'Quẳng điện thoại đi' không phải cách giúp ta tập trung hơn

Bạn có chắc rằng khi không có điện thoại trong tầm tay, bản thân sẽ ít lướt mạng xã hội và hoàn thành công việc hiệu quả hơn không?

 Quăng điện thoại đi không giúp bạn tập trung hơn. Ảnh: ABC News.

Quăng điện thoại đi không giúp bạn tập trung hơn. Ảnh: ABC News.

Với vô vàn tin nhắn, thông báo, và nhiều ứng dụng khóa ứng dụng để tăng sự tập trung, chúng ta dễ nghĩ rằng chính điện thoại là nguyên nhân chính gây xao nhãng. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở người sử dụng nó.

Đó là kết luận từ nghiên cứu được công bố ngày 28/3 trên tạp chí Frontiers in Computer Science, cho thấy mọi người có nhiều cách khác để đánh lạc hướng sự chú ý ngay cả khi không cầm điện thoại trên tay.

Nhà tâm lý học Maxi Heitmeyer, tác giả của nghiên cứu, cho rằng nếu muốn giảm thời gian lướt mạng xã hội và tăng hiệu suất hàng ngày, thì việc cất điện thoại đi là không đủ. Ông đã có hơn một thập kỷ nghiên cứu, với phương pháp sử dụng camera ghi lại chân thực cách con người tương tác với máy móc.

Vấn đề nằm ở cách sử dụng điện thoại

Trong một nghiên cứu trước đây, Heitmeyer phát hiện con người có xu hướng nhặt điện thoại lên một cách vô thức cho dù không có thông báo hay tiếng động nào phát ra. Lần này, ông muốn tìm hiểu nếu không có điện thoại thì điều gì sẽ xảy ra.

Nghiên cứu mới nhất của ông được thực hiện trên 22 người trẻ trong độ tuổi lao động, ngồi làm việc trong một không gian cùng với máy tính xách tay và điện thoại. Phân nửa số thời gian điện thoại sẽ bị đem đi ra xa khỏi tầm tay của họ.

Kết quả cho thấy thời gian giải trí, sử dụng mạng xã hội của họ không thay đổi, khác là nó chỉ chuyển từ điện thoại sang máy tính. Tiến sĩ Heitmeyer từ đó kết luận rằng nguyên nhân dẫn đến sự phân tâm nằm ở thói quen mà con người đã hình thành qua các ứng dụng trên điện thoại.

 Thói quen mở điện thoại, vào lần lượt các ứng dụng theo một trình tự chính là nguyên nhân gây xao nhãng. Ảnh: Unsplash.

Thói quen mở điện thoại, vào lần lượt các ứng dụng theo một trình tự chính là nguyên nhân gây xao nhãng. Ảnh: Unsplash.

"Thay vì đứng dậy nghỉ ngơi, ăn một quả táo hoặc trò chuyện với ai đó, chúng ta lại bị cuốn vào việc lướt mạng xã hội và để sự chú ý của mình bị thương mại hóa”, tiến sĩ cho biết.

Mặc dù nghiên cứu này chưa được lặp lại trên nhiều nhóm đối tượng khác nhau, các chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu vẫn đồng ý rằng não bộ của chúng ta đang bị định hình bởi vô số ứng dụng cạnh tranh để thu hút sự chú ý.

Michael Moshel, nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành thần kinh tâm lý lâm sàng tại Đại học Macquarie cho rằng vì các nội dung trong ứng dụng điện thoại liên tục thay đổi (video ngắn, bài đăng, tin nhắn,...), não bộ đã dần quen với việc chuyển đổi sự chú ý liên tục trong thời gian ngắn.

Hệ quả là khi không sử dụng điện thoại, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung vào những nhiệm vụ đòi hỏi thời gian dài hơn, như đọc sách, làm việc hay học tập. Nói cách khác, bộ não đã thích nghi với việc "lướt qua" thông tin nhanh chóng thay vì tập trung sâu vào một điều gì đó.

Hệ quả của sự mất tập trung kéo dài

Tiến sĩ Mark Williams từ Đại học Macquarie cho biết càng bị phân tâm, chúng ta càng có ít thời gian để tiếp nhận thông tin.

“Mỗi lần bị xao nhãng, bạn mất khoảng 90 giây"

Tiến sĩ Mark Williams

Khả năng tập trung trong một khoảng thời gian nhất định đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng nhận thức, bao gồm cả trí nhớ. Nếu liên tục bị gián đoạn, thông tin chỉ dừng lại ở trí nhớ làm việc (working memory), một nơi có dung lượng hạn chế và dễ dàng bị lãng quên trước khi kịp ghi nhớ lâu dài.

Giống như khi chúng ta đọc một quyển sách, chúng ta sẽ cần đọc đi đọc lại một đoạn văn sau khi bị mất tập trung. Khi chuyển liên tục từ thứ này sang thứ khác, lượng thông tin tiếp nhận được cũng ít hơn.

 Để bản thân buồn chán, chú ý đến những thói quen nhỏ chính là giải pháp để "cai" điện thoại. Ảnh: Pexels.

Để bản thân buồn chán, chú ý đến những thói quen nhỏ chính là giải pháp để "cai" điện thoại. Ảnh: Pexels.

Tiến sĩ Heitmeyer thừa nhận ông không phải là một người phản đối công nghệ, ngược lại cho rằng các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại giúp chúng ta giải trí và kết nối nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, xu hướng cầm điện thoại lên khi rảnh rỗi đã bị các nền tảng tận dụng để thiết kế thuật toán, thông báo và nội dung gây nghiện, giữ chân chúng ta lâu nhất có thể.

Vì thế, với nghiên cứu này, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhận thức về những thói quen nhỏ, như kiểm tra điện thoại vô thức hay lướt mạng xã hội liên tục. Đồng thời, đây là một vấn đề không dừng lại ở mỗi cá nhân, mà cần có một cách tiếp cận rộng hơn ở cấp độ xã hội.

Nhật Tường

Nguồn Znews: https://znews.vn/quang-dien-thoai-di-khong-phai-cach-giup-ta-tap-trung-hon-post1542017.html
Zalo