Giao lưu văn hóa - kết nối trái tim
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và và tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân, Phu nhân Ngô Phương Ly đã đến thăm Trường Đại học Mỹ thuật Moscow mang trên V.I.Surikov và Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Nga mang tên S.A. Gerasimov (VGIK).

Tại Trường Đại học Mỹ thuật Moscow mang trên V.I.Surikov, Phu nhân Ngô Phương Ly tham quan triển lãm tranh của họa sĩ Việt Nam và Nga, giao lưu với họa sĩ hai nước, thăm xưởng tranh của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Moscow mang trên V.I.Surikov,. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Moscow mang trên V.I.Surikov, Nghệ sĩ nhân dân Liên bang Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga, ông Anotoly Alexandrovich Lyubanvin cho biết, đây là một trong những ngôi trường đại học nghệ thuật hàng đầu tại Nga, là đơn vị kế thừa của Trường Hội họa, điêu khắc và kiến trúc Moscow, thành lập vào năm 1843. Ngôi trường này nổi tiếng trong việc đào tạo các nghệ sĩ và nhà lý thuyết nghệ thuật trong các lĩnh vực đào tạo và chuyên môn hội họa, đồ họa, điêu khắc, kiến trúc và lịch sử nghệ thuật. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ tại đây, Phu nhân Ngô Phương Ly cho rằng, đây không chỉ là cái nôi đào tạo nên những nghệ sỹ tài hoa của nước Nga mà còn giúp ươm mầm phát triển các tài năng nghệ thuật của Việt Nam. Phu nhân Ngô Phương Ly nhắc lại những họa sĩ tên tuổi của Việt Nam như Trần Lưu Hậu - một trong những họa sĩ tiêu biểu của hội họa Việt Nam thời kỳ kháng chiến và cũng là người thầy của nhiều thế hệ họa sĩ danh tiếng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại; hay họa sĩ tranh sơn dầu Phùng Quốc Trí; nhà điêu khắc Đào Châu Hải; họa sĩ Nguyễn Quang Vinh, họa sĩ Nguyễn Phước Sanh… đều đã trưởng thành và tỏa sáng từ mái trường này. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Hiệu trưởng Anotoly Alexandrovich Lyubanvin tham quan triển lãm tranh “Sắc màu Việt-Nga” trưng bày các tác phẩm do họa sĩ Việt Nam và Liên bang Nga sáng tác. Thông qua các tác phẩm, giúp người xem hiểu thêm phong cách hội họa mỗi nước, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam và Nga. Đặc biệt, những các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam dùng sắc màu để miêu tả xứ sở bạch dương đã cho thấy tâm hồn Việt ở trong trái tim Nga và ngược lại, tâm hồn Nga ở trong trái tim Việt. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm, bà Ngô Phương Ly chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò Trường Đại học Mỹ thuật Moscow mang trên V.I.Surikov và nhóm họa sĩ hai nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tại Bảo tàng quốc gia Tretyakov - nằm đối diện với Trường Đại học Mỹ thuật Moscow mang trên V.I.Surikov, Phu nhân Ngô Phương Ly đã được nghe giới thiệu về những tác phẩm hội họa tiêu biểu cho phong cách Nga từ nghệ thuật cổ thế kỷ XI-XVII đến hội họa thế kỷ XVIII-XIX và nghệ thuật thế kỷ XX. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đây là một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới, thành lập năm 1856, sở hữu hơn 190.000 tác phẩm nghệ thuật Nga từ thế kỷ XI đến hiện đại. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bảo tàng có diện tích 82.000m2 gồm 62 phòng trưng bày chính, 12 phòng triển lãm... (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Lưu giữ bộ sưu tập khổng lồ và những kiệt tác vô giá, Tretyakov xứng đáng là biểu tượng văn hóa, là “viên ngọc quý” trong di sản văn hóa Nga. