Giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn: Cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng

Ô nhiễm môi trường không khí đã và đang là vấn đề thách thức lớn tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố, đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để giải quyết.

Ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng

Các đô thị lớn tại Việt Nam đang phải chịu áp lực rất lớn từ quá trình đô thị hóa, sự gia tăng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quá nhanh và các hoạt động xây dựng làm tăng áp lực lớn đến chất lượng môi trường không khí. Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Việt Nam trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết. Hằng năm, ô nhiễm không khí tập trung từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm tiếp theo. Dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong ngày, ô nhiễm không khí tập trung từ nửa đêm đến sáng.

 Tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN BẮC

Tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN BẮC

Như ở Hà Nội, theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm hơn 40%. Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.350 làng nghề và làng có nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Mỗi ngày thành phố tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn... Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình là Hà Nội đã xóa bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt hơn 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn. Thành phố cũng đã triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí...

Mặc dù các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có thêm các giải pháp để tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng không khí.

Cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh

Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để giải quyết tình trạng này. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành “Cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí” để triển khai thực hiện.

Khí thải từ ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: ĐÌNH HIẾU

Khí thải từ ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: ĐÌNH HIẾU

Về các giải pháp kỹ thuật, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng hoàn thiện, vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn thải, giám sát tự động các nguồn thải lớn và kết nối dữ liệu trực tuyến. Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố công khai theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm, đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm những nguồn thải tác động đến chất lượng môi trường không khí, bổ sung diện tích cây xanh, mặt nước, tăng cường vệ sinh đường phố... Về lâu dài, Việt Nam cần có đề án chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng với lộ trình thực hiện sớm nhất.

Ông Lê Hoài Nam, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, trước mắt, cần rà soát, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí. Trong đó, cần tập trung vào các chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường; chính sách về hỗ trợ về công nghệ xử lý, sản phẩm thân thiện với môi trường...

Về phía Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ và Môi trường cho biết, Bộ Giao thông vận tải đề xuất một số giải pháp bao gồm kiểm soát khí thải thông qua việc áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trước khi đưa vào lưu hành cũng như các loại xe cơ giới đang lưu hành; kiểm soát phát thải thông qua các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển phương tiện giao thông ít phát thải.

Nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm không khí tác động trực tiếp tới sức khỏe con người, bà Lê Thái Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã thực hiện một số giải pháp như xây dựng “Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” theo các mức chỉ số chất lượng không khí AQI cho người bình thường và những người nhạy cảm...

LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giam-o-nhiem-khong-khi-tai-cac-do-thi-lon-can-su-phoi-hop-lien-nganh-lien-vung-804141
Zalo