Giao lưu hoằng pháp Phật giáo xứ Thanh và Phật giáo xứ Quảng: Trường hợp Tăng cương Viên Hải chùa Đào Viên
NSGN - Phật giáo xứ Thanh và Phật giáo xứ Quảng xưa có mối quan hệ với nhau. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông sau khi chiến thắng Chiêm Thành, cho lập Thừa tuyên Quảng Nam, rất nhiều quan quân cũng như dân chúng xứ Thanh vào Quảng Nam khai phá.
Năm 1558, Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, lần di dân thứ hai có tính quy mô, trong số đó có nhiều người gốc Thanh Hóa vào Quảng Nam khai cơ lập nghiệp trở thành những vị tiền hiền của các làng xã tại Quảng Nam. Phật giáo theo những cuộc di dân trên vào Quảng Nam, với nhiều vị thiền sư có nguyên quán gốc Thanh Hóa. Đơn cử là Thiền sư Huệ Đạo Minh, quê cũ xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia hành đạo vùng Ngũ hành sơn(1). Các vị sư cũng mang theo nhiều kinh sách để tụng trì và học tập.
Trong số đó có bộ Thiền tâm thượng phẩm trước do Kinh chủ Lê Thị Ngọc Châu hiệu Mậu Huệ quê xã An Lạc, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên (Thanh Hóa) phát tâm san khắc vào năm Quang Hưng thứ 21 (1598), được chư Tăng am Chính Minh, chùa Vạn Phước (Quảng Ngãi) tổ chức trùng san năm Bính Tuất, Chính Hòa 27 (1706)(2), sau đó chưa rõ lý do gì được đưa về cất tại chùa Vạn Đức (Hội An). Đó là mối lương duyên giữa Phật giáo xứ Thanh và Phật giáo xứ Quảng.
Trường hợp Tăng Cương Viên Hải là một trường hợp đặc biệt. Ngài chứng minh đạo sư Hội An Nam Phật học tỉnh Thanh Hóa, Phó Đốc học ban Thiền học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hòa thượng trụ trì chùa Đào Viên, Thanh Hóa. Hòa thượng Viên Hải vốn quê tại miền Trung, xuất thân tu học tại Huế. Ngài có mối quan hệ khá thân với Nguyễn Bá Trác, người làng Bảo An (Điện Bàn) làm Tổng đốc Thanh Hóa dưới triều Bảo Đại. Từ mối quan hệ trên, ngài được mời soạn hoặc nhuận chính “Hành trạng bi chí”, một tấm bia tháp ca ngợi đạo hạnh của Hòa thượng Huệ Duyệt (1863-1940), Tăng cương chùa Vĩnh An, khai sơn chùa Bảo Thọ tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam(3). Nhân đó, chúng tôi muốn tìm hiểu hành trạng Hòa thượng Viên Hải cũng như mối quan hệ giữa Phật giáo hai tỉnh trước năm 1945. Bài viết dưới dạng sơ thảo, chưa khảo sát đầy đủ hành trạng của Hòa thượng Viên Hải, bởi vì chúng tôi chưa tiếp cận nhiều tư liệu cũng như chưa có dịp ra Thanh Hóa tìm hiểu chùa Đào Viên cũng như tháp Hòa thượng Viên Hải.
