Bướu giáp khổng lồ gây biến dạng cổ bệnh nhân 71 tuổi
Tuyến giáp người cao tuổi tiến triển âm thầm nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được can thiệp kịp thời.
U tuyến giáp là bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Có một tỷ lệ nhỏ trường hợp phát triển đến kích thước rất lớn, gây biến dạng hoàn toàn vùng cổ, chèn ép đường thở và thực quản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Trong thực hành lâm sàng, các khối u tuyến giáp khổng lồ ở người cao tuổi luôn đặt ra nhiều thách thức đối với bác sĩ, không chỉ ở phẫu thuật mà còn ở giai đoạn chăm sóc hậu phẫu.
Bệnh nhân nữ, 71 tuổi, nhập viện trong tình trạng u vùng cổ lớn đã hiện diện nhiều năm, có xu hướng tăng nhanh kích thước trong thời gian gần đây gây nên triệu chứng khó thở, nuốt nghẹn. Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám và điều trị.
Lâm sàng ghi nhận khối u kích thước lớn vùng cổ trước, ranh giới không rõ, mật độ chắc, di động kém theo nhịp nuốt. Cận lâm sàng gồm siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT) cổ cho thấy khối u tuyến giáp kích thước lên tới 59 x 21 mm, chiếm gần toàn bộ vùng cổ trước, phát triển xuống trung thất bên trái chèn ép khí quản cùng các cấu trúc lân cận.

Bệnh nhân 71 tuổi với khối u tuyến giáp khổng lồ.
Bệnh nhân nhập viện vào khoa Ngoại lồng ngực, được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Ca mổ do TS.BS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực trực tiếp thực hiện cùng ê-kíp phẫu thuật.
Quá trình phẫu thuật diễn ra trong hơn một giờ đồng hồ với độ tỉ mỉ, chính xác cao, đảm bảo kiểm soát tốt các cấu trúc mạch máu lớn, dây thần kinh thanh quản quặt ngược và các tuyến cận giáp. Ca mổ kết thúc an toàn, không ghi nhận tai biến.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt vận động ngồi dậy đi lại sau vài giờ phẫu thuật, giọng nói rõ, không có biểu hiện hạ calci máu, không có biến chứng về hô hấp, chảy máu hay nhiễm khuẩn. Bệnh nhân cũng không dùng kháng sinh trước và sau phẫu thuật.

Sức khỏe của bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ.
Đại tá TS.BS Ngô Vi Hải cho biết, bướu giáp khổng lồ ở người cao tuổi là một thách thức lớn trong thực hành ngoại khoa, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và đội ngũ phẫu thuật có kinh nghiệm.
Việc phát hiện sớm, theo dõi định kỳ và can thiệp kịp thời có vai trò quan trọng trong việc hạn chế các biến chứng nặng nề, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Trường hợp này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát định kỳ bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt trong nhóm dân số cao tuổi – nơi nguy cơ bệnh lý tiến triển âm thầm nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được can thiệp kịp thời.
Cử nhân điều dưỡng Trần Thị Nhinh (khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện TWQĐ 108)