Giao dịch chứng khoán phiên sáng 3/12: Cổ phiếu VTP tiếp tục bay cao
Giao dịch trong những phiên đầu tháng mới chưa có nhiều chuyển biến trên thị trường, khi nhà đầu tư vẫn đứng ngoài, dòng tiền dừng lại ở mức thấp và chỉ lác đác những cái tên riêng lẻ thay phiên nhau trở thành những điểm nhấn hiếm hoi trên bảng điện tử.
Trong phiên hôm qua, sau ít phút đầu mở cửa tăng điểm nhẹ, VN-Index đã thoái lui và rơi về trạng thái cũ khi giằng co, rung lắc với biên độ hẹp quanh tham chiếu, đi kèm với đó là thanh khoản tắc nghẽn.
Thị trường khép lại phiên đầu tiên của tháng 12 với mức tăng khiêm tốn trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”. Giá trị giao dịch tiếp tục ở mức thấp, chỉ đạt gần 12.000 tỷ đồng, cho thấy lực cầu thận trọng từ nhà đầu tư.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 3/12, sau khi chớm xanh thời điểm mở cửa, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng thay đổi trạng thái và lùi về dưới tham chiếu khi sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử, cũng như dòng tiền tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Dù vậy, mức giảm của chỉ số không phải quá lớn, khi cũng như nhiều phiên gần đây với lực cung giá thấp không xuất hiện nhiều.
Trong khi đó, điểm nhấn giao dịch vẫn chỉ thuộc về một số các cổ phiếu riêng lẻ, như NO1 khi có thêm một phiên tăng trần +6,9% lên 11.550 đồng.
Các cổ phiếu vận tải như VTO cũng chạm giá trần tại 14.200 đồng, VOS nhích hơn 4%, VIP tăng 3,5%. Đáng kể khác là hai cổ phiếu công nghệ thông tin là CMG và VTP nhích gần 5%, trong đó, VTP đã vượt 140.000 đồng/cổ phiếu và vẫn đang trên con đường thiết lập các mức đỉnh mới cao hơn.
Sau khi để tuột mốc 1.250 điểm, lực cầu túc tắc gia nhập thị trường giúp bảng điện tử có phần bớt tiêu cực hơn, ngay cả nhóm bluechip cũng diễn biến tương tự và giúp VN-Index bật trở lại gần tham chiếu. Thanh khoản được cải thiện, nhưng phần lớn nhờ giao dịch thỏa thuận đóng góp không nhỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 139 mã tăng và 186 mã giảm, VN-Index giảm 0,29 điểm (-0,02%), xuống 1.250,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 316 triệu đơn vị, giá trị 7.410,7 tỷ đồng, tăng hơn 27% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 92,6 triệu đơn vị, giá trị 2.070 tỷ đồng.
Các bluechip cân bằng, với 10 mã tăng, 15 mã giảm, cùng vài cổ phiếu như GAS, MBB, SHB, SSB, TPB đứng tham chiếu. Trong đó, biến động giá tiếp tục ở mức khiêm tốn, với chỉ ba mã FPT, HDB, POW nhích hơn 1%, trong khi VCB mất 1,4% nằm ở nhóm “biến động mạnh nhất”.
Cổ phiếu POW phiên này khớp lệnh cao nhất nhóm VN30 và đồng thời dẫn đầu sàn với gần 6,9 triệu đơn vị, theo sau là HPG với 6,75 triệu đơn vị, HDB khớp 6,5 triệu đơn vị.
Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục xuất hiện những cái tên riêng lẻ nổi bật, với NO1, VTO đều tăng kịch trần, khớp lần lượt 0,62 triệu và 1,55 triệu đơn vị.
Cũng có được sắc tím khi kết phiên là SVD và VCA, nhưng thanh khoản dừng lại ở mức thấp.
Đáng kể khác vẫn là cổ phiếu VTP khi +5,5% lên 141.800 đồng, khớp 0,57 triệu đơn vị. cổ phiếu YEG bật tăng +4,5% lên 11.700 đồng, khớp 2,85 triệu đơn vị, VIP +3,9% lên 14.550 đồng, CMG +3,7% lên 58.400 đồng, VOS +3,3% lên 15.850 đồng. Các cổ phiếu khác như REE, CIG, PVP, CMS, IMP, LPB, CSV, NHA, TTA nhích 2% đến gần 3% với thanh khoản khá tích cực.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng điểm nhẹ và duy trì diễn biến giằng co cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,27%), lên 225,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 313,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,08 triệu đơn vị, giá trị 32,6 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa mạnh và đa phần ít thay đổi về giá, trong đó, những cái tên như TIG, SHS, VFS, MST, LAS, VC2 đứng giá tham chiếu, các mã PVS, MBS, TNG, IDC, BVS giảm điểm nhẹ.
Trong số những cái tên tăng, ngoài VC7 tăng khá +5,7% lên 13.100 đồng, NTP nhích 3% lên 62.000 đồng, thì các cổ phiếu lớn, thanh khoản cao như TVC, AAV, DL1, DTD, CEO chỉ tăng nhẹ.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index rung lắc vài nhịp quanh tham chiếu và tạm nghỉ trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,25%), xuống 92,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,8 triệu đơn vị, giá trị 122 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,34 triệu đơn vị, giá trị 54,1 tỷ đồng.
Giao dịch khá ảm đạm khi không mã nào khớp lệnh đạt tới 1 triệu đơn vị, trong khi áp lực phân hóa khá mạnh, với BSR, AAH, VGT, HNG, ABB giảm điểm, dù mức giảm thấp.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất là BMS khi +7,5% lên 10.000 đồng, khớp lệnh hơn 0,5 triệu đơn vị.