Báo Đuốc Tuệ, Viên Âm ghi chép về Hòa thượng Viên Hải
Trước hết, trên Báo Đuốc Tuệ có mấy lần nhắc đến Hòa thượng Viên Hải. Mục Hộp thư ở số 2 có điểm tin: “Cụ Đào Viên tự chủ Thanh Hóa: cám ơn cụ đã giới thiệu cho bản báo được nhiều độc giả…”(4). Hay ở số 9 lại thêm thông tin: “Cụ Đào Viên tự chủ Thanh Hóa, đã tiếp thư cụ gửi ngày 5 Fevrier và cám ơn cụ giới thiệu thêm cho 3 vị độc giả”(5). Điều đó cho thấy, sư cụ chùa Đào Viên đã tiếp cận với Báo Đuốc Tuệ từ những số đầu tiên. Người viết trong Hộp thư dùng kính ngữ, tức gọi tên ngôi chùa, không dám gọi thẳng tên của sư cụ. Ngài là người giới thiệu báo Đuốc Tuệ cho một số vị để họ đăng ký mua báo. Do vậy, báo mới có lời cám ơn đến Hòa thượng. Mãi đến số 169-170, có một ký giả “có việc riêng vào Thanh Hóa đến thăm Hội An Nam Phật học, tỉnh hội Thanh Hóa, và vãn cảnh chùa Đào Viên cũng ở tỉnh lỵ”(6). Điều này cho thấy chùa Đào Viên và chùa Hội Quán (chùa Thanh Hà) nằm trong tỉnh lỵ, tức nằm trong thành phố Thanh Hóa bây giờ.
Bài viết ca ngợi Hòa thượng như sau: “Hòa thượng Viên Hải, Tăng cương chùa Đào Viên, là người có trọng trách trong việc chấn chỉnh Tăng-già Thanh Hóa, có làm giấy xin các quan Thủ hiến Thanh Hóa sức cho các phủ, huyện và châu trong hạt để thông sức cho các làng phải trình các chức sự ban Tăng-già, mỗi một khi có các vị sư ở hạt khác tới ở các chùa thôn quê. Nếu bọn hương lý mà tự tiện đi thỉnh các sư về mà không trình cho ban Tăng-già biết để xét hỏi, thì khi có xảy ra việc gì không hay, hương lý phải chịu trách nhiệm…”. Trích đoạn xác định Hòa thượng Viên Hải, Tăng cương chùa Đào Viên chứ không phải ghi theo lối tôn kính “cụ Đào Viên tự chủ Thanh Hóa”. Qua đây biết Hòa thượng có đạo hiệu là Viên Hải. Ngài được triều đình ban chức Tăng cương, một vinh dự lớn cho chư Tăng xứ Thanh.
Xét ra từ kinh đô Huế, các chùa công mới có chức Tăng cang/cương. Mãi đến sau này, một số tỉnh miền Trung, chư Tăng mới được ban chức đó(7). Thanh Hóa là một tỉnh thuộc thang mộc của triều Nguyễn, nên có được đặc ân trên. Sau này, một số vị Tăng ở các tỉnh phía Bắc cũng được ban chức, như Hòa thượng Thanh Thịnh, chùa Phúc Chỉnh (Ninh Bình), Hòa thượng Đỗ Tâm Hỷ (đạo hiệu Thanh Thao) chùa Bà Đá (Hà Nội)… Một câu hỏi đặt ra là Hòa thượng Viên Hải được ban chức Tăng cương năm nào? Chúng ta hiện chưa tìm tư liệu hoặc độ điệp nên chưa xác định năm chính xác. Chúng tôi đoán khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX. Hòa thượng xem như một vị Tăng trưởng, vị Tăng đứng đầu tỉnh, đứng ra kêu gọi chư Tăng trong tỉnh vào một tổ chức, để việc quản lý được thuận tiện. Cách thức tổ chức của Hòa thượng khá giống với tổ chức “Bản tỉnh chư sơn hội” tại Quảng Nam trước năm 1945(8).
