Giáo dục tình yêu biển đảo trong học sinh

Giáo dục học sinh các kiến thức về chủ quyền biển, đảo là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần giúp các em hiểu rõ hơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo quốc gia. Thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh và các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thầy và trò Trường Tiểu học Tam Sơn cùng trò chuyện bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa được đặt trong khuôn viên sân trường.

Thầy và trò Trường Tiểu học Tam Sơn cùng trò chuyện bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa được đặt trong khuôn viên sân trường.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Phòng GD&ĐT phối hợp cùng Huyện đoàn Cẩm Khê chỉ đạo lực lượng đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn hỗ trợ trường học trên địa bàn xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa trong khuôn viên nhà trường. Từ nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng, đến nay toàn huyện đã xây dựng 43 mô hình cột mốc Trường Sa tại các trường học. Những cột mốc này không chỉ là biểu tượng của chủ quyền biển đảo Việt Nam, mà còn là “giáo cụ trực quan” giúp học sinh hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của quần đảo thiêng liêng. Mỗi mô hình cột mốc quần đảo Trường Sa đều được đặt ở vị trí trang trọng trước sân trường, phía trên cột mốc ghi đầy đủ thông tin về kinh độ, vĩ độ đặt kèm dòng chữ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.

Tại Trường Tiểu học Tam Sơn, mô hình cột mốc được đặt ngay trung tâm sân trường, trở thành nơi tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, lễ chào cờ và các hoạt động tuyên truyền về biển đảo. Những năm học qua, nhà trường đã chú trọng triển khai hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo thông qua các tiết học, các hoạt động ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, giúp học sinh nâng cao hiểu biết, tự hào và có trách nhiệm đối với chủ quyền biển, đảo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Địch Hùng- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã tổ chức một số hoạt động ngoại khóa giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh lồng ghép vào hoạt động chào mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và ngày hội Quốc phòng toàn dân. Tháng Ba vừa qua, nhà trường cũng lồng ghép hoạt động giáo dục, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo trong tiết sinh hoạt dưới cờ cho hơn 430 học sinh. Đồng thời thông qua các môn học: Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Đạo đức... giáo viên bộ môn bồi đắp thêm kiến thức về tiềm năng của biển, đảo; khơi dậy trong các em tình yêu và trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giúp các em bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc”.

Học sinh Trường Tiểu học Tạ Xá 1 thi vẽ tranh về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Học sinh Trường Tiểu học Tạ Xá 1 thi vẽ tranh về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Cùng với việc xây dựng cột mốc chủ quyền, từ đầu năm học đến nay, các trường học trong huyện đã tổ chức trên 150 buổi ngoại khóa với chủ đề “Học sinh Cẩm Khê hướng về biển, đảo yêu thương”, “Xuân biên giới”, “Tết hải đảo” thu hút đông đảo giáo viên và trên 30.000 học sinh tham gia. Thông qua các hoạt động như: Triển lãm tranh ảnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ và vẽ tranh về biển, đảo; cán bộ, giáo viên và học sinh viết thư, vẽ tranh động viên bộ đội hải quân đang ngày đêm canh giữ ngoài đảo xa, xem phóng sự về đời sống của ngư dân và chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, tham gia trò chơi ghép bản đồ Việt Nam... giúp các em hiểu hơn về sự hy sinh của các chú bộ đội và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ biển đảo quê hương.

Đồng chí Hà Bích Phương - Bí thư Huyện đoàn Cẩm Khê cho biết: “Chúng tôi mong muốn mỗi học sinh đều mang trong mình tình yêu Tổ quốc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo và sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Đó chính là nền móng vững chắc để thế hệ trẻ hôm nay nâng cao nhận thức về việc bảo vệ chủ quyền quốc gia được thể hiện bằng những việc làm gần gũi, thiết thực”.

Những cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ là biểu tượng mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi học sinh trong việc giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Thời gian tới, các trường học trong huyện sẽ tiếp tục mở rộng các mô hình giáo dục trực quan, tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế và phối hợp với các đơn vị hải quân để đưa học sinh đến gần hơn với biển đảo quê hương. Đây sẽ là những bước đi dài hơi, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết cho tương lai của đất nước.

Sơn Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc-tinh-yeu-bien-dao-trong-hoc-sinh-232476.htm
Zalo