Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/11: Nhà đầu tư vẫn đang quan sát
Việc thiếu vắng chất xúc tác trên thị trường đang khiến giao dịch trở nên khó khăn và không rõ xu hướng, khiến nhà đầu tư vẫn đặt mình trong trạng thái phòng thủ, thận trọng cao.
Trong phiên hôm qua, nửa đầu phiên giao dịch sau khi mở cửa khá ảm đạm với thanh khoản thấp do nhà đầu tư đứng ngoài, thị trường bất ngờ có nhịp giảm về dưới mốc 1.240 điểm sau giờ nghỉ trưa.
Mặc dù vậy, VN-Index cũng đã nhanh chóng bật trở lại sau đó, nhưng bối cảnh dòng tiền yếu và thiếu vắng nhóm dẫn dắt khiến chỉ số chỉ có diễn biến giằng co, rung lắc với biên độ thấp cho đến khi đóng cửa.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 28/11, chỉ số VN-Index có nhịp bật tăng khá nhanh ngay khi mở cửa lên mốc 1.250 điểm nhờ sắc xanh phủ rộng trong nhóm bluechip. Tuy nhiên, ngay khi nhóm này hạ nhiệt cũng là lúc VN-Index mất đà và lùi về gần 1.245 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Điểm tích cực là những cổ phiếu tăng điểm vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, trong khi dòng tiền có tín hiệu cải thiện. Dù vậy, điểm yếu cố hữu trong những phiên gần đây vẫn tồn tại, đó là việc luôn thiếu đi nhóm ngành dẫn dắt cũng như tâm lý nhà đầu tư vẫn trong trạng thái phòng thủ, thận trọng cao.
Nhóm VN30 sau những phút đầu khá tích cực đã phân hóa mạnh ở nửa sau của phiên và là tác nhân chính khiến VN-Index hạ thấp độ cao, kết phiên chỉ còn cách tham chiếu không xa. Trong khi đó, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng hoạt động yếu, không đóng góp đáng kể nào cho thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 182 mã tăng và 155 mã giảm, VN-Index tăng 2,01 điểm (+0,16%), lên 1.243,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 226,5 triệu đơn vị, giá trị 5.330 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và chỉ 3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn hơn 27,5 triệu đơn vị, giá trị 807,8 tỷ đồng.
Như đã đề cập, các bluechip phân hóa mạnh, trong đó, ở nhóm tăng điểm ngoài PLX nhích 2,3% lên 40.000 đồng, thì còn lại không mã nào tăng chạm đến 1%, với những cái tên lớn như VCB, FPT, VIC, VPB, VIB, HPG tăng chỉ 0,1% đến 0,95%.
Các mã giảm còn buồn tẻ hơn, khi giảm mạnh nhất là HDB cũng chỉ đánh rơi 0,4% xuống 25.050 đồng.
Phản ánh mức độ phân hóa cao, loạt cổ phiếu VRE, VNM, SHB, SAB, BID, MBB, ACB, BCM, SSI đều về tham chiếu.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chỉ còn một vài cái tên thu hút được lực cầu tốt như CIG, DBD khi chạm giá trần tại 8.670 đồng và 52.800 đồng, khớp lần lượt 0,88 triệu và 1,22 triệu đơn vị.
Tăng khác còn EVG +4,6% lên 6.560 đồng, CCL +3,96% lên 7.610 đồng, IMP +3,7% lên 44.800 đồng, VTP +3,7% lên 129.600 đồng, CMS +3,5% lên 13.300 đồng, DC4 +3,1% lên 15.150 đồng. Các mã HAG, ORS, TLH, HVH, VMD, NO1, CRE, SMC tăng từ 1,7% đến hơn 2%. Trong đó, ORS phiên này bất ngờ là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 7,94 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút mở cửa giảm điểm đã bật tăng lên trên tham chiếu, dù mức tăng vẫn chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn.
Chốt phiên, sàn HNX có 68 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,34%), lên 223,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,3 triệu đơn vị, giá trị 272,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Cổ phiếu nổi bật nhất là VC7, khi tăng kịch trần +9,7% lên 11.300 đồng, khớp lệnh cũng vươn lên cao nhất sàn với 1,38 triệu đơn vị.
Phần còn lại ở nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao, mức độ phân hóa cao, với MBS, CEO, PVS, VTZ, DVM tăng điểm nhẹ, trong khi TIG, MST, LAS, NRC, VFS mất điểm nhẹ, các mã SHS, TNG, IDJ, VC2 về tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tạm kết phiên trong sắc xanh sau khi rung lắc, giằng co nhẹ từ khi mở cửa.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,32%), lên 92,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,6 triệu đơn vị, giá trị 188,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,05 triệu đơn vị, giá trị 6,27 tỷ đồng.
Cổ phiếu tăng đáng chú ý nhất là OIL khi +7,3% lên 11.800 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên UpCoM với 1,68 triệu đơn vị.
Trong khi BSR thanh khoản tốt nhất với 2,62 triệu đơn vị và nhích nhẹ 1,6% lên 19.600 đồng.