Giảm phát thải trong chế biến tôm

Hướng đến sản xuất xanh và nâng giá trị cho các phụ phẩm là xu hướng mà doanh nghiệp chế biến tôm đang triển khai.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Với hướng đi này, doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội thâm nhập thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính, trong quá trình chinh phục Net Zero của người tiêu dùng. Sản xuất xanh là tất yếu, bởi để giữ được môi trường sống và sản xuất, bảo vệ sức khỏe con người và bầu khí quyển, giảm phát thải đóng góp vai trò rất quan trọng.

Đầu tư sản xuất giảm phát thải

Khởi đầu cho vấn đề doanh nghiệp bắt buộc phải giảm phát thải mới được kí hợp đồng xuất khẩu là thị trường châu Âu. Đây là thị trường lớn tiêu thụ thủy sản của Việt Nam, trong đó có sản phẩm tôm.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và châu Âu đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Còn thị trường Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu. Ước tính kim ngạch xuất khẩu tôm 11 tháng năm 2024 hơn 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với cùng kì năm 2023.

Triển vọng xuất khẩu sản phẩm tôm Việt Nam vốn lớn, lại được người tiêu dùng nhiều thị trường ưa chuộng, sử dụng nhiều, nhất là trong các dịp lễ hội. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng luôn là mục tiêu đầu tư phát triển sản xuất của ngành hàng này.

Theo ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực tế ngành chế biến thủy sản Việt Nam nói chung, chế biến tôm đông lạnh nói riêng đang tích cực chuyển đổi và đã có những tiến bộ đáng kể. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn đã áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn để giảm thiểu, tiết kiệm tối đa nguyên nhiên vật liệu, năng lượng.

Bên cạnh đó, 100% cơ sở chế biến đã thay thế bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn LED để tiết kiệm điện. Các phụ phẩm thủy sản, chất thải rắn, vỏ bao bì… được thu gom triệt để, bảo quản và bán cho các đơn vị thu mua. Hầu hết cơ sở đều có hệ thống xử lý nước thải riêng hoặc được đưa đến cơ sở xử lý tập trung trong các khu công nghiệp.Tuy nhiên, đối với những cơ sở nhỏ vẫn còn bất cập, tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế chất thải thấp.

Để nâng cao chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhỏ cần đầu tư, sử dụng hệ thống điện mặt trời để nâng cao hiệu quả, giảm hệ số phát thải, đẩy nhanh tiến trình thay thế môi chất lạnh trong cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt là cơ sở quy mô nhỏ. Các nhà máy chế biến quản lý chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng nước đá, sử dụng kho lạnh, hệ thống điều hòa nhiệt độ, thay thế bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn LED, quản lý sử dụng năng lượng và quy trình vận hành thiết bị lạnh, hạn chế chạy không tải, non tải.

Tận dụng phụ phẩm

Cùng với đầu tư hệ thống sản xuất giảm phát thải, các doanh nghiệp chế biến tôm cũng đang có xu hướng tận dụng phế phẩm của tôm để tạo thêm giá trị gia tăng, tránh lãng phí nguồn tài nguyên phụ phẩm hữu cơ.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, tại 34 địa phương có hoạt động chế biến tôm trên cả nước, chỉ trong 2 năm, tổng sản lượng phế phụ phẩm tôm là 500.000 tấn, chủ yếu là đầu và vỏ tôm. Hiện nay, hệ thống chế biến, xuất khẩu thủy sản hiện có khoảng 850 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra có khoảng 3.530 cơ sở quy mô nhỏ và vừa phục vụ chế biến nội địa.

Riêng đối với cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, có tới 82% cơ sở chế biến đông lạnh; trong đó, có khoảng 350 cơ sở chuyên chế biến tôm phân bố chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ (chiếm đến 85,4%). Lượng phụ phẩm tôm này có thể mang lại giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu từ các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm mang về gần 4.000 tỷ đồng. Nếu tận dụng tốt, con số này có thể cao hơn rất nhiều, thậm chí có chuyên gia còn cho rằng có thể mang về cả tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện nay, trước thách thức về môi trường, dịch bệnh và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không thể phủ nhận thời gian qua các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, từ việc ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng khu nuôi… giúp việc quản lý môi trường tốt hơn, giảm phát thải, kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp.

Cùng đó, doanh nghiệp chế biến tôm cũng đang áp dụng 3 giải pháp đổi mới sáng tạo trong chế biến phụ phẩm tôm gồm hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS) giúp tiết kiệm và kiểm soát chất lượng nước, giảm thiểu bệnh dịch, nâng cao năng suất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường; mô hình nuôi tôm – rừng cải tiến, nâng cao tỷ lệ sống của tôm giống thả nuôi bằng ương dưỡng, cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên để nâng cao năng suất và giải pháp cải thiện chất lượng nước, nâng cao chất lượng tôm giống và an toàn sinh học.

Đáng lưu ý, 3 giải pháp này thuộc Dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững (i4Ag) và tham vấn đổi mới sáng tạo trong ngành tôm Việt Nam theo hướng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Ông Ngô Tiến Chương, Trưởng nhóm Thủy sản GIZ nhấn mạnh, để phát triển hiệu quả ngành tôm, một trong những giải pháp hàng đầu được đặt ra là áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường. Về lâu dài, công nghệ cũng sẽ giúp người nuôi và doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Theo ông Đào Trọng Hiếu, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho ngành tôm. Vì vậy, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tái chế, chế biến phụ phẩm tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, y dược và mỹ phẩm. Bởi, dư địa lĩnh vực này còn rất lớn, khoảng 70% phụ phẩm tôm chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm chiếm hơn 15% và trong y dược chưa tới 2%. Trong khi đó, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm chủ yếu tiêu thụ trong nước tới 80 – 90%, còn lại là xuất khẩu, chủ yếu sang các nước châu Á (Trung Quốc, Thái Lan).

Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giam-phat-thai-trong-che-bien-tom-20241130082523379.htm
Zalo