Giám sát chặt chẽ và đôn đốc tiến độ tiêm vắc-xin sởi
Bộ Y tế khẳng định tiếp tục theo dõi sát sao tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng, đồng thời bảo đảm các hoạt động tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Trước tình hình dịch bệnh sởi có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, Bộ Y tế đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi trên toàn quốc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 25/3/2025.

Bộ Y tế đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi trên toàn quốc.
Trước mắt, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi năm 2025, đợt 2, với mục tiêu bao phủ vắc-xin cho ít nhất 95% trẻ em trong độ tuổi có nguy cơ.
Theo kế hoạch, chiến dịch này được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trên cả nước, trừ 9 địa phương đã hoàn thành việc tiêm chủng từ năm 2024 và đợt 1 năm 2025, bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Cà Mau, Kon Tum, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang và Bạc Liêu.
Đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch lần này bao gồm trẻ em từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, và trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin sởi theo quy định. Mục tiêu của chiến dịch là đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 95% trở lên, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sởi.
Các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng triển khai các hoạt động rà soát đối tượng tiêm chủng, tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động để kêu gọi các bậc phụ huynh, người giám hộ đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng. Đặc biệt, các hình thức tiêm chủng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực đã được áp dụng, bao gồm tiêm chủng vào ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật) và tiêm chủng buổi tối.
Đến ngày 3/4/2025, chiến dịch đã được triển khai tại 53/54 tỉnh, thành phố, với tổng số 762.320 trẻ em đã được tiêm chủng trong tổng số 800.719 đối tượng cần tiêm, đạt tỷ lệ 95,2% hoàn thành đúng chỉ tiêu đề ra.
Riêng TP.Cần Thơ, nhờ đã hoàn thành tiêm chủng cho hầu hết đối tượng vào năm 2024 và đầu năm 2025, số đối tượng cần tiêm chủng còn lại rất ít, và sẽ được lồng ghép vào các buổi tiêm chủng định kỳ.
Trong số các tỉnh đã triển khai chiến dịch, 40 địa phương đã đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%, với 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất bao gồm Bắc Giang (98,0%), Khánh Hòa (97,5%), Phú Yên (97,5%), Lạng Sơn (97,4%) và Tiền Giang (97,3%). Đặc biệt, 12 tỉnh có tỷ lệ tiêm đạt từ 90-95%, chỉ duy nhất Hòa Bình có tỷ lệ tiêm dưới 90%, và hiện đang tiếp tục tổ chức tiêm vét cho những trẻ hoãn tiêm.
Để đảm bảo chiến dịch tiêm chủng được triển khai đúng tiến độ và hiệu quả, Bộ Y tế đã tổ chức hai cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố vào các ngày 15/3 và 26/3/2025.
Các cuộc họp này nhằm nhắc nhở các địa phương về tầm quan trọng của việc hoàn thành chiến dịch tiêm chủng trong thời gian sớm nhất, đồng thời đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình tiêm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương báo cáo số liệu tiêm chủng hàng ngày, cập nhật tình hình dịch bệnh để có chỉ đạo kịp thời.
Trong suốt quá trình triển khai, Bộ Y tế cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra và giám sát tại 25 tỉnh, thành phố từ ngày 20-31/3/2025 để hỗ trợ các địa phương trong công tác tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng.
Tại Việt Nam, vắc-xin phòng sởi được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi với phác đồ đầy đủ 2 mũi tiêm. Qua khảo sát và nghiên cứu, Bộ Y tế Việt Nam quyết định chọn mốc 9 tháng tuổi vì đây là thời điểm trẻ không còn kháng thể thụ động bảo vệ từ mẹ, tiêm vắc-xin sẽ đáp ứng miễn dịch cao.
Tại vùng dịch và vùng có nguy cơ cao, trẻ có thể tiêm từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Đây là mũi sởi 0 phòng bệnh sớm, sau đó trẻ vẫn tiếp tục thực hiện phác đồ tiêm mũi 1 vào lúc 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi.
Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, các chuyên gia y tế khuyến cáo phòng bệnh cho trẻ bằng cách tiêm ngừa cho những người thân trong gia đình thường xuyên tiếp xúc với trẻ.
Người lớn có thể vô tình trở thành nguồn lây trung gian cho trẻ, việc phòng ngừa cho chính bản thân sẽ tạo “tấm khiên” vô hình bảo vệ trẻ cho đến khi đủ tuổi tiêm phòng. Đồng thời, điều này cũng tạo miễn dịch chéo với các đối tượng dễ bị tổn thương khác như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch.
Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng, đồng thời bảo đảm rằng các hoạt động tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ em và cộng đồng, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh sởi trong bối cảnh dịch bệnh có thể tái bùng phát.
Với sự nỗ lực không ngừng của Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và các địa phương, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi năm 2025 sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc để kiểm soát bệnh sởi và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai.
Bác sỹ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, tuy hiệu quả vắc-xin phòng sởi cao, nhưng cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi theo quy định, vì nếu chỉ tiêm một mũi vắc-xin hiệu quả phòng bệnh chỉ đạt 85% nên phải thực hiện tiêm chủng đủ 2 mũi mới mang lại hiệu quả bảo vệ tối ưu. Hầu như đã tiêm đủ mũi vắc-xin sẽ không có nguy cơ mắc sởi hoặc nhiễm sởi biểu hiện rất nhẹ.