Giảm phụ thuộc Trung Quốc: Mỹ cần đồng minh, không chỉ thuế quan
Việc Mỹ - Trung đồng ý giảm thuế rõ ràng là một điều tốt. Nhưng đó vẫn chưa phải là một bước đột phá. Và chắc chắn không thể gọi đó là một chiến thắng cho Tổng thống Trump.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (giữa) trong cuộc họp báo về đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc về việc tạm thời đình chỉ các mức thuế “ăn miếng trả miếng” ở mức ba con số trong 90 ngày là một tin tích cực. Điều đó cho phép ít nhất một phần hoạt động thương mại song phương tiếp tục diễn ra.
Theo trang Asia Times, việc Mỹ - Trung đồng ý giảm thuế rõ ràng là một điều tốt. Những người từng chỉ trích chính sách thuế quan của ông Trump hoàn toàn ủng hộ. Nhưng dù là tin tốt, đó vẫn chưa phải là một bước đột phá. Và chắc chắn không thể gọi đó là một chiến thắng cho Tổng thống.
Nó là một bước đi đúng đắn, bởi nếu tiếp tục giữ các mức thuế chiến tranh – 145% từ phía Mỹ và 125% từ phía Trung Quốc – thì thương mại giữa hai nước gần như sẽ tê liệt hoàn toàn.
Với mức thuế mới, lần lượt là 30% từ Mỹ và 10% từ Trung Quốc, việc giao thương – bao gồm cả thương mại nông sản – sẽ có thể tiếp tục, dù vẫn còn nhiều rào cản. Mỹ từ đây có thể chuyển hướng sang mục tiêu quan trọng hơn: chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các sản phẩm thiết yếu mà hiện Mỹ không thể tìm nguồn thay thế.
Một phần của thương mại song phương là có lợi, nhưng không phải tất cả. Như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói: Mỹ không muốn “tách rời toàn diện” khỏi Trung Quốc, mà chỉ muốn “tách rời có chọn lọc, mang tính chiến lược”.
Các thị trường tài chính cũng tỏ ra hài lòng khi lần này chính Bộ trưởng Tài chính Bessent – một người thực dụng hơn – đại diện chính quyền phát ngôn về thuế quan, thay vì Peter Navarro, cố vấn Nhà Trắng vốn là kiến trúc sư của các đòn áp thuế quy mô lớn nhằm vào Trung Quốc và nhiều nước khác.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trả lời phỏng vấn báo chí sau đàm phán thương mại với các quan chức cấp cao Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11/5/2025. Ảnh: EDA/TTXVN
Thỏa thuận này cũng là tín hiệu tích cực vì nó mở ra kỳ vọng về những cải thiện tiếp theo trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Người nông dân và giới chăn nuôi Mỹ, chẳng hạn, rất mong các rào cản thuế quan và phi thuế quan từ phía Trung Quốc đối với sản phẩm Mỹ được dỡ bỏ hoàn toàn.
Tuy vậy, đây vẫn chưa phải một bước đột phá, bởi lẽ: thỏa thuận chỉ có thời hạn 90 ngày, và các mức thuế dù giảm vẫn ở mức rất cao – áp dụng tràn lan với cả mặt hàng thiết yếu lẫn không thiết yếu.
Điều đáng tiếc hơn cả là: chính quyền Tổng thống Trump vẫn đang bỏ lỡ cơ hội thực sự để làm điều duy nhất có khả năng giảm bớt sự phụ thuộc nguy hiểm của Mỹ vào Trung Quốc – đó là phối hợp chính sách thuế quan và công nghiệp với các đồng minh.
Trung Quốc hiện thống trị ngành sản xuất toàn cầu và đang đầu tư rất lớn để tiếp tục giữ vị thế này. Bắc Kinh muốn giảm thiểu sự lệ thuộc vào thế giới, trong khi khiến phần còn lại của thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, từ thép đến chip bán dẫn – cả mặt hàng thiết yếu lẫn phi thiết yếu.
Bằng cách xây dựng năng lực sản xuất khổng lồ, Trung Quốc đạt được lợi thế quy mô giúp họ bán với giá mà các đối thủ không thể cạnh tranh nổi.
Tại Mỹ hiện có sự đồng thuận lưỡng đảng rằng điều này là mối đe dọa. Và không chỉ với Mỹ – đó cũng là nguy cơ đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Canada và nhiều đồng minh truyền thống khác. Khó có quốc gia đơn lẻ nào có thể tự bảo vệ mình khi đối đầu với Trung Quốc. Lợi thế quy mô của Trung Quốc chỉ đơn giản là quá lớn.
Thế nhưng thay vì phối hợp chính sách với các đồng minh, chính quyền Mỹ hiện nay lại hành xử như thể họ là đối thủ. Thuế quan “có đi có lại” của Mỹ đối với hàng Nhật hiện là 24%. Với ô tô – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật – là 25%. Đối với EU, mức thuế “có đi có lại” là 20%. Chính quyền ông Trump gọi đó là “có đi có lại”, nhưng thực chất, các mức thuế này không hề tương xứng – phía các nước kia không áp mức thuế tương tự lên hàng hóa Mỹ.
Trái lại, Trung Quốc áp thuế “có đi có lại” ở mức 10%; mức 30% hiện tại bao gồm thêm 20% thuế phạt liên quan đến fentanyl. Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng siết chặt kiểm soát fentanyl. Nếu họ thực sự hành động, thì rất có thể mức thuế Mỹ đánh vào Trung Quốc sẽ còn thấp hơn so với Nhật hay EU.
Đó rõ ràng không phải là một kết cục tích cực.

Phối hợp với các đồng minh – chứ không phải đơn độc áp thuế – mới là cách cắt giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong ảnh, tàu chở hàng của hãng vận tải Trung Quốc COSCO neo tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Dĩ nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đang tuyên bố đây là một thắng lợi. Nhưng phía Trung Quốc lại tin rằng họ mới là bên chiến thắng – và họ có lý do để nghĩ như vậy.
Khi ông Trump áp mức thuế 145% hồi đầu tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình không hề nhượng bộ hay lùi bước. Ông đáp trả bằng thuế 125% lên hàng Mỹ và kêu gọi người dân Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại kéo dài.
Trước phản ứng cứng rắn từ Bắc Kinh, cộng thêm sự lo lắng từ thị trường tài chính và sự bất mãn của giới doanh nghiệp Mỹ, ông Trump buộc phải chấp nhận giảm thuế. Thỏa thuận mà các nhà đàm phán của ông đạt được thực chất chỉ là mỗi bên cùng giảm mức thuế đi 115 điểm %. Bắc Kinh không phải nhượng bộ gì thêm.
Một bài xã luận của Wall Street Journal đã nhận định, thỏa thuận này là một “bước lùi lớn” của chính quyền Mỹ – và là “chiến thắng của thực tế kinh tế”.
Các chính sách thuế quan của ông Trump đối với đồng minh đã bào mòn lòng tin dành cho Mỹ. Nhưng hy vọng rằng họ vẫn còn kịp để sửa sai và khôi phục phần nào niềm tin đó.
Asia Time cho rằng, cả Mỹ và các đồng minh đều không thể tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc trong các sản phẩm thiết yếu. Và cách tốt nhất để tránh kịch bản đó là: hợp tác với đồng minh, thay vì quay lưng lại với họ.