Giảm phát thải, tăng hấp thụ – 'công thức' xây dựng du lịch Net-Zero

Để phát triển du lịch Net-Zero, cần một lộ trình rõ ràng, trong đó kết hợp đồng thời giữa việc giảm phát thải và tăng cường khả năng hấp thụ khí thải. Từ thực tiễn tại khu du lịch Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt cho thấy, mô hình này đòi hỏi sự lan tỏa nhận thức trong cộng đồng, áp dụng giải pháp thực tiễn cụ thể và thiết lập tiêu chuẩn đánh giá.

Theo đó, để xây dựng điểm đến Net-Zero hiệu quả, cần tiếp cận theo ba cấp độ, đó la nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai giải pháp thực tế và thiết lập hệ thống tiêu chuẩn đánh giá. Đồng thời, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng, cùng các chính sách hỗ trợ cụ thể, sẽ thúc đẩy mô hình này phát triển bền vững.

Đây là nội dung chính tại tọa đàm “Phát triển du lịch Net-Zero: Cách nào để làm đúng và đủ?”do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp với Khu du lịch Làng Nhỏ – Hồ Láng Nhớt (Khánh Hòa) tổ chức trong khuôn khổ lễ công bố “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2024 vào chiều nay, 28-3.

Các diễn giả tham gia tọa đàm. Từ trái qua phải, ông Nguyễn Mạnh Bình San, chủ Khu du lịch Làng Nhỏ – hồ Láng Nhớt; ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa và nhà báo Võ Hồng Văn - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Ảnh: Anh Đào

Các diễn giả tham gia tọa đàm. Từ trái qua phải, ông Nguyễn Mạnh Bình San, chủ Khu du lịch Làng Nhỏ – hồ Láng Nhớt; ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa và nhà báo Võ Hồng Văn - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Ảnh: Anh Đào

Du lịch Net-Zero: Góc nhìn thực tiễn tại Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt

Ông Nguyễn Mạnh Bình San, chủ khu du lịch Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt, chia sẻ khi bắt đầu xây dựng khu du lịch Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt, ông và đội ngũ chỉ tập trung vào mô hình du lịch sinh thái, mà chưa biết đến khái niệm "Net-Zero".

Tuy nhiên, khi tìm hiểu về các tiêu chí thực hành du lịch Net-Zero, ông nhận ra rằng đây là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng du lịch bền vững. Du lịch Net-Zero hướng đến mục tiêu cân bằng giữa phát thải và hấp thụ, thậm chí đạt mức phát thải âm để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Theo ông San, ngành du lịch có tác động lớn và liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên rất khó kiểm soát toàn diện. Do đó, cách tiếp cận khả thi nhất là xây dựng điểm đến Net-Zero. Trong thực hành Net-Zero tại điểm đến, có ba cấp độ chính.

Thứ nhất là những hoạt động tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Thứ hai là các yếu tố cốt lõi và nền tảng, bao gồm việc triển khai các giải pháp thực tế để giảm phát thải và tăng hấp thụ thải. Thứ ba là những tiêu chuẩn và chỉ số đánh giá, giúp đo lường và chứng nhận mức độ Net-Zero của một điểm đến.

Trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là tăng hấp thụ thải và giảm phát thải. Đối với hấp thụ phát thải, Làng Nhỏ tập trung vào khôi phục hệ sinh thái rừng tái sinh, trong đó 35ha đã đạt chuẩn rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ hai lưu vực nước quan trọng của hồ Láng Nhớt.

Về giảm phát thải, khu du lịch chú trọng vào năng lượng tái tạo và giảm tác động từ hoạt động xây dựng. Hiện nay, hơn 90% điện năng sử dụng tại Làng Nhỏ - Hồ Làng Nhớt là từ năng lượng tái tạo, không kết nối lưới điện quốc gia.

Chỉ vào mùa mưa ít nắng, Làng Nhỏ - Hồ Làng Nhớt mới sử dụng máy phát điện trong khoảng 2 giờ mỗi ngày để bù đắp lượng điện thiếu hụt. Hệ thống điện hiện tại với công suất 36 kW/h đang giúp giảm khoảng 15.000 tấn khí thải mỗi năm, và con số này sẽ tiếp tục được cải thiện trong tương lai.

Bên cạnh đó, trong các hoạt động mang tính lan tỏa, Làng Nhỏ luôn khuyến khích việc tiết kiệm và tái sử dụng, đặc biệt là ưu tiên vật liệu tái sinh và các sản phẩm có thể dùng nhiều lần và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.

