Giảm ô nhiễm biển: Bảo vệ sinh vật và môi trường, tạo sinh kế bền vững

Giảm thiểu ô nhiễm biển là một nhiệm vụ cấp bách mà mỗi quốc gia cần phải thực hiện để bảo vệ sinh vật biển và môi trường, tạo sinh kế bền vững.

Mỗi năm có hàng triệu du khách đổ về các khu du lịch biển đảo để tham quan. Những du khách mang theo và sử dụng nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần, khi họ rời khỏi, một phần không nhỏ trong số những sản phẩm nhựa này bị bỏ lại trên các bãi biển, đường phố, và khu vực công cộng mà không được thu gom và xử lý đúng cách. Rác thải nhựa này vừa làm mất mỹ quan, vừa gây nguy hiểm cho các loài động, thực vật biển và môi trường sinh thái.

Ta có thể thấy rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi từ trên đường phố đến dưới sông ngòi, từ khu dân cư đến các khu công nghiệp, nhà hàng,… Có thể nói rằng ở đâu có hoạt động của con người ở đó có rác thải nhựa. Nhưng hầu hết chúng có một điểm chung là nếu không được phân loại và xử lý thì đều được xả ra biển.

Chúng từ đất liền trôi theo ống nước ngầm, sông, suối… ra biển. Do con người khi xả rác bừa bãi xuống sông, suối, đường phố… bị gió và mưa thổi bay, cuốn trôi ra biển. Rác thải nhựa cũng bị cuốn từ đất liền xuống biển do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan (mưa bão, sóng thần, lốc xoáy…).

Bên cạnh đó, các vụ tràn dầu từ tàu chở dầu, giàn khoan dầu và các sự cố liên quan đến dầu mỏ cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Những hóa chất độc hại từ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày bị xả thẳng vào các sông ngòi và sau đó đổ ra biển. Các chất này bao gồm kim loại nặng, thuốc trừ sâu, phân bón, và các hợp chất hữu cơ khó phân hủy. Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn đổ ra biển, mang theo vi khuẩn, virus và các chất hữu cơ gây hại. Tình trạng này phổ biến ở các khu vực phát triển đô thị ven biển, nơi hệ thống xử lý nước thải còn lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài ra, các hoạt động khai thác dầu khí, khoáng sản dưới đáy biển và đánh bắt cá quá mức cũng làm suy giảm nguồn tài nguyên và gây hại cho môi trường biển. Việc sử dụng các phương pháp khai thác thiếu bền vững như đánh bắt bằng lưới quét, nổ mìn và khai thác dầu sâu trong lòng biển gây ra tổn hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái.

Ô nhiễm biển gây ra sự suy giảm đáng kể trong các quần thể sinh vật biển. Các loài động vật biển (cá, rùa, cá voi, chim biển và san hô) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những mảnh nhựa lớn bị phân hủy thành microplastics, lan truyền khắp nơi và xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Nhiều loài ăn phải rác thải nhựa hoặc bị mắc kẹt làm tổn thương nội tạng. Số liệu thống kê cho thấy, việc nuốt phải rác thải nhựa đã được ghi nhận với tỷ lệ cao đến 31% ở một số loài, trong đó có 46 loài thuộc Bộ Cá voi.

Dầu tràn từ các vụ tai nạn tàu chở dầu và các giàn khoan dầu tạo ra lớp màng trên bề mặt nước, ngăn cản ánh sáng mặt trời và oxy tiếp cận với các sinh vật dưới nước, dẫn tới tình trạng chết ngạt hàng loạt. Dầu cũng bám vào lông và da của các loài chim biển và động vật có vú, làm giảm khả năng cách nhiệt và khả năng nổi của chúng. Từ đó dẫn tới việc nhiều loài động vật bị mất nhiệt, mất khả năng di chuyển và dễ bị tổn thương trước các yếu tố môi trường khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, những hóa chất độc hại từ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày tích tụ trong cơ thể sinh vật biển và lan truyền trong chuỗi thức ăn, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cá và các loài động vật biển khác bị nhiễm độc hóa chất có thể phát triển các bệnh lý, khi con người tiêu thụ hải sản bị nhiễm độc, các hóa chất này cũng xâm nhập vào cơ thể và gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Đáng chú ý, khi một loài bị suy giảm hoặc tuyệt chủng, các loài khác trong chuỗi thức ăn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, gây ra hiệu ứng domino và làm mất cân bằng hệ sinh thái biển. Điều này có thể dẫn đến sự bùng phát của các loài gây hại và làm mất cân bằng hệ sinh thái biển.

