Công bằng với chứng chỉ ngoại ngữ
Một trong những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025 là chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp, nhưng không được quy đổi thành điểm 10 khi xét công nhận tốt nghiệp như trước đây.
Trước quy định mới nói trên, không chỉ phụ huynh mà các giáo viên cũng bày tỏ sự đồng tình. TS Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường THPT Mai Hắc Đế (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được sử dụng để miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không còn được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp là hợp lý. Điều này không chỉ tiếp tục khuyến khích học sinh học ngoại ngữ, mà còn hướng tới sự công bằng hơn trong việc xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trước đây, việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 đã gây ra một số tranh cãi, khi học sinh đạt chứng chỉ IELTS 4.0 cũng được quy đổi thành điểm 10 tương đương với học sinh đạt IELTS 8.5.
Phân tích của các chuyên gia giáo dục, sau nhiều năm thực hiện, việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã dần bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về sự công bằng giữa các thí sinh cùng sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ nhưng trình độ khác nhau. Thực tế cho thấy, đối với các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế còn hạn chế so với học sinh ở thành phố. Vì lẽ đó, quy định mới giúp xóa bỏ những hạn chế trên, đảm bảo việc xét công nhận tốt nghiệp được bình đẳng hơn cho tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh hay khu vực sinh sống.
Theo các thầy cô giáo, ở trung tâm TP Hà Nội hay các thành phố lớn khác thì các trung tâm ngoại ngữ rất nhiều, học sinh được tiếp cận cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn việc học sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ như Tiếng Anh hay Tiếng Trung, Tiếng Nhật cũng khá hiếm. Hiện nay, các nhà trường đều chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là ở bộ môn Tiếng Anh, có nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Do đó, thay vì chạy theo các trung tâm ngoại ngữ để thi lấy chứng chỉ dẫn tới áp lực, tốn kém, học sinh chỉ cần chú tâm học ngoại ngữ ở trường là hoàn toàn có thể đạt điểm cao môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT – nếu các em chọn tiếng Anh là một trong 2 môn thi còn lại.
Hiện còn có những băn khoăn đặt ra rằng, khi chứng chỉ ngoại ngữ chỉ còn được sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT như trước đây có thể làm mất đi động lực học ngoại ngữ của học sinh. Cô Ái Nhật - Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Phú Bài (TP Huế) phân tích, quy định mới hướng tới công bằng hơn trong xét tốt nghiệp nhưng vẫn tiếp tục khuyến khích việc dạy học ngoại ngữ. Cụ thể, việc vẫn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi tốt nghiệp sẽ khuyến khích học sinh nhận thức vai trò của ngoại ngữ trong xu thế hội nhập. Từ đó có kế hoạch rèn luyện, phát triển các kỹ năng, đón đầu công việc hoặc học tập cao hơn trong tương lai.
Trước đó, ở mùa tuyển sinh 2024 nhiều người nêu quan điểm tuyển sinh đại học (ĐH) bằng chứng chỉ ngoại ngữ dẫn đến mất công bằng trong tuyển sinh; ngoại ngữ chỉ là một năng lực, không thể thay thế các năng lực khác; có hay không lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh ĐH; liệu có bỏ chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh 2025 hay không…
TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết: Các trường ĐH được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển đầu vào hay không thuộc quyền của các trường. Tuy nhiên, xu hướng chung là sẽ không trường ĐH nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh. Cũng theo bà Phương, theo quy định hiện hành, để tốt nghiệp ĐH, sinh viên bắt buộc phải có chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Có trình độ ngoại ngữ sẽ mở rộng cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập. Qua thống kê cho thấy, những sinh viên làm chủ ngoại ngữ sau khi ra trường có mức lương cao hơn những sinh viên trình độ ngoại ngữ kém. Vì thế, xu hướng xét tuyển ĐH bằng chứng chỉ ngoại ngữ sẽ tiếp tục được sử dụng.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), phương thức xét tuyển ĐH bằng chứng chỉ ngoại ngữ tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn và phù hợp với tiêu chuẩn đầu ra của các trường ĐH. Với một số ngành có yêu cầu cao về năng lực tiếng Anh như: Chương trình liên kết quốc tế; Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh…, việc xét tuyển phương thức này hoàn toàn phù hợp.