Gian nan nghề bán hàng online
Những năm về trước, bán hàng online được xem là 'mỏ vàng' với tốc độ tăng trưởng chóng mặt và lợi nhuận hấp dẫn. Chỉ cần một chiếc điện thoại, vài tấm ảnh sản phẩm bắt mắt và một trang mạng xã hội, có thể dễ dàng tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng. Thế nhưng, giữa thời buổi 'nhà nhà bán online', người bán hàng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí phải ngậm ngùi 'khóc ròng' vì doanh thu ảm đạm.
Một trong những thách thức lớn nhất mà người bán hàng online phải đối mặt chính là sự cạnh tranh khốc liệt. Thị trường online giờ đây không khác gì "biển lớn" với vô số "con thuyền" cùng ra khơi. Từ các sàn thương mại điện tử khổng lồ đến mạng xã hội cá nhân, đâu đâu cũng thấy người bán, nhà bán. Khách hàng có vô vàn lựa chọn, để sản phẩm của mình nổi bật giữa "rừng" đối thủ là bài toán không hề dễ dàng.
Cùng với đó, sự bùng nổ của các nền tảng bán hàng đa kênh tạo ra không ít áp lực cho người bán hàng online nhỏ lẻ. Doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh mẽ có thể dễ dàng phủ sóng sản phẩm của mình trên nhiều kênh khác nhau, từ website, ứng dụng di động đến sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Trong khi đó, người bán hàng cá nhân hoặc cửa hàng nhỏ thường bị hạn chế về nguồn lực, khó cạnh tranh về độ phủ sóng, sự chuyên nghiệp.

Khách hàng tìm kiếm thông tin trước khi quyết định mua hàng online
"Mấy năm trước, tôi bắt đầu thử sức bán hàng online. Trước đó, tôi nghiên cứu thị trường rất nhiều, quyết định chọn sản phẩm kinh doanh, đối tượng khách hàng mình hướng đến. Thế là, tôi chọn bán mặt hàng đồ si cao cấp, vốn không nhiều, nguồn hàng dồi dào. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận ra rằng việc kinh doanh online không hề dễ dàng như mình tưởng tượng. Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn hàng chất lượng, duy trì sự độc đáo cho sản phẩm, tôi còn phải đối mặt với vô vàn thách thức khác" – chị T. Giang (30 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bộc bạch.
Theo chị Giang, sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ khác, người kinh doanh đồ si lâu năm lẫn cửa hàng thời trang lớn, khiến việc thu hút, giữ chân khách hàng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bởi khách hàng ngày nay có quá nhiều lựa chọn, chỉ cần một cú click chuột là chuyển sang trang bán hàng khác với mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh hơn. Chưa kể, việc xây dựng niềm tin với khách hàng online, đặc biệt là với mặt hàng đồ si đã qua sử dụng, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Khách hàng không thể trực tiếp sờ, cảm nhận chất liệu hay kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm trước khi mua. Vì vậy, việc tạo dựng uy tín thông qua hình ảnh chân thực, mô tả chi tiết, chính sách đổi trả rõ ràng, phản hồi tích cực từ khách hàng trước là vô cùng quan trọng, nhưng cũng là bài toán không dễ giải. Thế là, sau một thời gian duy trì, chị Giang đành ngậm ngùi thanh lý hàng, thu hồi bao nhiêu vốn thì hay bấy nhiêu…
Bên cạnh đó, chi phí quảng cáo trực tuyến ngày càng tăng cao cũng là gánh nặng không nhỏ cho người bán hàng online. Để tiếp cận được khách hàng tiềm năng, việc đầu tư vào quảng cáo trên các nền tảng là điều gần như bắt buộc. Tuy nhiên, giá quảng cáo ngày càng leo thang, khiến cho chi phí marketing trở nên đắt đỏ, đặc biệt đối với những người mới bắt đầu hoặc có nguồn vốn hạn hẹp. Nếu không có chiến lược quảng cáo hiệu quả và tối ưu hóa chi phí, rất dễ rơi vào tình trạng "ném tiền qua cửa sổ" mà không thu lại được kết quả như mong đợi.
“Một khó khăn khác mà người bán hàng online đang phải đối mặt là sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Ngày nay, khách hàng không chỉ quan tâm đến giá cả, mà còn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, trải nghiệm mua sắm. Họ có xu hướng tìm kiếm thông tin kỹ lưỡng trước khi quyết định mua hàng, so sánh giá cả giữa các nhà cung cấp khác nhau, đọc đánh giá từ những người mua trước. Nếu người bán hàng online không xây dựng được uy tín, không cung cấp sản phẩm chất lượng và dịch vụ tốt, rất khó để thu hút, giữ chân khách hàng” - chị Kim Sang (33 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) chia sẻ.
Ngoài ra, vấn đề niềm tin cũng là rào cản lớn đối với bán hàng online. Vẫn còn không ít người tiêu dùng e ngại mua hàng trực tuyến vì lo sợ gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hoặc bị lừa đảo. Người bán hàng online cần phải minh bạch về thông tin sản phẩm, chính sách bán hàng rõ ràng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả.
Có thể thấy, bán hàng online trong thời buổi hiện nay không còn là một "cuộc chơi" dễ dàng như trước. Sự cạnh tranh gay gắt, chi phí quảng cáo tăng cao, sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, vấn đề niềm tin… tạo ra không ít khó khăn cho người bán. Để tồn tại và phát triển trong "biển lớn" cạnh tranh này, người bán cần phải có chiến lược kinh doanh bài bản, đầu tư vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng uy tín thương hiệu, không ngừng đổi mới để thích ứng với thay đổi của thị trường.