt có thể tham khảo.
Đẩy mạnh số hóa hoạt động ngân hàng
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam vững mạnh, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có từ 2–3 ngân hàng thương mại Việt Nam lọt vào Top 100 ngân hàng có thương hiệu lớn nhất khu vực châu Á. "Đây là mục tiêu không chỉ về quy mô tài sản mà còn là sự khẳng định uy tín, thương hiệu và sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng", ông Hà nêu rõ.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, chuẩn hóa quản trị theo thông lệ quốc tế, tăng cường minh bạch và đổi mới sáng tạo. Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam vững mạnh, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế.
Các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động nâng cao hình ảnh và vị thế của mình trên thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế. Theo xếp hạng của Brand Finance năm 2025, đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. “Đây là một tín hiệu đáng mừng, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong việc xây dựng thương hiệu mạnh và bền vững”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Trong xu thế đó, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định: Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp cận các mô hình quản trị thương hiệu hiện đại và cập nhật tư duy chiến lược là vô cùng quan trọng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh số hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản, gắn với chiến lược phát triển dài hạn và hội nhập quốc tế.
"Với sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng vươn lên, tôi tin tưởng rằng thương hiệu ngân hàng Việt Nam sẽ ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.