Hòa thượng tham gia vào hội An Nam Phật học. Chùa Đào Viên cũng là cơ sở để nhiều vị giảng sư trẻ ở Huế đến thuyết giảng. Năm 1937, ngài Mật Nguyện có thuyết giảng tại chùa Đào Viên với lượng thính giả lên đến 700 người(9). Nguyệt san Viên Âm, mục Tiêu tức, số 47 cho biết: “Tỉnh hội Thanh Hóa. - Ngày 8 Décembte 1940, hồi 2 giờ chiều, tại hội quán ở phố Bái Thượng, tỉnh hội Thanh Hóa đã họp đại hội đồng thường niên để bầu Ban Trị sự năm 1941, kết quả như sau này: Tăng-già: Chứng minh đạo sư: Ngài Nguyễn Soạn (Tăng cương chùa Đào Viên). Đạo hạnh cố vấn: - Trần Văn Vinh (trụ trì chùa Quảng Thọ)…”(10). Hai vị Tăng đều ghi thế danh, nhưng chúng ta dựa vào ngôi chùa hai vị trụ trì thì đoán được quý ngài. Ngài Nguyễn Soạn Tăng cương chùa Đào Viên ở trong Viên Âm đây chính là tên thế danh của Hòa thượng Viên Hải, vì lúc này chùa Đào Viên chỉ có một vị Tăng cương. Do vậy, chúng ta biết được Hòa thượng Viên Hải có thế danh là Nguyễn Soạn. Còn ngài Trần Văn Vinh trụ trì chùa Quảng Thọ chính là Hòa thượng Thanh Vinh. Hòa thượng Viên Hải còn được hội mời thuyết giảng các đề tài Phật pháp mà trên Tạp chí Viên Âm có đăng tin. Tuy mãi đến cuối năm 1940, ngài mới được bầu vào Chứng minh đạo sư của tỉnh hội, nhưng ngài tham gia hoạt động Phật sự khá lâu.
Trong khi đó, Hòa thượng Viên Hải cũng tham gia Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Biên bản hội đồng của Ban Đạo sư họp tại chùa Quán Sứ (73 phố Richaud Hanoi) ngày 29 tháng Tư năm Nhâm Ngọ (12-6-1942) có thấy tên “cụ Đào Viên”, tức ngài tham gia vào Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Trong lần họp này, ngài được “Hội đồng lại đồng thanh thỉnh cầu Hòa thượng Đào Viên sung ngôi phó đốc giáo, Hòa thượng Phúc Chỉnh sung ngôi chánh hưng công…”(11). Hòa thượng Doãn Hài làm Chánh Đốc giáo ban Thiền học và Hòa thượng Viên Hải làm Phó Đốc giáo. Ngài được mời ra chùa Quán Sứ để tham gia công tác Phật sự của hội. “Tiếp đó, tại Đại hội đồng thường niên ngày 13 tháng 9 năm 1942, ngài lại được bầu làm Phó Hội trưởng thứ 2 Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Ngày 15 tháng 5 năm 1943, theo đề nghị của ngài, Hội Phật giáo Bắc Kỳ cử Thượng tọa Tuệ Chiếu (cũng là người Thanh Hóa) về hành đạo ở chốn tổ Đào Viên. Sau hơn một năm giúp việc cho sơn môn Đào Viên, Thanh Hóa, Thượng tọa Tuệ Chiếu trở ra chùa Quán Sứ, Hà Nội để giúp việc hội như trước”(12). Đó là những thông tin về ngài từ Báo Đuốc Tuệ và Viên Âm. Điều đó giúp chúng ta thấy rõ vai trò của Hòa thượng Viên Hải với hai tổ chức Phật giáo đương thời.
Tư liệu Hán Nôm Phật giáo ghi chép về Hòa thượng Viên Hải
Tại vườn cũ chùa Bảo Thọ thuộc thôn Tân Thọ, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam còn tấm bia tháp “Hành trạng bi chí”. Bia được tạc trên loại đá trắng, đá Non Nước. Bia được lập năm Bảo Đại 11 (1936). Bia do “Nguyễn Bá Trác, Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa nhuận chính; Tăng cương Viên Hải, chùa Đào Viên, Thanh Hóa soạn thảo”(13). Hòa thượng Viên Hải là người soạn bia cho Hòa thượng Huệ Duyệt, vị Tăng cương chùa Sắc tứ Vĩnh An (còn gọi là chùa Vua, được Hoàng đế Minh Mạng lập năm 1824 thuộc xã Chiêm Sơn, Duy Xuyên), khai sơn chùa Bảo Thọ. Tấm bia là minh chứng cho mối quan hệ giữa hai vị cao tăng, cũng như mối quan hệ giữa Phật giáo xứ Quảng và Phật giáo xứ Thanh. Theo thời gian lập bia thì năm 1936, Hòa thượng Viên Hải đã được sắc tứ Tăng cương. Đây là mốc thời gian sớm nhất xuất hiện trên tư liệu cả Quốc ngữ lẫn Hán Nôm.
