Giáo dục lòng biết ơn bằng việc làm cụ thể

Không chỉ là lời nói, các nhà trường còn giáo dục học sinh về lòng biết ơn qua những việc làm thiết thực...

Trường THCS Tây Mỗ tặng quà tri ân các thế hệ cựu giáo chức. Ảnh: TG

Trường THCS Tây Mỗ tặng quà tri ân các thế hệ cựu giáo chức. Ảnh: TG

Biết ơn từ điều giản dị

Cô Lê Thị Kim Thư - Hiệu trưởng Trường THCS An Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) cho rằng, trong thời đại ngày nay, lòng biết ơn không chỉ thể hiện ở những điều to lớn, cao xa mà chính là những điều giản dị, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Với lứa tuổi học sinh, ngoài công tác chuyên môn, nhà trường luôn chú trọng giáo dục kỹ năng sống cũng như cách ứng xử để các em phát triển toàn diện về nhân cách.

Thời gian qua, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để tạo cơ hội cho học trò thể hiện sự tri ân thầy cô; mời cựu chiến binh về nói chuyện truyền thống nhân dịp 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12; thăm và tặng quà tri ân cho các thương bệnh binh là nhà giáo thuộc xã An Tiến trong ngày 27/7 hoặc Ngày sinh nhật Bác 19/5, Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh 15/5… để các em thấy được giá trị của lòng biết ơn.

“Với hơn 500 học sinh đang theo học, chúng tôi tích cực xây dựng Trường học hạnh phúc với phương châm yêu thương và chia sẻ. Trong tiến trình đó, nhà trường giáo dục học sinh về lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, những người có công với đất nước bằng nhiều việc làm cụ thể. Mục tiêu để các em hiểu rõ hơn bổn phận của mình với các bậc sinh thành cùng thế hệ đi trước, từ đó có hành động đúng đắn, lan tỏa tinh thần học tập tích cực”, cô Thư chia sẻ.

Với trẻ mầm non, giáo dục lòng biết ơn cần khéo léo và với thời lượng phù hợp. Bày tỏ quan điểm, cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (Hoàng Mai, Hà Nội) đồng thời thông tin: Dịp chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, trẻ ở các lớp được cô giáo hướng dẫn vẽ tranh bích báo thể hiện tình yêu thương các cô dành cho mình.

Trong chương trình Chào mừng ngày 22/12/2024, gần 500 trẻ được tham gia trải nghiệm làm “Chiến sĩ tí hon”. Trong trang phục màu xanh áo lính với mũ tai bèo cùng nhịp bước quân hành do cô giáo chỉ huy, từng lớp lần lượt diễu hành xung quanh sân trường và tham gia các trò chơi vận động tập làm chú bộ đội.

Còn theo cô Ngô Thị Hồng Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông, Hà Nội), nền tảng giáo dục truyền thống của người Việt Nam là lòng biết ơn. Đây chính là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Bởi vậy, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” luôn được răn dạy để hình thành giá trị sống nhân văn, ứng xử có văn hóa.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống, trẻ em ngày nay thường chiếm vị trí trung tâm, được yêu thương, chiều chuộng, muốn gì được nấy. Nhiều trẻ hình thành lối sống ích kỷ, chỉ biết yêu cầu, nhận mà không biết hồi báo, càng không biết quan tâm và biết ơn người khác. Hệ lụy sẽ hình thành một lớp trẻ sống vô cảm, thiếu trách nhiệm. Vì vậy, giáo dục cho trẻ về lòng biết ơn vô cùng quan trọng ở mỗi gia đình, nhà trường.

“Trong năm học, nhà trường mời diễn giả/chuyên gia giáo dục về giao lưu, nói chuyện về thực hành lòng biết ơn, hình thành lối sống trách nhiệm vào dịp 20/10 hay 20/11. Qua những câu chuyện thực tế, học sinh càng thấu hiểu được sự may mắn của mình khi có mặt trên cõi đời này để thêm trân trọng những gì đang có, trong đó có tình yêu thương mà cha mẹ/thầy cô dành cho”, cô Lương nói.

 Học sinh Trường THCS An Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) bày tỏ lòng biết ơn bằng cái ôm thật chặt mẹ mình. Ảnh: TG

Học sinh Trường THCS An Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) bày tỏ lòng biết ơn bằng cái ôm thật chặt mẹ mình. Ảnh: TG

Lan tỏa tinh thần nhân ái

Tại Trường Tiểu học & THCS Xanh Tuệ Đức (Thanh Oai, Hà Nội), các hoạt động thực hành biết ơn và kết nối yêu thương được nhà trường tổ chức như: Rửa chân cho cha mẹ; học sinh cùng phụ huynh, thầy cô viết những lời nhắn vào thiệp thông điệp biết ơn để trao tặng và lan tỏa điều tốt đẹp; học sinh phụ giúp lau dọn nhà ăn, nhà vệ sinh thông qua thực hành biết ơn bác lao công, nhặt rác thể hiện biết ơn môi trường sống...

Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Tâm nhấn mạnh, càng biết ơn thì chúng ta đón nhận càng nhiều những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Khi trái tim đầy ắp sự biết ơn là đang mở cửa để đón nhận hạnh phúc. Hãy hành động, từ những điều đơn giản nhất, đôi khi chỉ một nụ cười, ánh mắt, câu cảm ơn hay hành động tử tế dù rất nhỏ như tiết kiệm nước, bỏ rác đúng chỗ, không lãng phí đồ ăn để biết rằng ta đang hạnh phúc vì được cho đi và lan tỏa những điều tốt đẹp, yêu thương đến cuộc sống.

Tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội), trong hè 2024, đội tình nguyện nhận công trình thanh niên dọn vệ sinh khu tượng đài anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thụ hằng tuần. Ngày 7/1/2024, thầy trò nhà trường (chủ yếu là cựu học sinh) ủng hộ hai trường tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn) hơn 300 triệu đồng để mua sách vở, hàng hóa nhu yếu phẩm.

“Đầu năm học 2024 - 2025, các thầy cô và học sinh giúp đỡ 51 học trò nghèo mỗi cháu 2 triệu đồng và miễn giảm các khoản học phí. Dịp Tết cổ truyền 2025, trường tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn vui xuân đón Tết với phương châm không để học sinh nào không được học vì không có tiền. Những hành động này nhằm cụ thể hóa lòng biết ơn và lan tỏa tinh thần nhân ái cho các em”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phi chia sẻ.

Trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THCS Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào tháng 12/2024, nhà trường cùng cựu học sinh đã ủng hộ quỹ khuyến học tại trường; tặng quà tri ân tới các thế hệ cựu giáo chức, gia đình có thân nhân là thương binh/liệt sĩ trên địa bàn phường nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Thanh Hương khẳng định, đó chính là việc làm thiết thực, cụ thể để giáo dục lòng biết ơn cho học sinh.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-long-biet-on-bang-viec-lam-cu-the-post714671.html
Zalo