Giáo dục gia đình cần thích nghi với thời đại

Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc lệ thuộc vào công nghệ quá mức có thể khiến sự gắn kết của gia đình bị lung lay, thậm chí 'đứt gãy' mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Bữa ăn giúp các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn. (Ảnh: Thu Hảo)

Bữa ăn giúp các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn. (Ảnh: Thu Hảo)

Trong dòng chảy không ngừng của xã hội hiện đại, nơi mà công nghệ phát triển từng ngày, lối sống thay đổi chóng mặt đã tạo ra những làn sóng ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và chức năng của gia đình. Vậy trong bối cảnh ấy, gia đình còn giữ được những giá trị cốt lõi nào cho phù hợp với thực tại?

Công nghệ "len lỏi" vào gia đình

Trước đây, gia đình thường được hiểu là một mô hình truyền thống gồm cha mẹ và con cái sống chung dưới một mái nhà, thì ngày nay, định nghĩa ấy đã trở nên đa dạng và linh hoạt hơn. Nhưng điều quan trọng không phải là hình thức, mà là sự hiện diện của tình yêu thương, sự sẻ chia và trách nhiệm giữa các thành viên. Chính sự thay đổi này cho thấy gia đình không còn bị bó hẹp trong những khuôn mẫu cố định, mà được hiểu là một môi trường nuôi dưỡng cảm xúc, đạo đức và nhân cách, nơi mỗi người tìm thấy sự an toàn, thấu hiểu và tôn trọng.

Những giá trị như lòng nhân ái, sự trung thực, trách nhiệm được gieo trồng đầu tiên từ trong gia đình, sau đó mới lan tỏa ra cộng đồng. Một xã hội có nhiều gia đình hạnh phúc, bền vững là nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện. Dù xã hội có thay đổi đến đâu, gia đình vẫn giữ một vai trò không thể thay thế trong sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

"Sự phát triển nhanh chóng của thời đại số đã đặt ra nhiều thách thức đối với văn hóa ứng xử gia đình ở Việt Nam. Việc giáo dục con từ nhỏ về tầm quan trọng của gia đình sẽ giúp chúng hiểu rằng, gia đình là nền tảng vững chắc cho sự phát triển cá nhân. Cha mẹ nên kể về các câu chuyện gia đình, truyền đạt những giá trị truyền thống tốt đẹp để con cái hiểu và trân trọng".

Trong mọi hoàn cảnh, gia đình luôn là cái nôi đầu tiên hình thành nhân cách con người. Nơi đây, mỗi người học được những giá trị đạo đức cơ bản, cách yêu thương, tôn trọng, chia sẻ và đối diện với khó khăn. Một gia đình hòa thuận, yêu thương sẽ tạo ra một môi trường an toàn và tin cậy, giúp cá nhân phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Gia đình thời đại số gặp thách thức bởi công nghệ. (Nguồn: Internet)

Gia đình thời đại số gặp thách thức bởi công nghệ. (Nguồn: Internet)

Không thể phủ nhận, công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống. Nhờ internet, con người có thể kết nối với nhau bất chấp khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra, trong khi kết nối ảo ngày càng mạnh mẽ thì sự gắn bó thật giữa các thành viên trong gia đình lại có nguy cơ bị mờ nhạt. Nhiều người dành hàng giờ để lướt mạng xã hội, xem video, trò chuyện với người lạ trong khi thời gian dành cho bữa cơm chung, cho những câu chuyện gia đình ngày càng ít đi.

Đây là một thách thức lớn đối với đời sống gia đình hiện đại. Nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ đánh mất những mối quan hệ gần gũi và thân thiết nhất - điều mà không một mạng xã hội nào có thể bù đắp.

Giữ kết nối trong thế giới thực

Theo báo cáo của Digital Việt Nam 2024, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. Tính đến đầu năm 2024, 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam và tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%. Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, tại Việt Nam, 82% trẻ em 12 - 13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%.

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, việc nhiều người dành thời gian cho mạng xã hội hơn là gia đình là một vấn đề đáng báo động. Mạng xã hội mang lại những lợi ích không thể phủ nhận về kết nối và thông tin, nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu các mối quan hệ thực tế, đặc biệt là mối quan hệ gia đình. Khi các thành viên chìm đắm trong thế giới ảo, sự giao tiếp trực tiếp giảm sút, sự thấu hiểu và sẻ chia bị hạn chế, dẫn đến sự xa cách, thậm chí là xung đột.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng công nghệ quá mức có thể khiến sự gắn kết của gia đình bị lung lay, thậm chí đứt gãy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Để vượt qua những cám dỗ và lệ thuộc vào công nghệ, cả cha mẹ và con cái cần duy trì kỷ luật và xây dựng văn hóa gia đình, cha mẹ luôn phải làm gương cho con cái.

Để cân bằng giữa thế giới ảo và thực tại, cần có những giải pháp đồng bộ từ cả phía cá nhân và gia đình. Mỗi thành viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng của các mối quan hệ thực tế và chủ động điều chỉnh thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Hãy dành những khoảng thời gian chất lượng cho gia đình, tắt điện thoại khi ăn cơm, trò chuyện hoặc tham gia các hoạt động chung.

Chỉ khi biết trân trọng và nuôi dưỡng gia đình, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội thực sự nhân văn và bền vững. (Ảnh: FB Khánh Thi)

Chỉ khi biết trân trọng và nuôi dưỡng gia đình, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội thực sự nhân văn và bền vững. (Ảnh: FB Khánh Thi)

Nói cách khác, để giữ gìn giá trị gia đình trong thời đại số, mỗi người cần chủ động tái định hướng thói quen và ưu tiên của mình. Những bữa cơm gia đình ấm cúng, những buổi dã ngoại cuối tuần hay đơn giản là những buổi tối cùng nhau xem phim có thể củng cố tình cảm và sự gắn kết.

Đặc biệt, giáo dục gia đình cũng cần thích nghi với thời đại. Cha mẹ hiểu, đồng hành và định hướng con cái trong môi trường công nghệ số, thay vì cấm đoán hoặc bỏ mặc. Tình yêu thương và sự tôn trọng giữa các thế hệ sẽ là chiếc cầu nối giúp gia đình vượt qua những biến động của thời cuộc.

Nhà trường cần tăng cường giáo dục về giá trị của gia đình, giúp thế hệ trẻ nhận thức được tầm quan trọng của các mối quan hệ thực tế và học cách xây dựng và duy trì những mối quan hệ đó. Thay vì để công nghệ chi phối, hãy sử dụng nó như một công cụ để kết nối và chia sẻ những khoảnh khắc ý nghĩa như gọi video cho người thân ở xa hoặc cùng nhau xem bộ phim ý nghĩa về gia đình.

Trong thời đại ngày nay với muôn vàn thay đổi, điều quan trọng không phải là giữ nguyên mô hình cũ, mà là gìn giữ những giá trị nền tảng: tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và niềm tin. Chỉ khi biết trân trọng và nuôi dưỡng gia đình, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội thực sự nhân văn và bền vững.

Kim Thoa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-duc-gia-dinh-can-thich-nghi-voi-thoi-dai-314202.html
Zalo