Giáo dục mầm non 'lấy trẻ làm trung tâm'
Giáo dục mầm non, bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành nhân cách và phát triển thể chất, tinh thần của trẻ. Vì thế, việc đổi mới giáo dục mầm non là một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng hàng đầu.

An Giang thực hiện tốt việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
Ngành giáo dục và đào tạo An Giang đã và đang nỗ lực triển khai Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”. Qua 5 năm thực hiện, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và sự xuống cấp của cơ sở vật chất trong năm học 2021 - 2022, nhưng với sự quyết tâm cao của toàn cấp học, việc thực hiện chuyên đề tại An Giang đã mang lại rất nhiều kết quả. Những nỗ lực đầu tư xây mới, cải tạo khuôn viên, thiết kế môi trường giáo dục và ứng dụng các mô hình giáo dục tiên tiến đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của giáo dục mầm non tỉnh nhà.
Về tỷ lệ huy động trẻ, An Giang đã đạt được tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp hơn 87%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ trẻ mầm non học 2 buổi/ngày gần 80%, cho thấy sự tin tưởng của phụ huynh vào chất lượng giáo dục tại các cơ sở mầm non. Về chất lượng trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại An Giang đạt hơn 60% (105/176 trường, tương đương 59,7%).
Cùng với đó, cơ sở vật chất và môi trường giáo dục được cải thiện rõ rệt. Đa số các trường mầm non đã được đầu tư xây dựng phòng học, các phòng chức năng khang trang, với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chuyên đề đạt hiệu quả cao. Môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học được đầu tư, quy hoạch theo hướng tận dụng tối đa không gian để trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt và sáng tạo. Việc thiết kế các mô hình chơi theo hướng tích hợp đã giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tư duy, năng lực cá nhân và kỹ năng sống. Đồ dùng, đồ chơi được thiết kế theo hướng mở, một số trường còn trang bị đồ dùng, đồ chơi theo hướng tiếp cận phương pháp giáo dục STEAM, giúp trẻ hình thành các kỹ năng vận dụng vào cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên và hiệu quả.
Tiêu biểu về việc khai thác mô hình theo hướng phát huy tính tích cực cho trẻ tại An Giang là tại Trường Mầm non Hoa Phượng (TP. Long Xuyên). Mô hình thiết kế góc mở của trường đã thành công trong việc gắn kết kiến thức với thực tiễn cuộc sống. Trường đã tận dụng không gian sân trường để tạo ra các mô hình khám phá đầy ý nghĩa, giúp trẻ tiếp xúc và khám phá thiên nhiên, thế giới xung quanh. Trong đó, điển hình là hoạt động “biển và bé”. Tại đây, trẻ có cơ hội trải nghiệm và khám phá, hòa mình với thiên nhiên, nắng gió và cát thông qua các hoạt động: Cùng bạn bè dựng lều cắm trại, khơi gợi trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo. Đồng thời, mang lại không khí vui tươi, sôi nổi nhưng vẫn an toàn, dễ kiểm soát trong môi trường ngoài lớp học, giúp trẻ có thêm niềm vui và tình cảm với cô và bạn bè.
Với những thành quả đã đạt được, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Bình Thư đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình điểm về trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đạt hiệu quả trong giai đoạn 2021 - 2025 trên phạm vi toàn tỉnh; nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong công tác quản lý và thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để huy động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng cho trẻ em mầm non và tăng cường điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.