Bão số 3 (Yagi) và trận lũ lịch sử tại một số tỉnh miền Bắc đã để lại nhiều thiệt hại, ảnh hưởng tới hàng nghìn nông dân, từ những người dân trồng hoa, cây cảnh cho đến những người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Bão, lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tàn phá tan hoang những ruộng hoa, cánh đồng, vườn cây....
Chia sẻ của người dân trồng cây phật thủ ven bãi sông Hồng.
Từ nhiều năm nay, người dân xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề trồng cây phật thủ. Mỗi năm, tổng doanh thu từ cây phật thủ mang về cho người dân Đắc Sở số tiền trên 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cây phật thủ là loài cây "khó tính", chỉ ưa đất tơi xốp, pha cát ven sông, nên người nông dân phải mất nhiều công sức chăm sóc, rất vất vả, tốn thời gian. Do không thể trồng trên mảnh đất của mình được nữa, vài năm gần đây, người dân Đắc Sở đã đi tìm, thuê lại những diện tích đất bãi ven sông Đáy, sông Hồng ở các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng để trồng phật thủ.
Hầu hết những vườn phật thủ của người dân Đắc Sở là đất thuê ven sông Hồng, những ngày này vườn vắng bóng người..., vì hầu hết các chủ vườn đều đã 'tay trắng' sau trận lũ.
Tại vườn phật thủ đã chết khô của gia đình, anh Nguyễn Văn Thuận ngậm ngùi chia sẻ: "3 năm trước, tôi tìm hiểu và thuê đất ven sông Hồng của một hộ gia đình tại thôn Bãi Cháy, xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, Hà Nội để trồng phật thủ. Năm nay là vụ thu hoạch đầu tiên. Cây đang trong giai đoạn phát triển tốt, cho quả sai thì bất ngờ tai họa ập tới... nước lũ đã nhấn chìm đi tất cả".
Chỉ trong vài giờ, nước lũ dâng quá nhanh khiến anh Thuận và nhiều hộ trồng phật thủ ven bãi sông Hồng trở tay không kịp. "Vòng đời của cây phật thủ chỉ 5-6 năm, bắt đầu cho trái từ năm thứ hai, trung bình một cây phật thủ cho khoảng 40 quả/vụ, cây cho năng suất cao nhất là từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 thì hết lứa. Ước tính sau 3 năm, tiền đầu tư bỏ ra hơn 1 tỷ đồng, vụ này bắt đầu cho thu hoạch để hồi vốn nhưng giờ mất tất cả rồi", anh Thuận cho hay.
Toàn bộ bộ vườn nhà anh Thuận giờ đây chỉ là những cây chết khô.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Vương Thị Thắm (xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: "Cả tuần nay 2 vợ chồng mất ăn, mất ngủ bởi cách đây 2 năm vợ chồng tôi thuê đất để trồng phật thủ. Sau trận lũ lịch sử, hơn 600 cây bị ngập hơn nửa thân cây, toàn bộ hoa, quả đều đã hỏng, bây giờ chỉ hy vọng chăm bón để cây phục hồi lại".
Nhìn vào hàng cây phật thủ màu bạc phếch, chị Thắm ngậm ngùi: "Kinh tế gia đình chờ hết vào đây. Mưa lũ qua đi, nay thì chẳng còn gì nữa rồi".
Toàn bộ hoa và quả đã chết và rụng.
"Chăm cây như chăm con mọn, khi chuẩn bị đến ngày hái quả ngọt thì nước lũ đã xóa sổ mọi thứ", chị Thắm buồn bã nói và hướng ánh mắt nhìn về phía vườn phật thủ của mình.
Tuấn Anh