Giao Chính phủ tổng kết đánh giá việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù

Quốc hội giao Chính phủ tổng kết đánh giá việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đối với các nội dung đã thực hiện có hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 29/6, với 467/469 ( chiếm 96,09%) đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Trước khi bấm nút, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung nhận định, đánh giá việc ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đạt được những kết quả tích cực; phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm trong bối cảnh nhiều khó khăn, chưa có tiền lệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và rút kinh nghiệm trong công tác đánh giá thực tiễn, phân tích, dự báo tác động của các giải pháp trong đề xuất ban hành chính sách và triển khai tổ chức thực hiện chính sách.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn chương trình để hoàn thành đúng theo tiến độ yêu cầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, thể hiện nội dung này tại điểm a khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư.

Khẩn trương thực hiện điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình.

Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, chủ quản dự án, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025 và đình chỉ hoặc không tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả thấp, chưa giải ngân.

Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử. Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử. Ảnh: quochoi.vn

Một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét việc tiếp tục giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% vì tình hình sản xuất của doanh nghiệp, người dân nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng phục hồi và phát triển chưa thực sự bền vững.

Ông Lê Quang Mạnh nêu rõ, qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách giảm thuế suất thuế VAT 2% trong năm 2022 đã phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, nhiều địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của chính sách.

Từ kết quả thực tiễn, Chính phủ đã trình và Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Tờ trình kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ và nội dung này được Quốc hội xem xét và thể hiện tại Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng việc áp dụng chính sách đặc thù để đẩy mạnh giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, các chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án quan trọng quốc gia đến nay vẫn đang trong quá trình áp dụng, thời gian tới, trên cơ sở tổng kết đánh giá kỹ lưỡng sau quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Chính phủ nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền việc mở rộng áp dụng đối với các chính sách đặc thù này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Nghị quyết đã giao Chính phủ tổng kết đánh giá việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đối với các nội dung đã thực hiện có hiệu quả.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra nguyên nhân của tồn tại, hạn chế của tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến giải quyết công việc chậm trễ, chưa hiệu quả. Do vậy, đề nghị bổ sung giải pháp để khắc phục vấn đề trên.

"Qua giám sát, các vấn đề tồn tại, hạn chế, nguyên nhân về nội dung trên đã được nêu tại Báo cáo kết quả giám sát. Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát," Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/giao-chinh-phu-tong-ket-danh-gia-viec-thi-diem-cac-co-che-chinh-sach-dac-thu-post36091.html
Zalo