Giáo dục truyền thống yêu nước trong học sinh

Những ngày tháng Tư lịch sử, các trường học trên địa bàn huyện Hạ Hòa nô nức tổ chức hoạt động ngoại khóa để kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thiếu niên và nhi đồng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, thúc đẩy các em tiếp tục phấn đấu học tập và rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, tiếp bước dựng xây quê hương.

Hội viên cựu chiến binh kể chuyện ôn lại truyền thống 50 năm giải phóng miền Nam cho học sinh Trường THCS thị trấn Hạ Hòa.

Hội viên cựu chiến binh kể chuyện ôn lại truyền thống 50 năm giải phóng miền Nam cho học sinh Trường THCS thị trấn Hạ Hòa.

Tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện, việc giáo dục truyền thống yêu nước được thực hiện dưới nhiều hình thức và sáng tạo, phù hợp với lứa tuổi của các em. Các thầy, cô giáo đã khéo léo lồng ghép các câu chuyện lịch sử, những tấm gương anh hùng, những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam vào các bài giảng, giờ học. Qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn về quá trình đấu tranh gian khổ nhưng đầy oanh liệt của cha ông ta để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam là một cơ hội quý báu để các trường học tăng cường giáo dục về giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Nhiều trường đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, chiếu phim tư liệu, kể chuyện truyền thống, tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của ngày 30/4.

Cùng với các hoạt động trên lớp, nhiều trường học trong huyện cũng chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhằm tạo sân chơi bổ ích và lý thú cho các em, đồng thời giúp các em tiếp thu kiến thức lịch sử một cách tự nhiên và sinh động. Cuối tháng 3 vừa qua, Trường Tiểu học Vĩnh Chân đã tổ chức cho hơn 500 học sinh đi học tập, tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam- 1 trong 6 bảo tàng lớn nhất của cả nước. Nơi đây hiện lưu giữ hơn 15 vạn tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử to lớn, trong đó trưng bày 4 bảo vật quốc gia: Hai chiếc máy bay MiG-21, bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843- gắn liền với sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975.

Thầy giáo Trần Mạnh Thắng- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Các em học sinh rất thích thú tìm hiểu về không gian và ý nghĩa, câu chuyện gắn với các hiện vật được trưng bày tại đây. Mỗi hiện vật đều mang trong mình câu chuyện về một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc ta, lan tỏa những giá trị cao quý về tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Chuyến tham quan học tập tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam không chỉ mang đến cho các em một kho tàng kiến thức lịch sử sống động mà còn giúp các em thấu hiểu sâu sắc hơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Đây là hình thức giáo dục truyền thống yêu nước bằng trực quan thực tế sinh động, giúp các em dễ hiểu và ghi nhớ”.

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Chân tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Chân tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Cũng trong tháng 4 này, các trường: Tiểu học Minh Côi, Tiểu học thị trấn Hạ Hòa, Tiểu học Văn Lang, Tiểu học Ấm Hạ, THCS Hương Xạ, THCS Phụ Khánh, THCS thị trấn Hạ Hòa... cũng đồng loạt tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam. Tại các buổi ngoại khóa, các em được tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu về cuộc sống của các chiến sĩ cách mạng, nghe các cựu chiến binh kể chuyện về những năm tháng chiến đấu oanh liệt để giành toàn thắng, thống nhất đất nước. Dưới hình thức sân khấu hóa, các em còn được hóa thân thành các nhân vật lịch sử, tái hiện các trận đánh nổi tiếng, thể hiện tài năng diễn xuất và kiến thức lịch sử phong phú. Các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước trong trường học ở Hạ Hòa không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, mà còn góp phần bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng.

Đồng chí Phạm Ngọc Diễm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Chúng tôi mong rằng, qua những hoạt động này, các em sẽ hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Từ đó, có ý thức học tập, rèn luyện tốt để trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương Hạ Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đó là sự tiếp nối truyền thống, là niềm tin và hy vọng vào một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc”.

Sơn Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc-truyen-thong-yeu-nuoc-trong-hoc-sinh-231402.htm
Zalo