Tư liệu thứ hai là tờ Tỳ-khưu giới sắc (chứng điệp thọ giới) được ban cho giới tử Tỳ-khưu Tâm Thông năm Kỷ Mão (1939), mục Tôn chứng sư có ghi: “Thanh Hóa Đào Viên tự trụ trì Sắc tứ Tăng cương Hòa thượng, lĩnh Trung Bắc Phật giáo bản tỉnh đạo sư Sa-môn Thích Viên Hải清化桃園寺住持敕賜僧剛和尚,領中北佛教本省導師沙門釋圓海”(14). Ngài là vị Tôn chứng thứ 6 tại giới đàn chùa Quán Sứ, Hà Nội. Bài “Tường thuật đàn giới” đăng trên Đuốc Tuệ cho biết hội đồng giới sư như sau: “Hòa thượng: Tổ Trung Hậu, Trưởng ban sáng lập tràng thiền học. Yết-ma: Tổ Bằng Sở, Chánh Đốc giáo. Giáo thụ: Tổ Tế Cát, Phó Đốc giáo. Tôn chứng: Hòa thượng Phúc Chỉnh, Tổ Hương Tích, thủ quỹ tràng thiền học, Tổ Phù Lãng, Tổ Chừng Mại, Hòa thượng Quế Phương, cụ Cao Đà, cụ Bát Mẫu, cụ Quốc Sư, Hòa thượng Đào Viên Thanh Hóa, cụ Chữ (Trữ) Khê, cụ Hào Xá (do nhiều đàn nên có nhiều vị Tôn chứng)…”(15). Kết hợp chứng điệp thì mới biết rõ tôn danh từng vị. Trên Báo Đuốc Tuệ họ viết theo danh xưng, tôn kính, chứ giới điệp thì ghi rõ đạo hiệu và chức danh. Giới đàn này, chỉ có Hòa thượng Viên Hải ở Thanh Hóa được mời làm tôn chứng và không có giới tử trong tỉnh ra thụ giới. Như vậy, từ năm 1939, Hòa thượng Viên Hải được mới làm đạo sư của hai hội Phật giáo ở miền Trung và miền Bắc.
