Giáo dục mũi nhọn: Khát vọng vươn xa
Thời gian qua, ngành Giáo dục Bắc Giang liên tiếp gặt hái nhiều thành tựu, khẳng định vị thế trên 'bảng vàng' thành tích giáo dục cả nước. Đây là nền tảng góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Không ngừng nỗ lực
Năm 2024 đánh dấu thành công của ngành Giáo dục Bắc Giang với nhiều giải thưởng cao quý trên đấu trường trí tuệ khu vực và quốc tế. Đây là kỳ tích bởi chưa có tỉnh, TP nào trên cả nước trong một năm học có 3 học sinh đoạt 3 Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic quốc tế. Kết quả này đóng góp vào thành tích chung của quốc gia, khẳng định vị thế của học sinh Bắc Giang trong các kỳ thi danh giá nhất thế giới.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: “Ngành luôn đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu và triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, tăng cường cơ sở vật chất, ưu tiên dành nguồn lực cho giáo dục mũi nhọn. Ở các bộ môn, cấp học hình thành đội ngũ giáo viên nòng cốt giỏi chuyên môn, vững vàng nghiệp vụ, ứng dụng hiệu quả công nghệ trong giảng dạy. Theo đó, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, tạo tiền đề vững chắc cho giáo dục mũi nhọn phát huy hiệu quả”.
Tiếp tục nâng cao vị thế của giáo dục Bắc Giang, tháng 9/2024, Sở GD&ĐT thành lập 12 đội tuyển với 120 học sinh. Các em tập trung cao ôn luyện chuyên sâu, mở rộng kiến thức, tham dự kỳ thi HSG quốc gia tổ chức vào cuối tháng 12.
Ngành Giáo dục Bắc Giang thực hiện chủ trương ưu tiên thầy giỏi cho các lớp chất lượng cao, nơi cần tập trung cải thiện công tác giáo dục. Nhờ làm tốt việc xây dựng đội ngũ, nhiều trường học cải thiện rõ rệt về chất lượng giáo dục. Các trường THCS, THPT đều thành lập đội tuyển học sinh giỏi (HSG) cấp trường. Tháng 9 hằng năm, tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang, Sở GD&ĐT tổ chức tuyển chọn thí sinh vào đội tuyển HSG quốc gia. Các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều có thể cử học sinh tham dự. Chương trình, nội dung ôn luyện HSG quốc gia do Trường THPT Chuyên Bắc Giang đảm nhiệm.
Thầy Trần Duy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đội ngũ giáo viên giảng dạy đội tuyển HSG thường xuyên được cập nhật trình độ giáo dục các nước trong khu vực, thế giới cả về lý thuyết và thực nghiệm. Ở các môn chuyên, giáo viên xây dựng các chuyên đề giảng dạy theo cấp độ HSG quốc gia, khu vực, quốc tế”. Trong chương trình bồi dưỡng, Sở GD&ĐT mời một số chuyên gia đầu ngành về giảng dạy, bổ sung kiến thức mới, kiến thức chuyên sâu, đặc biệt ở các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật phát triển có những thành tựu mới ứng dụng vào cuộc sống. Trong các buổi chuyên gia giảng bài, học sinh và giáo viên dạy đội tuyển, giáo viên bộ môn tham gia học để cùng tiếp nhận, củng cố kiến thức chuyên sâu.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Đóa, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, giáo viên trực tiếp giảng dạy đội tuyển Vật lí trong nhiều năm học có học sinh đoạt huy chương khu vực và quốc tế chia sẻ: “Là giáo viên bồi dưỡng đội tuyển, tôi chú trọng phát hiện tố chất của học sinh qua từng giờ dạy, đánh giá các em ở những bài tập khó, bài tập mới để có hướng tiếp tục bồi dưỡng, giúp các em tiếp cận, giải quyết được nội dung của kỳ thi quốc gia, quốc tế”.
Để chương trình bồi dưỡng giáo dục mũi nhọn phát triển bền vững, có sự kế thừa, Sở GD&ĐT chỉ đạo Trường THPT Chuyên Bắc Giang đưa những chuyên đề bồi dưỡng HSG xuống bậc THCS để các em trong đội tuyển tiếp cận các mảng kiến thức rộng hơn nhằm nâng chất lượng giáo dục mũi nhọn bậc THCS. Nhờ phương án bồi dưỡng này, nhiều học sinh lớp 10, lớp 11 của tỉnh Bắc Giang đã được lựa chọn vào đội tuyển tham dự kỳ thi HSG quốc gia, trong khi kỳ thi chủ yếu dành cho các em lớp 12.
