Sốt xuất huyết vẫn là một thách thức y tế công cộng trong năm 2025

Liên Chi hội Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Truyền nhiễm Liên Chi hội miền Tây mở rộng với chủ đề 'Gánh nặng sốt xuất huyết và khuyến cáo phòng ngừa cho người lớn và trẻ em ở Việt Nam'.

BSCK2 Huỳnh Thị Kim Yến và GS.TS.BS Tạ Văn Trầm (bên trái) tặng hoa cho chủ tọa đoàn và các báo cáo viên tại hội nghị.

BSCK2 Huỳnh Thị Kim Yến và GS.TS.BS Tạ Văn Trầm (bên trái) tặng hoa cho chủ tọa đoàn và các báo cáo viên tại hội nghị.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các đơn vị y tế, bệnh viện, trường đại học và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và gần 300 đại biểu đến từ các bệnh viện, cơ sở y tế, trường đào tạo trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của TS.BS. Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, BSCK2. Huỳnh Thị Kim Yến, Chi hội trưởng Liên Chi hội Truyền nhiễm miền Tây, nhấn mạnh: "Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học trong lĩnh vực điều trị và dự phòng cùng trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức chuyên môn mới nhất nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh sốt xuất huyết".

GS.TS.BS. Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Hiệu trưởng Trường Y Dược - Đại học Trà Vinh, chia sẻ: "Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, đô thị hóa và gia tăng di cư. Việc chủ động phòng chống, kiểm soát dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế, đặc biệt là đối với các bệnh có nguy cơ bùng phát cao như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi và cúm mùa".

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận 141.000 ca mắc sốt xuất huyết, 28 trường hợp tử vong. Số ca mắc tay chân miệng hơn 76.000 ca, chưa ghi nhận tử vong. Bệnh cúm mùa có 287.548 trường hợp mắc, 8 ca tử vong. Đặc biệt, dịch sởi diễn biến phức tạp với tổng số ca mắc cao tại các tỉnh Đồng Nai (6.360 ca), TP. Hồ Chí Minh (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)... Cả nước ghi nhận 13 ca tử vong do sởi.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Dự báo trong năm 2025, sốt xuất huyết vẫn là một thách thức y tế công cộng do tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa, gia tăng giao thương và hạn chế trong kiểm soát véc tơ truyền bệnh. Đồng thời, các bệnh khác như tay chân miệng, sởi, bệnh dại, đậu mùa khỉ cũng có nguy cơ gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và ý thức phòng bệnh của người dân là yếu tố then chốt trong kiểm soát dịch bệnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia đã trình bày nhiều báo cáo khoa học quan trọng: TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh, trình bày về "Tổng quan sốt xuất huyết: Quan điểm, thách thức và tiến bộ trong phòng chống". GS.TS.BS. Tạ Văn Trầm báo cáo về "Gánh nặng sốt xuất huyết qua một số ca lâm sàng". BSCK2 Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC TP. Cần Thơ trình bày về "Tình hình dịch tễ sốt xuất huyết và các thách thức mới trong công tác chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam".

TS.BS. Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phát biểu.

TS.BS. Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phát biểu.

Phát biểu tại hội nghị, TS.BS. Phạm Ngọc Thạch biểu dương những thành tích của Liên Chi hội Truyền nhiễm miền Tây trong những năm qua. TS.BS. Phạm Ngọc Thạch đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị y tế trong khu vực nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, tổ chức các hội nghị khoa học và chương trình đào tạo, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Kết luận hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh những giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, bao gồm: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi truyền bệnh. Tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch. Huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng vắc xin phòng sốt xuất huyết.

THANH HOÀNG - MAI HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202502/sot-xuat-huyet-van-la-mot-thach-thuc-y-te-cong-cong-trong-nam-2025-1035076/
Zalo