Bản in Đại thừa bản sinh tâm địa quán kinh(16), sau phần âm thích cuối quyển 8 có cho biết thông tin: “Hòa thượng Vĩnh Nghiêm, thiền gia pháp chủ Bắc Kỳ lệnh khắc in 1 bộ 8 quyển Đại thừa bản sinh tâm địa quán kinh thuộc nước Nhật Bản. Mùa đông năm Ất Hợi triều Bảo Đại Hoàng Nam cử Tỳ-khưu tự Thanh Khái, tự Thanh Điện đến trường Bác Cổ, Hà Nội sao chép đem về. Đến ngày 18 tháng 4 năm Bính Tý (1936) hạ chữ san khắc. Đến nay tháng hè năm Đinh Sửu (1937) hoàn thành”. Hòa thượng Vĩnh Nghiêm ở đây chính là Hòa thượng Thanh Hanh, Thiền gia Pháp chủ Phật giáo Bắc Kỳ. Ngài là người viết hậu bạt cho bản in trên. Phần phương danh công đức cuối quyển hạ, mục “Thanh Hóa tỉnh Tăng giới tùy hỷ dĩ hạ” liệt kê danh sách 29 vị Tăng ủng hộ khắc ván. Hàng đầu tiên phần trên có hai vị Tăng cương như sau: “Chính Đại tự Tăng cương tự Quang Dương tam nguyên; Đào Viên tự Tăng cương tự Trừng Ngộ ngũ nguyên”(17). Tăng cương Quang Dương chùa Chính Đại và Tăng cương Trừng Ngộ chùa Đào Viên là hai vị Hòa thượng lớn của Phật giáo xứ Thanh. Chùa Chính Đại gọi theo tên xã đương thời, đúng ra là chùa Hàn Sơn nay thuộc huyện Nga Sơn. Vị Tăng cương chùa Đào Viên có tự là Trừng Ngộ, một tên khá lạ đối với chúng ta. Kiểm tra bia “Hành trạng bi chí” tại chùa Bảo Thọ cũ, thì năm 1936 Hòa thượng Viên Hải đã được ban chức Tăng cương trụ trì chùa Đào Viên. Trong khi đó, bản in Đại thừa bản sinh tâm địa quán kinh cùng thời gian trên, phương danh công đức ghi Tăng cương tự Trừng Ngộ chùa Đào Viên, Thanh Hóa. Chẳng lẽ chùa Đào Viên lúc đó có hai vị Tăng cương. Điều đó nghe ra thật vô lý. Chúng tôi cho rằng Hòa thượng Viên Hải có tự là Trừng Ngộ, Viên Hải chính là tên hiệu. Mỗi vị thiền sư thường có hai hoặc ba tên (húy, tự và hiệu). Ngoài Bắc lúc này, tên tự cũng chính là pháp danh, khác với miền Trung, phân biệt rõ ràng. Do vậy, chúng ta đồng nhất Trừng Ngộ và Viên Hải là một, tức chỉ vị Tăng cương chùa Đào Viên. Thông thường tên tự hay pháp danh được đặt theo chữ trong kệ phái, còn gọi là Tự bối. Hòa thượng ở chữ Trừng nên chúng tôi liên hệ đến kệ phái Liễu Quán, qua câu kệ “Tánh Hải thanh trừng”. Đó là câu thứ hai trong bài kệ của Hòa thượng Thiệt Diệu Liễu Quán.
Để mở rộng đối chiếu, chúng tôi còn tiếp cận tấm bia tháp chí của Hòa thượng Trừng Huệ Viên Minh (1875-1962) tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Mới đây, khi quay lại vườn tháp chùa Bổ Đà, chúng tôi thấy tấm bia đã bị vỡ thành ba mảnh. Hiện thiếu mất mảnh phía trên, lắp ghép thì nội dung còn lại như sau:
…(18)摩訶沙門法名澄慧字圓明禪師禪座下。
…八月十四日子時在中部承天省朱渚邑
寂壬寅年七月廿二戌牌河内舘使寺,壽八十七歲。
Dịch nghĩa:
Dưới thiền tọa của Đại Sa-môn pháp danh Trừng Huệ tự Viên Minh thiền sư... Ngài sinh giờ Tý ngày 14 tháng 8… tại ấp Châu Chữ, tỉnh Thừa Thiên, Trung Bộ. Tịch ngày 22 tháng 7 năm Nhâm Dần tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, thọ 87 tuổi.
