Giáng sinh không dối trá: Vì sao cha mẹ nên cân nhắc về câu chuyện ông già Noel

Nhiều nhà triết học và tâm lý học cho rằng việc nói dối trẻ em về sự tồn tại của ông già Noel có thể gây ra những vấn đề về đạo đức và tâm lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: iStock

Ảnh minh họa. Nguồn: iStock

Hàng năm, vào mùa Đông, nhiều trẻ em háo hức mong chờ hình ảnh Ông già Noel xuất hiện vào đêm Giáng sinh, len lỏi qua ống khói để đặt những món quà dưới cây thông lấp lánh.

Nhưng với các bậc phụ huynh, câu chuyện thần thoại này đặt ra một câu hỏi khó: Liệu nói dối về Ông già Noel có phải là cách nuôi dạy con đúng đắn?

Nhiều nhà triết học và tâm lý học cho rằng việc nói dối trẻ em về sự tồn tại của Ông già Noel có thể gây ra những vấn đề về đạo đức và tâm lý.

Theo bà Gail Heyman, giáo sư tâm lý học tại Đại học California, San Diego, việc nói dối để kiểm soát hành vi của trẻ em là một hình thức "nuôi dạy bằng dối trá". Một nghiên cứu của bà cho thấy 80% bậc phụ huynh thừa nhận đã nói dối con cái để tác động đến cảm xúc hoặc hành vi của chúng.

Trước tiên, nói dối trẻ về Ông già Noel có thể xem là hành động thao túng. Thay vì khuyến khích trẻ làm điều tốt vì lý do chính đáng, cha mẹ lại dọa rằng Ông già Noel sẽ không tặng quà nếu trẻ không ngoan. Điều này ngăn cản trẻ hiểu rõ giá trị thật sự của hành vi đúng đắn.

Thứ hai, nói dối làm suy giảm niềm tin. Trẻ nhỏ thường có niềm tin tuyệt đối vào cha mẹ. Khi sự thật về Ông già Noel bị phơi bày, trẻ có thể cảm thấy bị lừa dối, dẫn đến sự mất lòng tin vào lời nói của cha mẹ trong tương lai.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cho rằng tác động lâu dài của việc "nuôi dạy bằng dối trá" có thể dẫn đến mối quan hệ kém gắn kết giữa cha mẹ và con cái khi trẻ trưởng thành. Một số nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em được nuôi dạy bằng sự trung thực thường có tâm lý ổn định hơn khi lớn lên.

Trẻ phản ứng ra sao khi biết sự thật?

Năm 1994, một nghiên cứu với 52 trẻ em không còn tin vào Ông già Noel cho thấy, trung bình trẻ phát hiện sự thật khi lên 7 tuổi

Khoảng một nửa cảm thấy buồn, thất vọng hoặc bị lừa. Tuy nhiên, cũng có 60% trẻ cảm thấy vui, chủ yếu vì chúng biết rằng dù không có Ông già Noel, chúng vẫn sẽ nhận được quà.

Ba mươi năm sau, một nghiên cứu tương tự với 48 trẻ từ 6 đến 15 tuổi cho kết quả tương đồng: khoảng một nửa cảm thấy tiêu cực, trong khi một nửa còn lại cảm thấy nhẹ nhõm hoặc hài lòng vì đã đoán đúng.

Điều đáng chú ý là không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc tin vào Ông già Noel là cần thiết để trẻ tận hưởng Giáng sinh, phát triển trí tưởng tượng hay tư duy phản biện.

Cây thông xanh được trang trí với những quả châu màu bạc trước TTTM Terminal 21 trên đường Sukhumvit, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh P/v TTXVN tại Bangkok

Cây thông xanh được trang trí với những quả châu màu bạc trước TTTM Terminal 21 trên đường Sukhumvit, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh P/v TTXVN tại Bangkok

Có nên từ bỏ câu chuyện Ông già Noel?

Một số phụ huynh lo lắng rằng nếu nói sự thật, con mình sẽ làm mất niềm vui của những đứa trẻ khác hoặc khiến cha mẹ khác phật ý.

Tuy nhiên, trong một xã hội đa văn hóa, trẻ em từ các nền tảng khác nhau vẫn có thể hòa hợp với nhau. Chẳng hạn, một đứa trẻ có thể nói: “Nhà mình không tin vào Ông già Noel” giống như cách trẻ khác nói: “Nhà mình không tin vào Chúa”.

Bà Heyman cho rằng, thay vì dựng lên câu chuyện dối trá, cha mẹ có thể tạo ra một Giáng sinh huyền diệu mà mọi người đều hiểu Ông già Noel chỉ là một nhân vật tưởng tượng. Trẻ vẫn có thể tận hưởng không khí lễ hội mà không cần bị đánh lừa.

Lời khuyên cho cha mẹ

Nếu bạn đang "lỡ" kể câu chuyện về Ông già Noel, đừng quá lo lắng. Hầu hết trẻ em nhanh chóng vượt qua sự thật mà không bị tổn thương lâu dài. Điều quan trọng là bạn cần biết cách giải thích nhẹ nhàng và phù hợp với lứa tuổi.

Giáng sinh không chỉ xoay quanh Ông già Noel.

Điều quan trọng nhất vẫn là không khí gia đình đầm ấm và tình yêu thương. Vậy nên, hãy cân nhắc lựa chọn cách kể chuyện để mang đến một mùa lễ đầy ý nghĩa mà không cần đến những lời nói dối.

Phúc Toàn/Báo Tin tức (Theo CNA)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giang-sinh-khong-doi-tra-vi-sao-cha-me-nen-can-nhac-ve-cau-chuyen-ong-gia-noel-20241224153314042.htm
Zalo