Giám sát chính sách hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc tại Sở Nông nghiệp và Môi trường

Tiếp tục chương trình giám sát, chiều 28/5, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí La Văn Hồng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2024 tại Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT).

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu, giải trình tại buổi giám sát.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu, giải trình tại buổi giám sát.

Giai đoạn 2022 - 2024, trên địa bàn tỉnh có 4.868 hộ có chuồng trại gia súc dưới gầm sàn nhà ở (1.943 hộ nghèo, 877 hộ cận nghèo, 71 hộ mới thoát nghèo, 94 hộ chính sách, 1.883 hộ khác). Qua rà soát, 4.109 hộ gia đình được lựa chọn hưởng chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện gần 26.600 triệu đồng được thực hiện lồng ghép từ nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia; ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa cùng và từ nguồn Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2024, đã giải ngân 23.415 triệu đồng, hỗ trợ cho 3.829 hộ; năm 2025, còn 1.042 hộ có chuồng trại dưới gầm sàn nhà. Đến ngày 21/5, có 388 hộ/1.042 hộ đã thực hiện di dời, còn 654 hộ dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Với mục tiêu phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% chỉ tiêu di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, Sở NN&MT tham mưu cho UBND tỉnh và đã ban hành trên 14 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác di dời chuồng trại; hướng dẫn chính sách hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc trên địa bàn tỉnh cho các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 60 của HĐND tỉnh. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các văn bản chỉ đạo của cấp tỉnh về triển khai di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở thông qua các hội nghị, họp xóm, lồng ghép các hoạt động khác, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng khu vực nông thôn.

Đến hết năm 2024, có 3/7 huyện hoàn thành 100% chỉ tiêu di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở gồm: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm; còn 4/7 huyện: Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh và Hạ Lang tiếp tục thực hiện hoàn thành trước ngày 30/6.

Qua kết quả thực hiện khẳng định chính sách của nghị quyết đã giải quyết được phần nào khó khăn trong việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, là động lực để người dân dưa chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, phòng chuống dịch bệnh, phòng chuống đói rét, giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, công tác di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở một số địa bàn khó thực hiện do người dân thường làm nhà sát nhau, thiếu quỹ đất; điều kiện kinh tế của các hộ nghèo, cận nghèo khó khăn...; mặt khác, do biến động giá cả thị trường đã ảnh hưởng rất lớn đến giá cả vật liệu, thực tế giá thành cao; nguồn kinh phí để thực hiện công tác di dời chuồng trại được thực hiện lồng ghép từ nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫ, một số địa phương còn lúng túng trong việc lồng ghép nguồn kinh phí thực hiện...

Sở NN&MT kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng các chính sách hỗ trợ di dời chuồng trại gia súc sát nhà ra xa nhà ở, đảm bảo thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tiến độ thực hiện công tác di dời chuồng trại tại cơ sở; chỉ đạo các địa phương tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo chỉ tiêu kế hoạch giao; xây dựng các khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân không còn quỹ đất để di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở có chỗ ở đảm bảo ổn định cuộc sống. UBND các huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc phòng chuyên môn, các tổ chức chính trị xã hội, UBND các xã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành di dời 100% số chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở trước 30/6.

Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở NN&MT làm rõ, thống nhất số liệu giữa chỉ tiêu với kinh phí thực hiện; trách nhiệm trong công tác chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh chuồng trại; công tác phối hợp, thủ tục giải ngân nguồn kinh phí; chất lượng chuồng trại…

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng kết luận buổi giám sát.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng kết luận buổi giám sát.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Sở NN&MT trong công tác thực chính sách hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đề nghị Sở NN&MT tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết liên quan đến ngành nông nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, Thành phố triển khai kịp thời, hiệu quả công tác di dời chuồng trại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân hoàn thành chỉ tiêu theo tinh thần nghị quyết đề ra. Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở NN&MT, Ban Kinh tế - Ngân sách tiếp thu, tổng hợp trình Thường trực HĐND, xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/giam-sat-chinh-sach-ho-tro-xay-dung-chuong-trai-gia-suc-tai-so-nong-nghiep-va-moi-truong-3177533.html
Zalo