Giáo hoàng Francis – Vị giáo hoàng của sự giản dị và lòng nhân ái
Giáo hoàng Francis đã để lại những thành tựu vô cùng vĩ đại trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Sinh ra tại Buenos Aires, thủ đô Argentina, vào ngày 17.12.1936, Jorge Mario Bergoglio – người sau này trở thành Giáo hoàng Francis – là con cả trong một gia đình gốc Ý nhập cư. Cha ông, ông Mario, là nhân viên kế toán làm việc trong ngành đường sắt, trong khi mẹ ông, bà Regina Sivori, toàn tâm chăm sóc gia đình và nuôi dưỡng năm người con.
Theo tiểu sử chính thức đăng tải trên trang web của Vatican, vị giáo hoàng tương lai từng học và tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học trước khi quyết định bước vào con đường tu trì. Sau khi gia nhập Dòng Tên, ông tiếp tục theo đuổi tri thức qua các môn triết học và thần học. Năm 1969, ông được thụ phong linh mục. Đến năm 1992, ông được Giáo hoàng John Paul II bổ nhiệm làm giám mục và sáu năm sau trở thành Tổng giám mục Buenos Aires.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2001 khi ông được vinh thăng hồng y. Tại mật nghị Hồng y năm 2005, ông tham gia cuộc bầu cử Giáo hoàng Benedict XVI. Tám năm sau, khi Giáo hoàng Benedict từ nhiệm, Hồng y Bergoglio được chọn là người kế nhiệm – trở thành vị giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Tên, người đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh, và cũng là vị giáo hoàng đầu tiên chọn tông hiệu Francis, để tôn vinh Thánh Francis xứ Assisi – biểu tượng của lòng bác ái và sự khiêm nhường.
Giáo hoàng của người nghèo
Từ lâu trước khi trở thành lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo, Đức Thánh cha Francis đã nổi bật bởi lối sống thanh bần và lòng tận tụy với người nghèo. "Tôi là một người trong số họ", ông từng nói. Khi còn là Tổng giám mục ở Buenos Aires, ông từ chối sống trong dinh thự xa hoa, chọn một căn hộ nhỏ đơn sơ gần nhà thờ chính tòa. Ông sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển và tự tay nấu nướng thay vì có tài xế và người giúp việc riêng. Ngay cả sau khi được phong hồng y, ông vẫn xin phép không đến Rome dự lễ mừng mà dùng toàn bộ số tiền đó để giúp đỡ người khó khăn.
Khi trở thành Giáo hoàng, Francis vẫn giữ nguyên lối sống giản dị. Ông không dọn đến Điện Tông tòa – nơi ở truyền thống của các giáo hoàng – mà tiếp tục cư trú tại nhà nghỉ Sanctae Marthae trong Vatican, nơi từng dành cho các hồng y trước mật nghị. Trong những tháng đầu tiên của triều đại, ông ban hành một tông huấn gây tiếng vang, kêu gọi xây dựng “Giáo hội nghèo khó của người nghèo”, nhấn mạnh rằng Giáo hội cần “mở tung cánh cửa” để bước ra thế giới, thay vì thu mình trong sự an toàn, bảo thủ.
“Tôi mong muốn một Giáo hội biết trải nghiệm nỗi đau, sự khốn khó và phong trần, hơn là một Giáo hội chìm đắm trong tiện nghi”, ông phát biểu, thể hiện quyết tâm cải cách không chỉ bằng lời nói mà qua hành động.
Một làn gió cải tổ
Triều đại của Giáo hoàng Francis được xem là khởi đầu của một kỷ nguyên cải cách trong lòng Giáo hội Công giáo. Ông nhấn mạnh rằng Giáo hội không thể chỉ là biểu tượng quyền lực ở Vatican mà phải hiện diện tại mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi nghèo khổ và bị lãng quên.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Vatican chứng kiến những thay đổi đáng kể trong cấu trúc quản trị: tái tổ chức các cơ quan nội bộ, tăng cường tính minh bạch tài chính và kỷ luật hành chính. Bên cạnh đó, ông cũng khuyến khích những cuộc thảo luận cởi mở về các vấn đề nhạy cảm, vốn từng bị coi là cấm kỵ trong Giáo hội.
Tuy nhiên, về mặt lập trường, Giáo hoàng Francis vẫn giữ quan điểm bảo vệ các giá trị truyền thống như phản đối phá thai và hôn nhân đồng tính. Những năm làm Tổng giám mục, ông từng xung đột với chính phủ Argentina, đặc biệt là Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, do bất đồng về vấn đề phân phát thuốc ngừa thai và hôn nhân đồng giới.
Dù vậy, ông lại rất tích cực trong đối thoại liên tôn và mối quan hệ liên tôn giáo. Ông tin rằng “Công giáo không phải là chuẩn mực văn hóa duy nhất” và khẳng định rằng sự hòa bình thế giới cần có sự hợp tác giữa các tôn giáo. Trong nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Hồi giáo, và đặc biệt là cuộc gặp mang tính lịch sử với Thượng phụ Kirill của Chính Thống giáo Nga tại Cuba vào năm 2016 – cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai giáo hội kể từ năm 1054.

Tiếc thương sự ra đi của Giáo hoàng
Hơn một thập kỷ đảm nhiệm vị trí đứng đầu Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Francis cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Khi còn trẻ, ông từng cắt bỏ một phần lá phổi do nhiễm trùng, dẫn đến những đợt viêm phế quản tái phát, đặc biệt nghiêm trọng vào mùa đông. Ông từng chia sẻ rằng một y tá đã cứu mạng mình khi mạnh dạn tăng liều thuốc điều trị vượt chỉ định.
Năm 2021, Giáo hoàng trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ 33 cm ruột do hẹp thành ruột. Đầu năm 2023, bệnh tái phát nhưng được kiểm soát. Cũng trong năm đó, ông hai lần nhập viện vì viêm đường hô hấp và phẫu thuật thoát vị thành bụng, đồng thời phải sử dụng xe lăn vì vấn đề dây chằng đầu gối.
Gần đây nhất, giữa tháng 2.2025, ông nhập viện Bệnh viện Gemelli điều trị viêm phế quản và trải qua tình trạng nguy kịch, theo thông báo của Vatican. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, ông đã hồi phục và xuất hiện tại một số sự kiện công cộng, cho thấy tinh thần kiên cường và lòng tận tụy không lay chuyển.

Đến ngày 21/4 (Giờ Việt Nam), truyền thông nước ngoài đưa tin Giáo hoàng Francis qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh tật. Sự ra đi của Đức Thánh Cha Francis là một mất mát lớn không chỉ đối với Giáo hội Công giáo, mà còn đối với toàn thế giới – nơi ông đã trở thành tiếng nói lương tâm cho hàng triệu con người, vượt ra ngoài mọi ranh giới tín ngưỡng và quốc gia.