Trăn trở về hòa bình của Giáo hoàng Francis
Tôi đã làm phá vỡ nghi thức bằng một cử chỉ xuất phát từ trái tim... 'Hãy sống trong hòa bình', tôi đã cầu xin họ như một người anh em.
Từ cuối những năm 1990 đến nay, chiến tranh ở Congo đã cướp đi sinh mạng của hơn năm triệu người. Đây là cuộc xung đột lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai: một vết thương chưa bao giờ được chữa lành trong suốt nhiều năm. Cùng với đó là sự can thiệp đáng xấu hổ của các tập đoàn đa quốc gia và các cường quốc nước ngoài, những cuộc đấu tranh sắc tộc vẫn tiếp tục đẫm máu, tranh chấp tài nguyên thiên nhiên và quyền lực.

Giáo hoàng Francis quỳ trước Thủ tướng Nam Sudan Salva Kiir. Ảnh: Vatican Media.
Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng, cùng với hàng triệu người tị nạn và di cư, là những nạn nhân của cuộc chiến ở Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới, nơi hiệp định hòa bình ký kết năm 2018 vẫn khó mà được thực thi đầy đủ. Hàng trăm nghìn người đã mất người thân và nhà cửa. Bao gia đình bị chia cắt và không bao giờ tìm lại được nhau. Bao đứa trẻ, người già, phụ nữ, nam giới phải chịu đựng những nỗi đau không thể diễn tả!
Tôi đã gặp tổng thống của họ, ông Salva Kiir Mayardit, khi tôi đến thăm Uganda năm 2015. Lúc đó, ông đã yêu cầu một cuộc gặp đột xuất, không có trong kế hoạch. Tôi đã tiếp ông vào ban đêm tại Kampala. Sau đó, vào tháng 4 năm 2019, tôi gặp lại ông ở Santa Marta, cùng với các phó tổng thống được chỉ định là Riek Machar, thủ lĩnh phe đối lập, và Rebecca Nyandeng De Mabior, góa phụ của lãnh đạo Nam Sudan John Garang, người đã chết trong chiến tranh. Cuộc gặp này là một buổi tĩnh tâm được tổ chức cùng với Tổng Giám mục Canterbury lúc bấy giờ, Justin Welby, và người điều hành Giáo hội Trưởng lão Scotland, John Chalmers.
Cuối buổi gặp, tôi đã làm phá vỡ nghi thức bằng một cử chỉ xuất phát từ trái tim, tôi quỳ xuống và hôn chân tất cả các lãnh đạo Nam Sudan. “Hãy sống trong hòa bình,” tôi đã cầu xin họ như một người anh em.