Giảm lệ phí trước bạ cứu vãn thị trường ô tô

Giảm lệ phí trước bạ ô tô với kỳ vọng kích cầu sức mua và duy trì sản xuất trong nước.

Trước hết phải khẳng định lệ phí trước bạ không phải một sắc thuế, mà là một dịch vụ công phải trả tiền bởi người có tài sản cần được Nhà nước bảo hộ. Ví dụ tài sản là ô tô, tàu thuyền hoặc nhà đất, khi đăng ký sở hữu sẽ phải nộp một khoản gọi là “lệ phí trước bạ”, theo Luật Phí và lệ phí 2015.

Hiểu đơn giản là Nhà nước công nhận, ghi danh và bảo hộ tài sản của tổ chức, cá nhân sau khi nộp lệ phí trước bạ.

Trên thực tế, khoản thu lệ phí này được giới chuyên gia kinh tế nhận định là khoản thu “có tính chất tương tự thuế”, do mức độ điều tiết cao, tỷ trọng nộp ngân sách lớn trên tổng giá trị tài sản.

Vì thế, dân kinh doanh ô tô, dù rất am hiểu khoản thu này, vẫn quen miệng gọi bằng cụm từ “thuế trước bạ”.

Một số hãng xe thuộc VAMA dự kiến điều chỉnh giảm sản lượng cả năm, do sức mua quá yếu tính đến hết tháng 7 năm nay. Ảnh: Lam Anh.

Một số hãng xe thuộc VAMA dự kiến điều chỉnh giảm sản lượng cả năm, do sức mua quá yếu tính đến hết tháng 7 năm nay. Ảnh: Lam Anh.

Trong lĩnh vực ô tô, khoản lệ phí trước bạ tính bằng 10 - 12% giá niêm yết. Ví dụ chiếc xe giá niêm yết 800 triệu đồng, lệ phí trước bạ ở đa số các tỉnh là 80 triệu đồng (10%), ở một vài thành phố lớn là 96 triệu đồng (12%). Xe càng đắt tiền, khoản lệ phí trước bạ càng cao.

Bởi vậy, từ những người bán xe ở đại lý đến người tiêu dùng đều kỳ vọng giảm một nửa lệ phí trước bạ là giải pháp kích cầu mạnh nhất, cứu vãn thị trường ô tô có dấu hiệu kiệt sức.

Khi Chính phủ lần đầu thực thi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước (tháng 7 - 12/2020), khi đó dịch Covid-19 khiến hàng loạt nhà máy ô tô trong nước sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động.

Chính sách lập tức phát huy hiệu lực, sản lượng bán hàng một số hãng tăng vọt hai chữ số, tính theo tháng. Doanh số VAMA tháng 10/2020 tăng 22% so với tháng trước, doanh số Hyundai tháng 11/2020 tăng 40,6% so với tháng trước…

Lần giảm lệ phí trước bạ thứ hai (tháng 12/2021 - 5/2022) phản ứng sức mua mạnh mẽ đến mức sản lượng tiêu thụ ô tô lập kỷ lục, vượt mốc 500 nghìn xe.

Lần giảm lệ phí trước bạ lần thứ ba (tháng 7/2023 - 12/2023) diễn ra trong bối cảnh chung khó khăn ngay từ đầu năm, đến mức triển lãm ô tô thường niên năm 2023 phải đình hoãn.

Nhưng các đại lý thừa nhận, việc giảm 50% lệ phí trước bạ 6 tháng cuối năm ngoái là có hiệu quả, giúp thị trường vực dậy phần nào, tiệm cận sản lượng tiêu thụ gần 400 nghìn xe cả năm.

Theo nhận định, nếu chỉ dựa các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng hãng xe sẽ không đủ duy trì sản lượng và doanh số bán hàng, không đủ sức bật giúp thị trường ấm lên.

Do đó, giảm lệ phí trước bạ là giải pháp kích cầu tổng thể, giúp các nhà máy ô tô và chuỗi cung ứng giữ được sản lượng, Nhà nước giữ được nguồn thu từ thuế sản xuất và tiêu dùng.

Đổi lại, ngân sách các địa phương phải chấp nhận một tỷ lệ hụt thu nhất định từ lệ phí trước bạ ô tô. Theo tính toán, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ có thể làm giảm thu ngân sách bình quân 867 tỷ đồng mỗi tháng.

Đây là lý do khiến lần này Chính phủ chỉ cho phép thực thi chính sách 3 tháng, hụt thu ngân sách ước khoảng 2.600 tỷ đồng. So với đề xuất áp dụng 6 tháng như tiền lệ, mức hụt thu sẽ được giảm bớt mà vẫn giúp vực dậy thị trường, nhất là trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Cao Anh Đức

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/giam-le-phi-truoc-ba-cuu-van-thi-truong-o-to-192240724204412549.htm
Zalo