Ngoài ra, rác thải nhựa đại dương gây ra thiệt hại về thu nhập của các ngành nghề và người dân. Nếu người tiêu dùng nhận thức rằng hải sản chứa vi nhựa có khả năng gây ra những rủi ro sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng hải sản.

Đối với ngành du lịch, đây là ngành vừa bị ảnh hưởng bởi rác thải biển nhưng đồng thời lại là nguồn phát sinh rác thải lớn. Sự có mặt của rác thải trên biển khiến du khách không muốn đến bãi biển, do đó làm giảm lượng du khách dẫn đến giảm thu nhập và việc làm cho ngành du lịch,... Chi phí cho việc dọn dẹp rác thải biển nhằm đảm bảo và duy trì sức hấp dẫn lẫn sự an toàn của bãi biển đối với người sử dụng và có thể tiêu tốn chi phí đáng kể, trong một số trường hợp có thể tăng thêm gánh nặng cho chính quyền địa phương.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, hiện nay, một trong những thách thức trong triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là thực trạng ô nhiễm rác thải trên các vùng biển Việt Nam. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam.

Để giảm thiểu ô nhiễm biển, Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương đã cùng hành động để đảo ngược làn sóng rác thải nhựa, trong đó thực hiện theo Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 được ban hành vào cuối năm 2019.

Theo ông Lê Đại Thắng, Phó Trưởng phòng Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, biện pháp lâu dài để đối mặt với lượng rác thải, nhất là rác thải nhựa trên biển là bài toán rất khó và phức tạp, đòi hỏi sự tham gia, tích cực của tất cả các bên liên quan.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất là giảm thiểu việc sử dụng nhựa dùng một lần và tăng cường tái chế. Nhựa dùng một lần là những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nhựa trên biển.

Chính phủ có thể ban hành các chính sách hạn chế hoặc cấm sử dụng nhựa dùng một lần, đồng thời khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như túi vải, chai thủy tinh và ống hút kim loại. Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế để đảm bảo rằng rác thải nhựa được thu gom và tái chế một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc xử lý nước thải cũng là một yếu tố quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm biển. Các quốc gia cần nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo nước thải từ các khu đô thị và công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi đổ ra môi trường. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải giúp loại bỏ các chất ô nhiễm như kim loại nặng, hóa chất độc hại và vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc xử lý nước thải cũng là một yếu tố không thể thiếu.

Các quốc gia cũng cần thiết lập các biện pháp phòng ngừa tràn dầu và xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh chóng khi xảy ra sự cố. Các công ty khai thác dầu khí cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường để giảm thiểu nguy cơ tràn dầu.

Các khu bảo tồn biển cần được thiết lập và quản lý một cách hiệu quả để bảo vệ các loài sinh vật biển và hệ sinh thái. Hạn chế khai thác tài nguyên biển, bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và khôi phục các rạn san hô bị suy thoái. Các chương trình khôi phục rạn san hô và trồng cây ngập mặn cũng cần được triển khai để tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái biển đối với các tác động của ô nhiễm.

Việc giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm biển và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường là điều vô cùng cần thiết. Các chiến dịch truyền thông, giáo dục trong trường học và các chương trình tập huấn cộng đồng cần được triển khai rộng rãi để khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường biển.

Hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển. Các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ với nhau thông qua các hiệp định quốc tế về bảo vệ môi trường biển, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm trong việc giảm thiểu ô nhiễm. Các tổ chức quốc tế và khu vực cũng cần hỗ trợ các quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường biển và phát triển các chương trình nghiên cứu về tác động của ô nhiễm biển và các giải pháp giảm thiểu.

Như vậy, giảm thiểu ô nhiễm biển đòi hỏi một nỗ lực toàn diện và phối hợp từ mọi phía. Bằng cách thực hiện các giải pháp cụ thể như giảm sử dụng nhựa, xử lý nước thải hiệu quả, phòng chống tràn dầu, bảo vệ hệ sinh thái biển, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế, chúng ta có thể giảm thiểu tác động của ô nhiễm biển và bảo vệ đại dương cho các thế hệ tương lai.

Nội dung, thiết kế: Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/giam-o-nhiem-bien-bao-ve-sinh-vat-va-moi-truong-tao-sinh-ke-ben-vung-95733.html
Zalo