Không gian xanh mát tại khu du lịch Làng Nhỏ - Hồ Làng Nhớt.

Không gian xanh mát tại khu du lịch Làng Nhỏ - Hồ Làng Nhớt.

Tuy nhiên, theo ông San, hành trình hướng đến Net-Zero tại các điểm du lịch không tránh khỏi những thách thức, trong đó, việc thiếu tiêu chí đánh giá nội địa là một rào cản lớn. Khi chưa có hệ thống tiêu chuẩn cụ thể, việc đo lường và chứng nhận mức độ Net-Zero của điểm đến trở nên khó khăn, khiến các doanh nghiệp chưa thể xác định rõ hướng đi phù hợp để triển khai mô hình này.

Để khắc phục điều đó, ông Nguyễn Mạnh Bình San cho rằng cần xây dựng một lộ trình rõ ràng với sự tham gia của nhiều bên. Trong đó, quan trọng nhất là thiết lập bộ tiêu chuẩn và chính sách bắt buộc nhằm tạo ra khung quy định chặt chẽ, giúp đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình áp dụng du lịch Net-Zero.

Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của sự phối hợp giữa các bên trong ngành du lịch. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để du khách hiểu rõ và gắn bó lâu dài với điểm đến. Trên cơ sở đó, Nhà nước xây dựng chính sách phù hợp, doanh nghiệp triển khai thực hiện, và người dân là những người trực tiếp hưởng lợi từ du lịch.

Tiếp theo, các doanh nghiệp cần nhìn thấy lợi ích thực tế và giá trị gia tăng khi áp dụng mô hình du lịch Net-Zero. Ngoài việc tạo ra lợi thế cạnh tranh, nếu doanh nghiệp được hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi từ phía nhà nước, họ sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để đầu tư vào các giải pháp bền vững. Khi lợi ích kinh tế song hành cùng trách nhiệm môi trường, nhận thức của các chủ đầu tư về du lịch Net-Zero cũng sẽ dần thay đổi theo hướng tích cực.

Cuối cùng, việc lan tỏa nhận thức tiêu dùng và lối sống xanh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch Net-Zero phát triển lâu dài. Khi cộng đồng hiểu rằng tiết kiệm là văn minh, tiết kiệm chính là bảo vệ môi trường, xu hướng tiêu dùng xanh sẽ được nhân rộng. Sự ủng hộ từ du khách đối với những điểm đến bền vững không chỉ giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để theo đuổi mô hình này, mà còn tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong ngành du lịch.

Khánh Hòa hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững

Khánh Hòa đang từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng tự nhiên và văn hóa.

Tại xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, ngay từ đầu, chính quyền địa phương đã ủng hộ mô hình du lịch sinh thái tại Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt, kết hợp vườn đồi, vườn rừng và mặt hồ. Mô hình này không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Nhờ sự hiểu biết về du lịch sinh thái, cộng đồng địa phương cũng tích cực ủng hộ các mô hình du lịch xanh.

Theo ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển du lịch xanh. Bên cạnh các khu nghỉ dưỡng cao cấp, Khánh Hòa đang đẩy mạnh các sản phẩm du lịch kết hợp giữa rừng và biển, mang đến trải nghiệm sinh thái và nghỉ dưỡng hấp dẫn cho du khách.

Khánh Hòa đang từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng tự nhiên và văn hóa.

Khánh Hòa đang từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng tự nhiên và văn hóa.

Trong thời gian tới, theo ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, tỉnh sẽ mở rộng các sản phẩm du lịch xanh và cộng đồng tại các khu vực phía Tây như Khánh Sơn, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Đặc biệt, huyện Diên Khánh được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh bền vững.

Định hướng này phù hợp với đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030”, đặt trọng tâm vào phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu quả hệ sinh thái địa phương và bảo vệ môi trường. Đề án hướng đến việc mở rộng, kết nối các tuyến du lịch xanh, đồng thời đặt ra các mục tiêu cụ thể như đến năm 2030, 80% chất thải rắn tại các cơ sở du lịch được phân loại tại nguồn, 80% cơ sở cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, và 95% cơ sở đầu tư vào năng lượng tái tạo...

Với những bước đi cụ thể, Khánh Hòa đang từng bước xây dựng một nền du lịch thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách.

Nguyên Phong

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/giam-phat-thai-tang-hap-thu-cong-thuc-xay-dung-du-lich-net-zero/
Zalo