Đề xuất chia lại nguồn thu ngân sách khi sắp xếp bộ máy

Thể chế hóa các quan điểm của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn, Luật Ngân sách Nhà nước được sửa đổi, trong đó có quy định lại tỷ lệ chia ngân sách giữa Trung ương và địa phương...

Chiều 14-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thay mặt Thủ tướng, đã trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Trung ương, đồng thời khắc phục một số bất cập, tạo cơ sở pháp lý phù hợp với thực tiễn. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu phát triển và tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số trong Kỷ nguyên phát triển - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đề xuất trao thêm thẩm quyền cho Thủ tướng

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước lần này là đề xuất tăng thêm thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định các vấn đề ngân sách, căn cứ theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương.

 Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Cụ thể, theo tờ trình, Thủ tướng sẽ có quyền xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách cho năm tiếp theo; giao nhiệm vụ thu - chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan trung ương; quyết định chi tiết các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên theo lĩnh vực và địa phương; phân bổ chi tiết các khoản chưa có kế hoạch cụ thể; và quyết định sử dụng quỹ dự phòng ngân sách trung ương.

Những nội dung này hiện chưa được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Tuy nhiên, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng không nên bổ sung quy định này.

Lý do là theo tinh thần đổi mới lập pháp được nêu trong Kết luận 119-KL/TW của Bộ Chính trị, Quốc hội không trực tiếp quy định thẩm quyền của các cơ quan thuộc Chính phủ. Ngoài ra, nhiều điều khoản trong dự thảo đã quy định thẩm quyền cụ thể cho Thủ tướng.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, lược bỏ những nội dung liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan trong hệ thống hành pháp, chỉ giữ lại những điều thực sự cần thiết cho việc triển khai trình tự, thủ tục theo luật.

Dù vậy, vẫn có ý kiến đồng tình với việc luật hóa thẩm quyền của Thủ tướng, cho rằng việc này sẽ đảm bảo tính cụ thể, thống nhất và phản ánh đúng những điều chỉnh đã được thực hiện, khi chuyển thẩm quyền từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ cho Thủ tướng.

Điều chỉnh cách phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, một nội dung quan trọng khác trong dự luật lần này là thay đổi căn bản cách phân chia các khoản thu ngân sách giữa Trung ương và địa phương. Cụ thể là các khoản thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.

Dự luật cũng đề xuất thay đổi cách tính tỷ lệ phân chia nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó bao gồm cả thuế VAT hàng nhập khẩu. Sau khi trừ đi phần hoàn thuế, ngân sách trung ương sẽ được phân chia 70%, còn ngân sách địa phương nhận 30%. Phần 30% của địa phương sẽ được phân bổ theo các tiêu chí như dân số, diện tích và các yếu tố đặc thù khác.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất thay đổi cách phân chia nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Thay vì để địa phương hưởng toàn bộ như hiện nay, dự luật quy định địa phương không tự cân đối được ngân sách sẽ chỉ được hưởng 70%.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản đồng thuận với hướng sửa đổi.

“Theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về sắp xếp bộ máy chính trị, địa giới hành chính, sắp tới sẽ có 3 cấp chính quyền: Trung ương - tỉnh - xã. Theo dự thảo Luật, việc phân cấp nguồn thu hiện này đang thực hiện giữa cấp trung ương và cấp tỉnh. Giữa 2 cấp chính quyền địa phương, việc phân cấp nguồn thu giao HĐND quyết định”, ông Mãi trình bày.

Về tỷ lệ phân chia, ông Mãi cho hay để bảo đảm việc linh hoạt trong điều chỉnh tỷ lệ phân chia giữa các nguồn thu phân chia trong trường hợp có biến động lớn hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi ngân sách nhà nước giữa các địa phương, không phải trình Quốc hội sửa Luật, đa số ý kiến nhất trí với phương án 2 trong Dự thảo Luật.

“Chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia. Giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh”, ông Mãi nói.

Phương án 2 tỷ lệ phân chia nguồn thu chung giữa NSTƯ và NSĐP

Điều 35, khoản 2: Các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa NSTƯ và NSĐP:

a) Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu);

b) Thuế thu nhập cá nhân;

c) Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ khoản hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu;

d) Thuế bảo vệ môi trường;

đ) Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền của trung ương cấp phép;

e) Thuế giá trị gia tăng (không bao gồm số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng) thực hiện phân chia: NSTƯ hưởng 70%, NSĐP hưởng 30%. Việc phân chia cho từng địa phương trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí trong từng giai đoạn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định;

g) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, NSTƯ hưởng 30%; NSĐP hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, NSTƯ hưởng 20%; NSĐP hưởng 80%;

h) Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ cụ thể phân chia từng khoản thu giữa NSTƯ và NSĐP quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản này đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTƯ, tỷ lệ được ổn định lâu dài để chủ động SNĐP, trình Quốc hội quyết định.

Trong trường hợp có biến động lớn về thu, chi NSNN hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi NSNN giữa các địa phương cần phải điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu cho phù hợp, Chính phủ xây dựng lại phương án tỷ lệ phân chia các khoản thu quy định tại điểm a, b, c, d, đ, g khoản này, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-xuat-chia-lai-nguon-thu-ngan-sach-khi-sap-xep-bo-may-post849698.html
Zalo