Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn thảo luận về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân
Sáng 16/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp.
Tham gia ý kiến, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết đã quán triệt yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế tư nhân; có các quy định cụ thể về cơ chế, chính sách mang tính “đặc biệt” về phát triển kinh tế tư nhân và cho rằng đây thực sự là những quy định mang tính cởi trói, được cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong đợi.

Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại hội trường.
Nêu ý kiến về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh tại Điều 5, theo đại biểu, dự thảo đã quy định 8 nhóm nguyên tắc cụ thể liên quan đến các quy định pháp luật về dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự, xử lý vi phạm hành chính… Trong đó, có những quy định nhằm cụ thể hóa những quan điểm rất mới trong xử lý các vi phạm và giải quyết vụ việc, để vừa bảo đảm xử lý nghiêm minh, vừa bảo đảm tính nhân văn, minh bạch, công bằng, hạn chế tối đa ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các doanh nghiệp như: Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự (khoản 2); đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo (khoản 3).
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cùng với việc xây dựng, ban hành Nghị quyết này, cần nghiên cứu sửa đổi kịp thời các luật liên quan, trong đó có một số dự án luật đã đưa vào trong Chương trình kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV lần này để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi.
Trao đổi, góp ý về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh quy định tại Điều 7 có nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại. Việc quy định như dự thảo sẽ giúp cho các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh - một trong những rào cản lớn đang đặt ra hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn với các nội dung quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 7: Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành phải bảo đảm dành bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại (khoản 4). Trường hợp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới theo quy định tại khoản 4 Điều này mà không được nhận hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sau thời hạn 2 năm kể từ ngày khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và không có doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại thì chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại (khoản 5).
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn quy định trên, mặc dù không được nhận hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thì doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn phải tự bỏ vốn để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phải sau thời hạn 2 năm kể từ ngày hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại, nếu không có doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại. Quy định như dự thảo sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp do phải tự bỏ vốn đầu tư mà chưa được khai thác trong thời gian ít nhất 2 năm.
Từ những lý do trên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ vấn đề này để có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp thứ cấp là các doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đây cũng là những doanh nghiệp tư nhân thuộc đối tượng được ưu tiên.