Do bia bị vỡ nên chưa rõ năm sinh. Căn cứ năm tịch là năm Nhâm Dần (1962) cùng tuổi thọ 87, suy ra ngài sinh năm 1875. Hòa thượng Trừng Huệ Viên Minh gốc từ Huế, quê ở Châu Chữ, ra Bắc trước năm 1954, ở lại hành đạo tại chùa Quán Sứ. Căn cứ pháp danh và tên tự giữa hai vị Trừng Huệ Viên Minh và Trừng Ngộ Viên Hải, chúng ta đoán hai vị cùng huynh đệ. Do đó, sâu xa Hòa thượng Viên Hải thuộc Thiền phái Liễu Quán tại Huế. Ngài ra Thanh Hóa khá sớm, cùng thời với Hòa thượng Trừng Pháp Chơn Không chùa Đại Bi (Thanh Hóa). Giới đàn năm 1938 tại chùa Đại Bi, hai vị Trừng Ngộ Viên Hải và Trừng Huệ Viên Minh không thấy tên tham gia hội đồng thập sư. Do vậy, hai vị trên thuộc pháp hệ khác với pháp hệ chùa Từ Hiếu, Huế chăng?
Chúng tôi còn tìm được bản in Thiền lâm bảo huấn hợp chú (gồm 2 tập thượng hạ) do chùa Tế Xuyên (Hà Nam) trùng san năm Tân Tỵ (1941). Tại quyển thượng, có bài tựa trùng san do “Tăng cương Viên Hải chùa Sắc tứ Đào Viên, Thanh Hóa kính lễ soạn 清化敕賜桃園寺僧剛圓海熏沐敬書”(19). Niên đại bài tựa tháng 9 năm Canh Thìn (1940), Bảo Đại thứ 15. Lúc này, chùa Đào Viên được ban biển sắc tứ. Thông tin trên cho thấy chùa Đào Viên có vị trí quan trọng, nên được triều đình ban biển sắc tứ.
Căn cứ Truyền thụ Bồ-đề tâm giới điệp 傳受菩提心戒牒 ban cho đệ tử Lê Văn Hầu tự Tâm Kính vào ngày 10 tháng 10 năm Quý Mùi (1943), hàng cuối cùng có ghi: “Sắc tứ Đào Viên tự Tăng cương Hòa thượng Viên Hải…”(20). Đây là giới điệp cho chính Hòa thượng Viên Hải ban cấp cho vị đệ tử tại gia là Lê Văn Hầu, 60 tuổi, người quê xã Lộc Tuy, tổng Lạc Thiện, phủ Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ngài ban cho tên tự là Tâm Kính. Đây cũng chính là cơ sở để xác định ngài thuộc Thiền phái Liễu Quán. Ngài tên tự (pháp danh) Trừng Ngộ thì ban đệ tử pháp danh ở chữ Tâm trong câu kệ “Tánh hải thanh trừng, tâm nguyên quảng nhuận…”. Đây là tư liệu cuối cùng ghi chép về Hòa thượng Viên Hải. Hiện chúng tôi vẫn chưa tìm được năm sinh, năm tịch cùng quê quán của Hòa thượng.
Một vài nhận xét
Hòa thượng Viên Hải, tự Trừng Ngộ, thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 42, pháp phái Liễu Quán đời thứ 8. Ngài có thế danh Nguyễn Soạn, chưa rõ quê quán, chưa rõ năm sinh. Hòa thượng xuất gia tại Huế, do chưa tìm được điệp phái. Chúng tôi phỏng đoán ngài xuất gia tại chùa Thọ Đức với Hòa thượng Tâm An.
Ngài ra Thanh Hóa hành đạo cùng thời với Hòa thượng Trừng Pháp Chơn Không chùa Đại Bi. Khi Hội An Nam Phật học thành lập tại Huế, ngài tham gia phong trào Chấn hưng, từng được bầu vào Ban Chứng minh đạo sư tại tỉnh hội Thanh Hóa. Ngôi chùa Đào Viên trở thành đạo tràng thường xuyên thuyết pháp của các vị giảng sư trẻ từ Huế như Hòa thượng Mật Nguyện, Đôn Hậu. Ngài giao thiệp khá rộng, là người có tinh thần cải cách và chấn chỉnh sơn môn nên ngài đứng ra tổ chức hội cho chư Tăng xứ Thanh, nhằm làm cho Tăng chúng đoàn kết, hưng thịnh. Báo Đuốc Tuệ có đăng bài khen ngợi cách thức tổ chức do Hòa thượng Viên Hải thành lập.
