Giảm nghèo để lên thị xã

Phong Điền là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo 2,05%, tỷ lệ cao thứ tư trong 9 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Trong hành trình xây dựng trở thành thị xã, Phong Điền đặt mục tiêu hạ tỷ lệ giảm nghèo xuống còn 1,75% vào cuối năm 2024.

 Đầu tư hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, thoát nghèo bền vững

Đầu tư hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, thoát nghèo bền vững

Cụ thể từng địa chỉ, phần việc

Thống kê đến cuối năm 2023, toàn huyện Phong Điền còn 615 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,05%; trong đó, có 462 hộ không có khả năng lao động, 2 hộ có đối tượng là người có công cách mạng; giảm 245 hộ so với kế hoạch đề ra là 122 hộ. Hộ cận nghèo còn 996 hộ, chiếm tỷ lệ 3,32%; trong đó, có 530 hộ không có khả năng lao động, 21 hộ có đối tượng là người có công cách mạng. Hộ cận nghèo giảm 125 hộ, tỷ lệ giảm 0,41% theo kế hoạch.

Đến nay, toàn huyện không còn địa phương nào có tỷ lệ hộ nghèo trên 5%. Khu vực thành thị hộ nghèo còn 0,21%. Xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Điền Hương 4,93%, xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (không phải thành thị) là Phong Hải với tỷ lệ 0,84%.

Ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Phong Điền cho biết, ngay từ đầu năm 2024, trên cơ sở chỉ tiêu đề ra, các cấp, các ngành phối hợp với các địa phương rà soát chọn hộ và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực trạng, phân công nhiệm vụ cho từng ngành, từng thành viên Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững huyện để tiếp cận, hỗ trợ giúp đỡ để thoát nghèo bền vững vào cuối năm.

Đơn cử trường hợp bà Dương Thị Cần, ở thôn Phổ Lại, xã Phong Sơn thuộc hộ nghèo hiện đang sống một mình, già yếu không lao động được, nên Phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ trực tiếp. Trong đó đã hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà ở, lập thủ tục hỗ trợ mức 700.000 đồng/tháng từ tháng 3/2024 theo Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh. Ngoài ra, trường hợp như bà Cần được ưu tiên nhận các phần quà của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong các dịp lễ, tết và đưa vào danh sách kêu gọi hỗ trợ theo địa chỉ nhân đạo.

Qua chỉ đạo và vận dụng linh hoạt tùy tình hình thực tế, các xã, thị trấn đã cụ thể hóa tại địa phương để thực hiện công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều, truyền tải chính sách, chương trình giảm nghèo đến cộng đồng và người dân; khuyến khích, động viên người nghèo, người cận nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững... Nhờ đó, nhiều mô hình, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả đã được nhân rộng giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.

Tận dụng mọi nguồn lực

Hiện nay, huyện Phong Điền tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, cận nghèo, góp phần giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, giải pháp về hỗ trợ vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được địa phương tập trung thực hiện. Huyện đã vận dụng chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết cho hơn 4.600 lượt vay, với tổng kinh phí giải ngân khoảng 180 tỷ đồng. Thông qua ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, các tổ vay ở các địa phương đã tiến hành rà soát hội viên đoàn viên và lao động của hộ nghèo, cận nghèo vừa thoát nghèo để lập thủ tục cho vay và đã giải ngân số tiền hơn 141 tỷ đồng, với hơn 2.690 lượt vay nhằm phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sinh kế.

Ngoài ra, có 1.925 hộ được giải ngân vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, với 38,5 tỷ đồng. Các đoàn thể cấp huyện huy động nguồn lực chung tay hỗ trợ hơn 155 triệu đồng giúp 73 hộ nghèo phát triển mô hình sinh kế và tặng quà cho 386 con em hộ nghèo trị giá trên 168 triệu đồng. Các chính sách về hỗ trợ nhà ở, miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội cho các đối tượng yếu thế, hỗ trợ tiền điện và nhiều hỗ trợ khác đã được triển khai thực hiện đúng người, đúng thời điểm, đúng quy định.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những chiến lược khả thi nhất, giúp người lao động sớm thoát tình trạng nghèo, cận nghèo hiệu quả và bền vững nhất. Bình quân mỗi năm, địa phương đã giải quyết cho 1.700 lao động có việc làm mới, đưa hơn 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cấp cho huyện Phong Điền năm 2022 và 2023 là 20,035 tỷ đồng và đến nay đã giải ngân đạt 100%, địa phương đã triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án theo chương trình đạt kết quả, tiến độ. Trong đó, thực hiện Tiểu dự án 1 “Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển”, có 7 công trình giao thông, thủy lợi, trạm bơm, chợ được đầu tư hoàn thiện. Trong đó, tại xã Điền Hương có 4 công trình và xã Phong Chương 3 công trình. Đây cũng là 2 xã trong danh sách 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển của tỉnh vừa được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và thoát khỏi diện xã nghèo.

Cũng từ nguồn ngân sách trên, huyện đã thực hiện Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Đồng thời, triển khai dự án mô hình sinh kế “chăn nuôi bò lai sinh sản” hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn xã Phong Thu, với tổng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 200 triệu đồng.

Kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp, vận dụng đúng, đảm bảo nguồn ngân sách và các nguồn lực khác, việc đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Phong Điền xuống còn 1,75% đến cuối năm 2024 sẽ đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,3%, tương đương giảm 89 hộ nghèo và còn 526 hộ đến cuối năm 2024, chiếm tỷ lệ 1,75%. Giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,62%, tương đương giảm 187 hộ, đạt tỷ lệ 2,7% đến cuối năm 2024.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/giam-ngheo-de-len-thi-xa-146242.html
Zalo