Giảm thuế VAT kích cầu tiêu dùng, duy trì đà phục hồi kinh tế

Việc giảm thuế VAT từ tháng 7 được kỳ vọng sẽ 'bù đắp' phần nào áp lực giá, giúp người dân duy trì sức mua trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang. Điều này đặc biệt quan trọng khi tiêu dùng hộ gia đình vẫn là động lực chính của tăng trưởng GDP - đóng góp hơn 65% tổng cầu.

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 23,2%.

"Cú hích" cho tiêu dùng nội địa

Các chuyên gia đánh giá triển vọng kinh tế 6 tháng đầu năm là tích cực với mức tăng trưởng tập trung ở các lĩnh vực: Đầu tư công; khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; tín dụng “bơm” vào nền kinh tế, tăng trưởng tiêu dùng… Do đó, với các chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng tiếp tục được triển khai trong nửa cuối năm sẽ tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong cả năm 2025.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại giá cả hàng hóa tăng trong bối cảnh chi phí nhiều dịch vụ được điều chỉnh tăng. Chẳng hạn, vào tháng 5, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,8%; giá nước tại nhiều nơi cũng đang rục rịch tăng.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Giá cả, khẳng định giá điện tăng ở mức "chấp nhận được" nhưng giá điện tác động rất lớn đến giá nước, vì sản xuất nước bằng điện, và nhiều hàng hóa khác. Nên ngoài giá điện, giá cả các dịch vụ khác mà nhà sản xuất có dùng điện thì chắc chắn phải tăng, trong đó có giá nước hay dịch vụ xử lý nước thải, rác thải…

Trong bối cảnh đó, chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị định số 174/2025/NĐ-CP được kỳ vọng bơm thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng sức mua vào nền kinh tế. Qua đó tạo cú hích mạnh cho nhóm doanh nghiệp bán lẻ nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư góp phần đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững và hội nhập mạnh mẽ hơn trên thị trường toàn cầu.

Việc giảm thuế VAT từ tháng 7 được kỳ vọng sẽ “bù đắp” phần nào áp lực giá, giúp người dân duy trì sức mua trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang.

Việc giảm thuế VAT từ tháng 7 được kỳ vọng sẽ “bù đắp” phần nào áp lực giá, giúp người dân duy trì sức mua trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang.

Chị Lê Thị Lan (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, giá nước, giá điện, giá thu gom rác… tăng dẫn đến nguy cơ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm, tăng giá theo. Ngay cả gạo tẻ cũng tăng lên từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, trong khi 3 năm trước chỉ 15.000 - 25.000 đồng… Trong khi đó, thu nhập của nhiều người làm công ăn lương như chị đều giảm sút mạnh so với trước dịch Covid-19, thậm chí nhiều nơi giảm từ 30 - 40% thu nhập. Do đó, việc kéo dài giảm thuế VAT đến hết năm 2026 không chỉ người dân đỡ khó khăn mà các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi sức mua được cải thiện hơn.

Đại diện Tập đoàn Masan cho biết, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi các mặt hàng trở nên rẻ hơn, nhất là trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tiêu dùng ngày càng tăng cao. Khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ trở nên dễ dàng hơn, khuyến khích mọi tầng lớp xã hội tham gia vào hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ hơn.

Theo đại diện Tập đoàn Masan, nhu cầu tiêu dùng nội địa được nhận định sẽ duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới khi tâm lý tiêu dùng dần phục hồi, song song với mức tăng trưởng kinh tế cao. Hiện, Chính phủ đặt quyết tâm lớn và nỗ lực khai thông các nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay. Qua đó tạo điều kiện cho thu nhập, chi tiêu của người dân được cải thiện, kéo theo nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường bán lẻ. Đây là một bước đi chiến lược của Chính phủ nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển và nâng cao đời sống người dân.

“Việc giảm thuế VAT sẽ giúp hoạt động kinh doanh bán lẻ của nhiều doanh nghiệp trở nên tích cực sôi động hơn. Đặc biệt, khiến giá bán tại kênh hiện đại xích lại gần chợ truyền thống, đẩy nhanh chuyển dịch hành vi mua sắm, một cú hích kép cho doanh nghiệp cả về lưu lượng khách lẫn giá trị đơn hàng. Đơn cử như Masan MEATLife sẽ hưởng lợi từ việc người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm cho thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Khi thuế thấp hơn kéo giá thành xuống, sản phẩm thịt mát đạt tiêu chuẩn “từ trang trại đến bàn ăn” của Masan MEATLife càng hấp dẫn so với thịt nóng bán ở chợ. Từ đó củng cố biên lợi nhuận và tăng trưởng sản lượng cho doanh nghiệp”, vị này cho biết.

Kéo dài giảm thuế: "được nhiều hơn mất

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng không chỉ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, chính sách giảm thuế VAT còn hỗ trợ doanh nghiệp về mặt gián tiếp. Khi giá bán ra giảm do thuế thấp, cầu thị trường sẽ tăng - giúp doanh nghiệp cải thiện doanh thu, tăng vòng quay hàng hóa và thu hồi vốn nhanh hơn.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng (như giá nguyên liệu nhập khẩu, chi phí logistics, lãi suất tín dụng), khả năng giảm giá bán là rất hạn chế. Việc được hỗ trợ giảm VAT giúp doanh nghiệp có thêm dư địa để giữ chân khách hàng mà không làm tổn hại đến biên lợi nhuận quá mức. Báo cáo kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ ăn uống và du lịch đều ghi nhận kỳ vọng doanh số cải thiện từ quý III nhờ chính sách VAT.

Tác động lan tỏa còn thể hiện ở việc thúc đẩy sản xuất - khi cầu tiêu dùng trong nước tăng trở lại. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ chân lao động và kích thích đầu tư quay lại, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nhẹ, thực phẩm - đồ uống, dịch vụ và du lịch.

Theo nhận xét của TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, trong những năm qua, chính sách giảm thuế VAT đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc kích cầu tiêu dùng. Như Bộ Tài chính ghi nhận chính sách giảm thuế VAT trong năm 2022 đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, nhờ đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng gần 20% so với năm 2021.

Do đó, việc kéo dài giảm thuế VAT từ tháng 7/2025 đến đến hết năm 2026 rất thiết thực trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên.

Trong khi đó, theo ông Tú, việc giảm thuế không làm giảm thu ngân sách mà ngược lại ngân sách tăng thu. Thực tế, đến hết 10 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách đã đạt 1,654 triệu tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy ý nghĩa của chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có giảm thuế VAT từ năm 2022 đến nay.

"Việc giảm 2% thuế VAT giúp giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng rẻ hơn. Đơn cử hàng có giá 1 triệu đồng, khi mức thuế VAT là 10% thuế , tổng số tiền phải trả là 1.100.000 đồng. Nhưng nhờ được giảm thuế còn 8% nên số tiền mà người mua chỉ phải trả cho món hàng đó là 1.080.000 đồng. Với số tiền dư ra nhờ được giảm thuế, người dân lại mua thêm hàng. Và khi tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ sôi động, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ tăng doanh thu, qua đó đóng góp cho ngân sách nhiều hơn", ông Tú phân tích.

Một chuyên gia thuế khác cũng cho rằng ngoài việc kéo dài việc giảm thuế VAT đến hết năm 2026, chính sách này nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng có thuế suất 10% chứ không loại trừ một số nhóm như sản phẩm khai khoáng (trừ than), ngân hàng…

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/giam-thue-vat-kich-cau-tieu-dung-duy-tri-da-phuc-hoi-kinh-te-1108219.html
Zalo