Giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng

Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa là những địa phương có vị trí chiến lược nằm trên trục giao thông quan trọng nối miền Bắc và miền Trung, thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Do vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của ngành ngân hàng và chính quyền địa phương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 7.

Một số chương trình tín dụng đạt kết quả còn thấp

Theo Giám đốc NHNN Khu vực 7 Trần Thế Hùng, đến cuối tháng 3-2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN Khu vực 7 ước đạt hơn 561.000 tỷ đồng, tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,5% dư nợ tín dụng toàn quốc. Trong đó, theo ngành kinh tế, tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản đạt 54.170 tỷ đồng, tăng khoảng 0,23%; ngành công nghiệp và xây dựng đạt 167.628 tỷ đồng, tăng khoảng 3,73%; ngành thương mại dịch vụ đạt 334.432 tỷ đồng, giảm khoảng 1,3% so với cuối năm 2024.

Đồng chí Hà Lan Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống ngành ngân hàng trong thời gian qua, đặc biệt về vốn tín dụng trong đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Lãnh đạo các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa mong muốn ngành ngân hàng nói chung, NHNN Khu vực 7 nói riêng tiếp tục có những hỗ trợ, đóng góp tích cực cho các địa phương trong nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm nay.

 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Về việc đẩy mạnh các hoạt động tín dụng phục vụ doanh nghiệp và người dân trên địa bàn NHNN Khu vực 7, ông Trần Thế Hùng cho rằng, vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Một số chương trình tín dụng đạt kết quả thấp, chưa được như kỳ vọng. Một số doanh nghiệp năng lực tài chính, dòng tiền còn khó khăn; hàng tồn kho tăng; năng lực quản trị, điều hành hạn chế; sức cạnh tranh yếu; khó khăn trong việc tìm đối tác, đơn hàng; thiếu phương án kinh doanh khả thi; chưa đáp ứng điều kiện tín dụng... Vì vậy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng, bà Trần Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Hà Nam đề xuất, ngành ngân hàng tiếp tục duy trì các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như thời gian vay cho doanh nghiệp với đặc thù ngành nghề có tính chất mùa vụ và sự biến động giá cả lớn trong giai đoạn thu mua lương thực. Qua đó giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính, bảo đảm cân đối cung-cầu lúa, gạo trong nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững.

Ông Lê Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn kiến nghị ngành ngân hàng có các giải pháp hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại nên triển khai thêm các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và mở rộng hình thức thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.

Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Hiện tại, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) Chi nhánh Nam Định đang là ngân hàng có dư nợ lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phạm Ngọc Tân, Giám đốc MB Chi nhánh Nam Định, đến tháng 2-2025, Ngân hàng đang có dư nợ khoảng 6.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,3% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh Nam Định. 3 tháng đầu năm 2025, MB Chi nhánh Nam Định đã tổ chức ký cam kết cho vay đối với 48 doanh nghiệp với số tiền 1.300 tỷ đồng (trong đó tài trợ vốn vay ưu đãi cho 32 doanh nghiệp với số tiền cam kết cho vay 834 tỷ đồng; 228 hộ kinh doanh với số tiền 525 tỷ đồng). Ngoài ra, MB Chi nhánh Nam Định đã thực hiện giảm lãi suất cho vay khách hàng với mức giảm từ 0,5% đến 1,0%/năm cho hơn 20 doanh nghiệp, số tiền lãi đã giảm khoảng 1,86 tỷ đồng; dư nợ được giảm lãi suất 426 tỷ đồng. Thực hiện giảm lãi suất cho vay khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh với mức giảm từ 0,5% đến 0,8%/năm cho khoảng 305 hộ kinh doanh, số tiền lãi đã giảm khoảng 0,72 tỷ đồng; dư nợ được giảm lãi suất 574 tỷ đồng.

Ông Hồ Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông tin: Vietcombank là ngân hàng có dư nợ tín dụng lớn thứ 4 trong NHNN Khu vực 7, chiếm 8,4% tổng dư nợ trên địa bàn. Vietcombank cam kết ưu tiên vốn với chi phí ưu đãi để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng cam kết tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp so với thị trường, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN Việt Nam.

Để tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Quang Dũng chỉ đạo NHNN Khu vực 7 tiếp tục định hướng các TCTD trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh NHNN Khu vực 7, đặc biệt là nhu cầu vốn để khai thác các tiềm năng, thế mạnh, các dự án trọng điểm của khu vực. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh và xử lý, tích cực thu hồi nợ xấu.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tai-chinh/giam-lai-suat-cho-vay-de-ho-tro-khach-hang-823511
Zalo