Sau này ngài được mời tham gia Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Khi Hòa thượng Trung Thứ viên tịch, Hội Phật giáo Bắc Kỳ hội họp và đề cử ngài làm Phó Đốc giáo Ban Thiền học, thay Hòa thượng Tế Cát. Ngài còn được bầu Phó Hội trưởng 2 của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Có thời gian, Hòa thượng được mời ra chùa Quán Sứ để cùng lo công việc, nên phải cử Thượng tọa Tuệ Chiếu vào chăm sóc chùa Đào Viên. Sau năm 1945, hầu như không có tư liệu nào ghi chép về Hòa thượng Viên Hải, nên chúng tôi chưa rõ ngài viên tịch năm nào?
Trên đây là những sử liệu ghi chép về Tăng cương Viên Hải trụ trì chùa sắc tứ Đào Viên. Ngài có mối quan hệ với cụ Nguyễn Bá Trác, Tổng đốc Thanh Hóa nên được mới soạn bia cho Hòa thượng Huệ Duyệt chùa Bảo Thọ (Duy Xuyên, Quảng Nam). Đây là mối lương duyên của Hòa thượng với Phật giáo xứ Quảng, cũng là mối quan hệ giữa Phật giáo hai tỉnh thuở xưa. Một việc làm đơn giản nhưng lưu lại cho Phật giáo huyện Duy Xuyên một bảng hành trạng, với lời văn hay, cách viết của một vị cao tăng Phật giáo. Tấm bia còn dựng trên thân tháp ở vườn cũ chùa Bảo Thọ mà nay dấu vết của hai vị danh tăng đã phai mờ. Chúng con thuộc thế hệ sau, mong rằng sẽ tìm được nhiều tư liệu để phác họa hành trạng Hòa thượng Viên Hải, mong báo đền ân đức của Hòa thượng đối với Phật giáo Quảng Nam.
______
(Bài viết được hoàn thành nhờ sự cung cấp tư liệu của Đại đức Thích Như Tịnh, đạo hữu Phạm Văn Tuấn, Trần Thoan. Nhân đây xin tri ân quý vị).
(1)Xin tham khảo hai văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật và Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc được tạc trên vách đá hai động Hoa Nghiêm và Vân Phong. Hai bia ghi lại công đức xây dựng chùa chiền của Thiền sư Huệ Đạo Minh.
(2)Thiền Tâm thượng phẩm, quyển thượng, tự, tờ 1-3. Bản in năm 2010, dựa vào ván khắc chùa Vạn Đức, Hội An.
(3)“Hành trạng bi chí”, thác bản lưu tại chùa Ba Phong.
(4)Đuốc Tuệ, số 2, năm thứ nhất, 1935, trang 32.
(5)Đuốc Tuệ, số 9, năm thứ nhất, 1935, trang 24.
(6)Bài “Một phương pháp chấn hưng trong Tăng-già tại tỉnh Thanh Hóa” đăng trên Báo Đuốc Tuệ, số 169-170, 1941, trang 2.
(7)Xin tham khảo Châu bản “Bộ Lễ tư trình việc hai xã làm đơn xin phong cho Tăng trưởng Nguyễn Thanh Thịnh làm Hòa thượng” trong sách Châu bản triều Nguyễn (2003) do Tiến sĩ Lý Kim Hoa biên dịch, NXB.Văn hóa Thông tin, Hà nội, tr.949-952.
(8)Thích Như Tịnh (2008), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB.Phương Đông, tr.135.
(9)Lịch sử Phật giáo Thanh Hóa, NXB.Thanh Hóa, 2019, tr.443.
(10)Nguyệt san Viên Âm, số 47, năm 1941, trang 30.
(11)Đuốc Tuệ, số 180, 181, năm 1942, trang 2.
