Giảm thuế giá trị gia tăng: Cơ hội thúc đẩy tăng trưởng
HNN - Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) được thông qua ngày 17/6/2025 được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn như hiện nay.

Các mặt hàng trong danh mục quy định sẽ được giảm 2% thuế GTGT
Giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Theo đó, sẽ giảm 2% thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Thuế GTGT (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Bên cạnh đó, Nghị định 174/2025/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17//6/2025 của Quốc hội cũng nêu rõ, cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ theo quy định nêu trên. Cơ sở kinh doanh, bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo quy định nêu trên. Ngay sau khi nghị quyết có hiệu, các doanh nghiệp (DN) đã đồng loạt áp dụng mức thuế mới cho các hóa đơn sử dụng dịch vụ.
Khác với các chính sách ngắn hạn trước đây, thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT lần này được kéo dài đến hết năm 2026. Việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách giúp DN chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.
Thực tế, chính sách giảm thuế GTGT không mới vì trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến giảm thuế GTGT. Có thể kể đến Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), có loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Số tiền giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% khi thực hiện chính sách trên địa bàn trong thời gian này vào khoảng 496 tỷ đồng.
Tiếp đó, năm 2023, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Theo đó, giảm 2% thuế GTGT khi bán hàng hóa, dịch vụ bắt đầu giảm từ ngày 1/7/2023 với số thuế nộp NSNN trên địa bàn giảm khoảng 75 tỷ đồng. Năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội có hiệu lực từ tháng 1 đến tháng 6/2024... Theo đó, đã giảm thuế đầu ra hơn 407 tỷ đồng trong năm 2024. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 180/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025.
Lãnh đạo Thuế thành phố Huế cho hay, chính sách giảm thuế GTGT đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn trong thời gian các chính sách có hiệu lực.
Giảm áp lực tiêu dùng
Thời gian gần đây, nhiều DN đã bắt đầu tính thêm thuế GTGT vào mỗi hóa đơn của khách nhất là các DN kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, thương mại. Điều này khác trước đây, các cửa hàng chỉ xuất hóa đơn có tính thuế GTGT khi khách thanh toán dịch vụ yêu cầu hóa đơn có mã của cơ quan thuế. Nhiều mặt hàng được tính thêm thuế GTGT vào hóa đơn sử dụng dịch vụ, điều này khiến người dân cảm nhận rõ ràng hơn về tác động của chính sách giảm thuế GTGT với “hầu bao” của chính mình.
Bà Nguyễn Hà Thảo Linh, phường Thủy Xuân, TP. Huế cho hay, bà thường mua sắm và sử dụng các dịch vụ của các trung tâm thương mại, cửa hàng lớn nên thuế GTGT tính trên mỗi hóa đơn rất lớn. Giờ theo chính sách thuế mới, trên mỗi hóa đơn mua hàng sẽ được giảm 2% thuế GTGT (tùy mặt hàng), con số này dù không lớn lắm nhưng nếu chi tiêu nhiều và cộng dồn các hóa đơn sẽ là số tiền không nhỏ. ..
Từ góc độ DN, đây cũng là sẽ một lợi thế trong kinh doanh. Theo lý giải của một vài DN tại các diễn đàn kế toán, thuế, việc giảm thuế kéo dài 1,5 năm so với mỗi 6 tháng như trước đây sẽ giúp DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có thể hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh rõ ràng, từ đó khai thác hiệu quả chính sách ưu đãi.
Một DN cho hay, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% không chỉ giúp hạ giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng, mà còn tạo thêm dư địa để tái đầu tư mở rộng sản xuất. Trong bối cảnh sức mua còn yếu, chi phí đầu vào vẫn neo cao, chính sách này có thể xem là cú hích kịp thời, giúp DN giữ vững thị trường, tăng trưởng doanh thu và duy trì việc làm cho người lao động.
Dù có nhiều tác động tích cực, song việc giảm thuế GTGT cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách. Vì thế, song hành với các hoạt động thực thi chính sách hỗ trợ người dân, DN, ngành thuế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách bù đắp lại khoản thu thiếu hụt từ việc thực hiện các chính sách giảm thuế GTGT.