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đến thăm trường Đại học Điện ảnh quốc gia Nga mang tên S.A. Gerasimov (VGIK), Hiệu trưởng Trường, Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga ông Vladimir Sergeyevich Malyshev đã giới thiệu về Trường; triển lãm tranh của họa sĩ Ngô Mạnh Lân và các họa sĩ của Trường; tham quan khoa Đồ họa và trí tuệ nhân tạo. Đây là một trong những cơ sở đào tạo điện ảnh danh tiếng và lâu đời nhất trên thế giới, được thành lập vào năm 1919 và được coi là trường điện ảnh đầu tiên trên thế giới. Với những đóng góp tích cực trong việc đào tạo các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, năm 2009, Chủ tịch nước Việt Nam quyết định tặng Huân chương Hữu nghị cho trường Đại học Điện ảnh quốc gia Nga mang tên S.A. Gerasimov. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phu nhân Ngô Phương Ly không giấu được sự xúc động khi đến thăm ngôi trường có bề dày truyền thống và có vai trò to lớn với nền nghệ thuật thứ bảy, đặc biệt, đây còn là nơi cố PGS. TS. Nghệ sĩ nhân dân Ngô Mạnh Lân – cha bà từng theo học và được đánh giá là sinh viên luôn đạt được những thành tích nổi bật tại trường. Không chỉ vậy, ít ai biết rằng, nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Bùi Đình Hạc, Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Thị Hồng Ngát… đều đã trưởng thành từ ngôi trường này và là những “cây cao bóng cả” trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, với những tác phẩm điện ảnh mang đậm dấu ấn thời đại và trở thành di sản tinh thần quý báu của người Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Những bộ phim như Sao tháng Tám, Hà Nội 12 ngày đêm hay Đường về quê mẹ không chỉ ghi dấu trong lòng người dân Việt Nam mà còn thể hiện sự giao thoa giữa hai nền điện ảnh: một là kỹ thuật và tư duy nghệ thuật sâu sắc từ nước Nga, một là bản sắc văn hóa và khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đó là những bộ phim không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn là ký ức tập thể của người dân Việt về một thời kỳ hào hùng. Và có lẽ, hình ảnh về đất nước Nga với cánh rừng bạch dương, mái vòm nhà thờ lấp lánh, bến cảng thơ mộng, chân dung người Nga bình dị trong trang phục truyền thống… được tôi lên từ những nét cọ đầy cảm xúc đã truyền cảm hứng để bà tiếp nối ngôn ngữ sắc màu ấy. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hiệu trưởng Trường, ông Vladimir Sergeyevich Malyshev mong rằng, thời gian tới, hai nước sẽ tiếp nối lại các hoạt động hợp tác làm phim chung giữa hai nước, sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam tới VGIK học tập và phát triển nghệ thuật. Bởi qua đó sẽ giúp tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối những tâm hồn yêu nghệ thuật Việt Nam-Nga. Thông qua các hoạt động giao lưu, tìm hiểu văn hóa hai nước đã giúp kết nối những trái tim người con Việt Nam-Liên bang Nga đã thật gần nhau, qua đó góp phần vào sự nghiệp giao lưu văn hóa giữa hai nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trước đó, tại Azerbaijan, nhóm các họa sĩ Việt Nam cũng đã có triển lãm trưng bày giới thiệu các tác phẩm hội họa với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Phu nhân Mehriban Aliyeva. Việc tổ chức triển lãm trưng bày các tác phẩm hội họa tại đây nhằm tiếp nối chuyến thăm Việt Nam của bà Leyla Aliyeva – con gái Tổng thống Ilham Aliyev và bà Mehriban Aliyeva hiện là Phó Chủ tịch Quỹ Heydar Aliyev (Azerbaijan) đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa qua. Đây cũng được coi là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác về văn hóa giữa hai nước trong thời gian tới. Đồng thời, thông qua triển lãm, giúp giới thiệu với bạn bè quốc tế về cảnh sắc, con người, văn hóa, nghệ thuật… của Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)