Giành lại quyền lực cho Nhân dân
Trong lịch sử lâu dài của nhân loại, quyền lực của Nhân dân được bàn luận với nhiều bút mực và đánh đổi bằng sinh linh của lớp lớp người. Như bao điều quý giá khác, quyền lực của Nhân dân đã trải qua những bước thăng trầm. Lúc này, nơi nọ, những tia sáng về quyền lực của Nhân dân chiếu sáng. Một số cộng đồng hay cả dân tộc của Quốc gia hò reo chiến thắng vì đã nắm lấy quyền lực. Nhưng, quyền lực dần bị “tuột khỏi tầm tay” bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Do vậy, nhận thức và hành động giành lại quyền lực cho Nhân dân là vấn đề có ý nghĩa to lớn.
Quyền lực được hiểu là khả năng gây ảnh hưởng của một người hoặc một nhóm người đến hành vi và suy nghĩ của cá nhân, nhóm người khác. Đó là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy. Nói quyền lực của Nhân dân là quyền lực của chủ nhân đất nước và việc thực hiện quyền lực đó. Quyền lực của Nhân dân nói ở đây là quyền lực Nhà nước. Quyền lực Nhà nước xuất phát từ Nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao quyền lực Nhà nước. Nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước. Điều tưởng như đương nhiên này không phải lúc nào cũng được nhận thức nhất quán.
Cho đến thời cận hiện đại, con người vẫn nghĩ quyền lực của Nhà nước bắt nguồn từ quyền lực siêu nhiên và nhà vua là người “thay trời hành đạo”. Mãi đến thời kỳ Phục hưng và Khai sáng (thế kỷ XVII - XIX), những nhà tư tưởng lớn như: Thomas Hobbes (1588 - 1679), John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1689 - 1755), Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778), Immanuel Kant (1724 - 1804)... chỉ ra quyền lực Nhà nước thực chất là quyền lực của Nhân dân và người dân giao quyền mình cho Nhà nước bằng “khế ước” (hợp đồng). Trong đó, Mongtesquieu còn bàn việc phân quyền (tam quyền) để tránh sự tập trung quyền lực và lạm quyền mà nó tất yếu dẫn đến sự hư hỏng. Tiến xa hơn, học thuyết Marx phát hiện tính giai cấp của Nhà nước. Quyền lực Nhà nước bị chi phối bởi một giai cấp, lực lượng (đảng phái) nhất định và chỉ khi nào, giai cấp công nhân và Nhân dân lao động giành được quyền lực thì Nhà nước mới thật sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trên cơ sở nền kinh tế với lực lượng sản xuất phát triển cao và quan hệ công hữu về tư liệu sản xuất, Nhà nước sẽ trở thành bộ máy “dịch vụ” phục vụ Nhân dân và nó từng bước không còn là Nhà nước nguyên nghĩa của nó (nhà nước cai trị). Nhưng thực tiễn chỉ ra rằng, trong mỗi bước tiến của xã hội, quyền lực của Nhân dân bị xâm phạm và lợi dụng. Ở đây, chúng ta xem xét sự sai phạm của chủ nhân mà nó chính là nguyên nhân trực tiếp gây tai họa của đời sống chính trị.
Giao quyền cho người không xứng đáng
Thực tế ở các nhà nước trên thế giới đã minh chứng, người dân mỗi khi chọn người đại diện của mình không có tài năng và đủ đức độ thì sớm hay muộn cũng nhận lấy hậu quả tai hại từ sự cầm quyền của họ. Theo thành ngữ Việt Nam, đó là kiểu “Gửi trứng cho ác”. Ở Mỹ - quốc gia được cho là dân chủ nhất thế giới, các nhà cầm quyền cũng đã chỉ ra dấu hiệu bất ổn của chính quyền khi người đại diện không thật sự thuộc về Nhân dân. Cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower có nói về sự “nguy hiểm của tổ hợp quân sự công nghiệp” (the dangers of the military - industrial complex). Và, phát biểu khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã cảnh báo về “nguy cơ tiềm năng của tổ hợp công nghệ - công nghiệp” (the potential risk of a tech - industrial complex).
Để quyền lực tập trung quá mức và bị lạm quyền
Dù có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, xét cho cùng, chủ nhân quyền lực không có cơ chế giám sát hữu hiệu nên để quyền lực tập trung quá mức vào tay một người hoặc nhóm người. Mặt khác, trong quá trình cầm quyền, người đại diện tiếm quyền, lạm quyền. Và một khi quyền lực tập trung quá mức, sự đồi bại tất yếu xuất hiện. Trong lịch sử các nước trên thế giới và Việt Nam, một người, một dòng họ, nhóm người, tập đoàn người từng sử dụng quyền lực của Nhân dân vào mục đích riêng, lợi ích ích kỷ, thậm chí chống lại chính chủ nhân bằng những cuộc “tắm máu”.
Để quyền lực thật sự thuộc về Nhân dân lao động, điều căn bản là phải xác lập cơ sở kinh tế - xã hội của nó. Đó là nền kinh tế với lực lượng sản xuất phát triển cao và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Đây là một tiến trình lâu dài. Việc trước mắt, chủ nhân của quyền lực phải ý thức nâng cao năng lực làm chủ. Là những “Dân ngu, cu đen” thì không thể là chủ nhân của xã hội tương lai. Hơn 80 năm trước, nhà thơ Tản Đà đã nhận ra: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn. Cho nên quân nó dễ làm quan”. Cùng với điều đó, cần có cơ chế chọn lựa đại diện thật sự xứng đáng và giám sát quyền lực hữu hiệu để ngăn chặn sự lạm quyền.
Quyền lực của Nhân dân là tài sản vô giá. Nhân dân trao quyền và kỳ vọng người đại diện mình sử dụng quyền lực phục vụ người dân có cuộc sống thịnh vượng, bình yên và hạnh phúc. Nhưng, con người đã, đang và sẽ còn có những nhận thức và hành động sai lệch. Chỉ khi có được nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc và những chủ nhân của nó có đủ năng lực thì mới tạo được một “vương quốc tự do”. Trong tiến trình này, cuộc đấu tranh giành lại quyền lực cho Nhân dân sẽ còn lắm chông gai. Nhưng, các yếu tố của nền chính trị dân chủ đã xuất hiện khắp nơi nơi.