Giảm nghèo 2024: Tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 1,9%, vượt các mục tiêu được giao
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1,9%, giảm trên 1%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, giảm trên 3%.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 đã đạt và vượt mục tiêu quốc hội, chính phủ giao.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1,9%, (giảm trên 1%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5% (giảm trên 3%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26% (giảm khoảng 5%).
Trong năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo; đến cuối năm 2024 dự kiến có 18/54 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Trong đó, 9/54 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 01 xã sát nhập địa giới hành chính (xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch); 8 xã đang hoàn thiện hồ sơ công nhận, đạt 33,33%, vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (đến cuối năm 2025 có 30% số xã thoát khỏi tình trạng đặc khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo).
Trong giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hiện nay, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Những trường hợp này cũng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm.
Sang năm 2025, công tác giảm nghèo đặt mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 1%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Để thực hiện được các mục tiêu trong năm 2025, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực giảm nghèo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, tổng hợp kết quả rà soát và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 năm 2025
Năm 2025 cũng là năm sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi./.