Không dừng lại ở thành tích đã đạt được, giáo viên dạy đội tuyển luôn khuyến khích học sinh lớp 10, lớp 11 đã tham dự kỳ thi HSG quốc gia năm học trước tiếp tục tham gia ở năm sau để tạo đà bứt phá thành tích. Như các em Thân Thế Công, Trương Phi Hùng, Giáp Vũ Sơn Hà, học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang niên khóa 2021-2024 đều là những học sinh đoạt giải Nhất tại kỳ thi HSG quốc gia từ khi học lớp 11. Năm học lớp 12, các em lại tiếp tục giành giải Nhất tại kỳ thi HSG quốc gia, được chọn vào đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, khẳng định được năng lực vượt trội bằng những tấm Huy chương Vàng danh giá nhất thế giới.
Tập trung nâng chất lượng mũi nhọn, 9 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều chọn một cơ sở giáo dục bậc THCS để xây dựng trường trọng điểm. Riêng TP Bắc Giang xây dựng 2 trường THCS là Lê Quý Đôn và Tân Tiến. Các trường đã có sự thay đổi lớn về cơ sở vật chất, cảnh quan học đường, chất lượng giáo dục. Những trường trọng điểm đều có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi HSG các cấp, tỷ lệ học sinh đỗ vào hệ thống các trường THPT chuyên trong và ngoài tỉnh cao. Có thể kể đến các trường có thành tích nổi trội như: THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang), THCS thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên)...
Động lực bứt phá
Từ công tác bồi dưỡng HSG, ngành Giáo dục Bắc Giang đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Với khát vọng vươn xa, trên nền tảng giáo dục đại trà, ngành tập trung cao đổi mới phương thức lựa chọn, bồi dưỡng HSG bảo đảm liên thông, chuyển tiếp giữa các cấp học, phát huy khả năng sáng tạo, tiếp cận với kiến thức mới từ nền tảng kiến thức chuyên sâu. Trong quá trình ôn luyện, thầy cô giáo luôn tạo cho học sinh tâm lý tự tin, đặt mục tiêu quyết tâm đạt kết quả cao.
Cô giáo Ngô Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) bộc bạch: “Dạy học môn nào cũng vậy, điều quan trọng nhất là làm cho các em yêu thích môn học, tạo môi trường học tập thân thiện, khơi dậy hứng thú của học trò với môn học ấy. Dạy HSG thì trò học, thầy cũng phải học, đặc biệt phải dạy cho các em phương pháp tiếp cận vấn đề, tự học, tự nghiên cứu chuyên sâu, chú trọng tìm hiểu kiến thức mới”.
Tỉnh Bắc Giang quan tâm khích lệ, động viên khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc, tạo động lực phấn đấu. UBND các huyện, thị xã, TP có cơ chế ưu đãi giảm số lượng tiết giảng đại trà, tăng thù lao giờ dạy đội tuyển, chú trọng bồi dưỡng, tạo nguồn, ưu tiên bổ nhiệm giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng HSG vào các vị trí quản lý. Với cách làm này, kết quả bồi dưỡng HSG có chuyển biến rõ nét từ khu vực trung tâm đến vùng miền núi, khó khăn.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện hiệu quả đề án “Nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm đồng bộ, hiện đại, phù hợp cho việc thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Huy động các nguồn lực đầu tư thư viện sách và thư viện số cho các đội tuyển HSG quốc gia. Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, TP tập trung xây dựng nguồn học sinh chất lượng cao, tạo nguồn tuyển chọn HSG cho Trường THPT Chuyên Bắc Giang từ bậc THCS.
Các trường THCS làm tốt công tác phân luồng, dạy học phân hóa để phát hiện năng lực và bồi dưỡng HSG. Sở GD&ĐT quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, tăng cường các hoạt động sinh hoạt và giao lưu chuyên môn với các tỉnh bạn, đặc biệt là các tỉnh, TP có giáo dục mũi nhọn tốp đầu cả nước, tích cực nghiên cứu, học tập mô hình giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước.