Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết và quyết định lịch sử với Thủ đô
Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã rời xa cõi tạm vào 21h09 ngày 23-12-2024.
Khi mới 23 tuổi đời, 5 tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Quyết đã được Đảng, Bác Hồ tin tưởng, giao trọng trách nắm giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông cũng chính là người ra quyết định lịch sử: Tiến hành khởi nghĩa tại Hà Nội vào ngày 19-8-1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng bằng lực lượng tại chỗ, không chờ quân giải phóng từ chiến khu về bởi nếu không sẽ lỡ mất thời cơ lịch sử.
Khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ, quyết đoán và trách nhiệm
Đồng chí Nguyễn Quyết tên thật là Nguyễn Tiến Văn, sinh ngày 20-8-1922 ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1937, khi mới 15 tuổi, ông rời quê lên Hà Nội, vào làm việc tại Báo Đuốc Tuệ. Trên cương vị thư ký kiêm phát hành báo, ông có điều kiện gần gũi công nhân, người lao động thành phố và hiểu được nỗi thống khổ của người dân mất nước. Qua tiếp xúc với báo chí cách mạng, ông được giác ngộ và tích cực tham gia các hoạt động cách mạng ở Hà Nội, trở thành người cộng sản và bị mật thám đưa vào “sổ đen” theo dõi. Năm 1939, ông về Hưng Yên hoạt động để tránh bị lộ và gây dựng phong trào cách mạng. Những năm 1939-1941, ông đã góp phần quan trọng vào việc gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Kim Động, Hưng Yên.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, từ giữa năm 1941, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công về Hà Nội tiếp tục hoạt động với nhiệm vụ: Xây dựng căn cứ cách mạng ở ngoại thành Hà Nội và phụ trách công tác Công vận (vận động công nhân). Đồng chí Nguyễn Quyết từng chia sẻ, ông đã cùng các đồng chí của mình nhiều phen thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù. Nhờ vậy, phong trào quần chúng ngày càng phát triển, nhiều chi bộ thuộc Ban Công vận của Thành ủy Hà Nội đã ra đời.
Bằng thực tiễn hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Quyết đã vận dụng sáng tạo kinh nghiệm xây dựng chi bộ ghép ở Hưng Yên vào xây dựng cơ sở Đảng tại các xã ngoại thành Hà Nội. Ông cũng là người chủ trì bồi dưỡng và kết nạp gần hai mươi đảng viên nòng cốt để gây dựng phong trào cách mạng và phát triển Đảng trong công nhân và sinh viên ở Hà Nội, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử.
Nắm rõ năng lực chỉ huy, sự quyết đoán, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Quyết, Thành ủy Hà Nội đã phân công ông phụ trách công tác quân sự, lĩnh vực đặc biệt quan trọng để chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Tháng 11-1944, Đảng và Bác Hồ chỉ định đồng chí Nguyễn Quyết làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo đi nhận công tác khác. Trở thành người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, trực tiếp phụ trách công tác quân sự, ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp tổ chức, xây dựng, huấn luyện và tìm nguồn vũ khí, trang bị quân sự cho các đội tự vệ vũ trang công - nông một cách khôn khéo ngay trước mũi quân thù.
Hồi tưởng lại những ngày tháng Tám lịch sử, đồng chí Nguyễn Quyết từng chia sẻ, đây là thời kỳ Hà Nội sục sôi không khí, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân.
Bằng những hoạt động quyết liệt, thông minh, táo bạo ngay trong dinh lũy của phát xít Nhật và tay sai, các đội vũ trang công - nông đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào cách mạng ở Hà Nội trở thành cao trào trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Ngày 9-5-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và mở mặt trận phía Đông, giao tranh với quân đội của Nhật Hoàng. Trước tình thế này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiên đoán: Chủ nghĩa phát xít nhất định sẽ bị tiêu diệt; phát xít Nhật sẽ nhanh chóng bị thất bại trước sự tiến công như vũ bão của quân đội Xô Viết và các nước đồng minh. Đây là thời cơ để nhân dân ta giành lại độc lập.
Nắm chắc sự chỉ đạo của Đảng, “Thư kêu gọi khởi nghĩa” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 15-8-1945, tại chùa Hà (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị quân sự bất thường với chỉ huy các đội tự vệ để kiểm tra và thống nhất lực lượng, phân công chuẩn bị khởi nghĩa. Sau nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về thời cơ, phương thức, lực lượng khởi nghĩa, hội nghị quyết định phải tổ chức một đợt hoạt động nhanh nhưng thật mạnh mẽ để tập hợp lực lượng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia và thăm dò thái độ của phát xít Nhật.
Nhận thấy thái độ của Nhật “án binh bất động”, cố thủ trong doanh trại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị ngay trong đêm 17-8-1945 để đề ra một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Lực lượng khởi nghĩa chủ yếu sẽ là quần chúng cách mạng, có lực lượng quân sự làm nòng cốt, hỗ trợ đắc lực. Hà Nội sẽ khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ; không chờ quân Giải phóng từ Chiến khu Việt Bắc về, bởi chờ đợi sẽ mất thời cơ.
Quyết định khởi nghĩa của đồng chí Nguyễn Quyết thời điểm đó tuy phù hợp, sát với tình hình thực tế của Hà Nội nhưng cũng rất táo bạo, quyết đoán. Bởi với quyết định này, Hà Nội sẽ khởi nghĩa khi chưa nhận được lệnh của Trung ương, trong khi thành phố là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Quyết định táo bạo này sẽ khiến Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết phải gánh vác trách nhiệm to lớn trước Đảng, trước nhân dân.
Song quyết định này cũng thể hiện: Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết và các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã không thụ động chờ đợi; quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng trong tình thế cấp bách ở một thời cơ có một không hai trong lịch sử.
Lịch sử cũng đã minh chứng sự sáng suốt, táo bạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết là hoàn toàn đúng đắn. Hà Nội đã khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19-8-1945 và giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu. Thắng lợi của khởi nghĩa Tháng Tám tại Hà Nội là sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương trong toàn quốc, thôi thúc các địa phương chưa tiến hành khởi nghĩa sẵn sàng đứng lên giành chính quyền…
Nói về quyết định lịch sử khi mới 23 tuổi đời nhưng đã phải nắm giữ trọng trách người đứng đầu Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Quyết từng chia sẻ: Đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ. “Tôi biết chắc chắn rằng nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin, đây là một quyết định sáng suốt của cả một tập thể, những người đã gắn bó, sống chết với phong trào cách mạng tại Hà Nội trong nhiều năm; nắm rõ tình hình địch - ta diễn biến qua từng ngày. Quyết định khởi nghĩa cũng dựa trên sự phân tích tình hình cụ thể, chứ không phải là một quyết định nóng vội, chủ quan bị chi phối bởi tình cảm khát khao giải phóng”.
Thắng lợi của Hà Nội trong khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945 đã trở thành một “mốc son” đáng nhớ trong tiến trình lịch sử của Đảng bộ Thủ đô cũng như cả nước. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám cũng mang đậm dấu ấn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết với Thủ đô Hà Nội.
Quyết định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết cũng đã thể hiện rõ thái độ ứng xử vô cùng tinh tế của Đảng, của đất nước, con người Việt Nam đối với kẻ thù; nhờ đó đã hạn chế tối đa sự chống trả, tiết kiệm xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, giữ được thành phố Hà Nội bình yên sau khởi nghĩa.
Trọn đời phụng sự Tổ quốc và nhân dân
Sau hai năm gắn bó với Hà Nội (1943-1945) trên cương vị Ủy viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên Chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2 Vệ quốc quân, đồng chí Nguyễn Quyết được Đảng, Bác Hồ cử “Nam tiến”, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong quân đội, như: Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 5, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó trở thành Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, Ủy viên Ban Bí thư khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa IV, VII, VIII.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Đại tướng Nguyễn Quyết cùng đồng đội đã lập nhiều chiến công vang dội tại đèo Hải Vân, Gò Cả, diệt đồn Núi Lở, cứ điểm Thu Bồn... khiến quân địch khiếp sợ.
Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, Đại tướng Nguyễn Quyết cũng là một trong ba chỉ huy chiến dịch, được phân công trực tiếp chống chiến dịch Át-lăng, chiến dịch lớn chưa từng có của thực dân Pháp nhằm “xóa” vùng tự do Liên khu 5.
Nhớ về những tháng năm chiến đấu anh dũng, Đại tướng Nguyễn Quyết từng chia sẻ: “9 năm chiến đấu ở Liên khu 5 đã củng cố những bài học cũ và cung cấp thêm cho tôi những bài học mới về công tác Đảng, công tác chính trị… Đó là những bài học tuy còn mới mẻ nhưng rất sâu sắc, có giá trị xuyên suốt trong cả cuộc đời binh nghiệp của tôi sau này”.
Dành trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đại tướng Nguyễn Quyết, người cộng sản kiên trung, vị tướng trí dũng, mưu lược của Quân đội nhân dân Việt Nam đã rời xa cõi tạm, hưởng thọ 102 tuổi.
Hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung, Đại tướng Nguyễn Quyết được đánh giá là vị tướng tài năng, mưu lược, giỏi về quân sự, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị; luôn hết lòng vì nước, vì dân, rất mực yêu thương đồng chí, đồng đội; luôn nêu gương sáng của một vị tướng quân đội.
Với những thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; hai Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng... và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế trao tặng.