(12)Lịch sử Phật giáo Thanh Hóa, NXB.Thanh Hóa, năm 2019, trang 451.
(13)Nguyên văn: 清化省總督阮伯卓潤正。清化省桃園寺僧綱圓海奉草。
(14)Theo Tỳ-khưu giới sắc cấp cho giới tử Tỳ-khưu Thích Tâm Thông vào mùng 8 tháng 12 năm Kỷ Mão, triều Bảo Đại. Bản lưu tại chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định.
(15)Đuốc Tuệ, số 125, năm 1940, tr.28.
(16)Đại thừa bản sinh tâm địa quán kinh (2 quyển thượng, hạ): đầu sách có bài dẫn do Tỷ-kheo Thanh Hanh chùa Vĩnh Nghiêm soạn năm Bảo Đại thứ 10 (1935), tàng bản tại chùa Liên Trì, xã Quế Phương, tổng Quế Hải, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
(17)Đại thừa bản sinh tâm địa quán kinh, quyển 8, tờ 25a.
(18)Phần bị vỡ chưa tìm được tấm phía trên, nên mất một số chữ đầu ở hàng giữa và hàng năm sinh.
(19)Thiền lâm bảo huấn hợp chú, quyển 1, tự, tờ 2a. Sách lưu thư viện chùa Ba Phong (Quảng Nam).
(20)Bản giới điệp được in trên giấy sắc phong màu vàng, có vẽ rồng vân mây. Một số thông tin như niên đại, người thụ giới, quê quán và giới sư được sao tả vào bản in. Đây là bản giới điệp do chính Hòa thượng Viên Hải truyền giới. Chúng tôi sử dụng bản chụp do Đại đức Thích Như Tịnh cung cấp. Nhân đây xin tri ân.
Tài liệu tham khảo:
Thượng tọa Thích Tâm Đức (chỉ đạo biên soạn) (2017), Lịch sử Phật giáo Thanh Hóa, NXB.Thanh Hóa, Hà Nội.
Lý Kim Hoa (sưu tầm - biên dịch) (2003), Châu bản triều Nguyễn, Tư liệu Phật giáo quan các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, NXB.Văn Hóa Thông tin, Hà Nội.
Thích Như Tịnh (2008), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB.Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuần báo Đuốc Tuệ, số 2 (năm 1935), số 9 (năm 1935), số 180-181 (năm 1942), nhà in Đuốc Tuệ, Hà Nội.
Nguyệt san Viên Âm, số 47, năm 1941, Hội An Nam Phật học, Huế.
Đại thừa bản sinh tâm địa giới, quyển hạ, khắc in năm, chùa Liên Trì, xã Quần Phương, huyện Nam Trực, Nam Định tàng bản. Bản lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang.
Thiền tâm thượng phẩm, 3 quyển, in từ ván chùa Vạn Đức, Hội An. Bản lưu thư viện chùa Ba Phong.
Thiền lâm bảo huấn hợp chú, 2 tập, bản in năm Tân Tỵ (1941), chùa Bảo Khám, xã Tế Xuyên, Nam Xương, Hà Nam tàng bản. Bản lưu tại thư viện chùa Ba Phong.
Tỳ-khưu giới sắc, giới điệp của Hòa thượng Tâm Thông. Bản lưu tại chùa Vọng Cung, Nam Định.
Truyền thụ Bồ-đề tâm giới điệp, file ảnh từ Đại đức Thích Như Tịnh cung cấp.
Bia tháp chí của Hòa thượng Trừng Huệ Viên Minh, chùa Bổ Đà, Bắc Giang.
Thác bản Phổ Đà sơn linh trung Phật và Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc, bản lưu tại thư viện chùa Ba Phong, Quảng Nam.
Thác bản Hành trạng bi chí, lưu tại thư viện chùa Ba Phong, Quảng Nam.
NSGN 345.